Kỳ cuối: Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Khi những Trung tâm thương mại (TTTM) cao tầng trong các dự án chuyển đổi 'mọc' lên trên những khu đất 'vàng' của thành phố, chợ truyền thống lại bị 'nhét' xuống tầng hầm làm mất đi giá trị truyền thống cũng như lượng khách vốn có. Vậy phải làm thế nào để 'hồi sinh' các TTTM?

Các TTTM bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do thói quen tiêu dùng của người dân tiện đâu mua đó, không muốn vào chợ phải gửi xe, vừa mất tiền vừa mất thời gian và có thể giá trong các chợ tại TTTM, chợ kiểu mới lại đắt hơn.Trong khi đó chợ cóc, chợ tạm đang mọc tràn lan trên đường, trong mọi ngõ ngách, giá cả lại rất linh hoạt...

Ngoài những lý do trên thì những TTTM được chuyển đổi từ chợ truyền thống này còn khiến cho người dân có tâm lý “lai căng”, “pha tạp”, không mặn mà.

“Bây giờ, vào chợ kiểu này, cảm giác cứ như đi siêu thị vậy. Gửi xe rồi đi bộ vào chỗ bán hàng. Nhưng các mặt hàng ở chợ chuyển đổi lại rất hạn chế, không phong phú như siêu thị và chất lượng cũng không thể bằng. Chưa kể, nếu so ngay với chợ đó trước đây thì mức độ đa dạng cũng giảm đi quá nhiều, làm mất hẳn sức hấp dẫn”, chị Lê Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bộc bạch.

Người dân thích chợ cóc vì sự tiện lợi, nhanh chóng (Ảnh: L.Thắm)

Bên cạnh đó, một điểm trừ đáng kể khác của mô hình chợ truyền thống “kiểu mới” là không gian quá bí bách, khó thở, đặc quánh mùi hàng hóa, mang tới cảm giác rất bức bí, khó chịu do bị “nhét” xuống dưới tầng hầm.

Việc chuyển đổi chợ truyền thống sang mô hình TTTM kết hợp chợ không khác gì sự chuyển đổi nửa vời. Trong khi đó, cách vận hành một TTTM vốn rất khác với cách vận hành một chợ truyền thống. Tâm lý người dân muốn mua sắm hàng cao cấp thì sẽ chọn TTTM cao cấp hẳn, có nhiều hàng hiệu. Còn nếu có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày thì đến các cửa hàng tạp hóa, chợ cóc vừa nhanh, tiện lại rẻ hơn.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, việc chuyển đổi, cải tạo các khu chợ hiện nay là tất yếu và đúng với xu thế phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các chợ mới được thiết kế nhằm mục đích trở thành TTTM, khiến cho chợ dân sinh không được bảo vệ và đánh giá đúng vai trò. Trong khi chợ dân sinh tại Hà Nội không chỉ là nơi mua bán của người có thu nhập thấp, mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị tinh thần là một phần của bản sắc văn hóa và lịch sử của Thành phố.

Nguyên nhân cốt yếu nhất khiến các khu chợ kiểu mới của Hà Nội hiện rơi vào tình trạng vắng khách là do các chủ đầu tư đã vô tình triệt tiêu đi nét đặc trưng vốn có của một khu chợ truyền thống cũng như làm mất đi cảm giác quen thuộc, thuận tiện của người dân đối với các khu chợ này.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Minh Phong: “Những vị trí đẹp thường dành cho người nhà của các lãnh đạo chợ hoặc được bán với giá rất đắt, gây ức chế cho các tiểu thương bình thường và cũng từ đó mà giá cả của các mặt hàng cũng tăng lên so với bên ngoài khiến người dân không mặn mà”.

Để góp phần hồi sinh các TTTM, ông Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, cho rằng, chủ trương cải tạo chợ dân sinh cũ thành TTTM cần phải điều chỉnh. Bởi lẽ, văn hóa chợ hoàn toàn khác với TTTM, chi kể giá cả của TTTM đắt hơn, trong khi đó hàng hóa ở chợ dân sinh tươi sống hơn, mua bán thuận tiện hơn.

Nếu kết hợp chợ - TTTM thì phải bố trí chợ thuận tiện, giá thuê mặt bằng phải thấp hơn thì tiểu thương mới tồn tại được. Nhưng khi xây mới, giá quầy bị đẩy lên quá cao. Đây chính là lý do vì sao tiểu thương phải bỏ chợ và là vấn đề cần phải cân nhắc. Hơn nữa giá thuê cao thì giá hàng hóa cũng tăng lên khiến cho người dân không mặn mà mua sắm ở đây.

Đưa ra giải pháp để cải thiện tình trạng các TTTM bị bỏ hoang, và rút kinh nghiệm cho những mô hình kết hợp sau này chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “Việc cải tạo, xây mới chợ truyền thống thành những khu chợ khang trang, hiện đại là hướng phát triển đúng, nhưng duy trì được chức năng của chợ truyền thống là cả vấn đề.

Để chợ truyền thống trong TTTM hoạt động có hiệu quả, các chợ mới phải được ưu tiên sắp xếp tại vị trí phù hợp, thuận tiện cho cả người bán - người mua; bố trí khu để xe rộng rãi. Việc xây dựng chợ trung tâm thương mại là để phục vụ nhu cầu, lợi ích của người dân, cho nên cần thiết kế làm sao để người dân có thể mua bán một cách thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu được đi thẳng xe vào các quầy hàng để mua sắm và miễn phí tiền gửi xe cho những người đi vào chợ truyền thống.

Có như vậy mới tạo được thúc đẩy được nhu cầu của người dân ở các chợ TTTM. Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội phải đưa ra được mô hình thiết kế chung theo hướng kết hợp giữa thương mại hiện đại nhưng vẫn phải giữ được giá trị chợ truyền thống. Các ngành phải kiên quyết dẹp chợ cóc, chợ tạm, việc làm này không chỉ đảm bảo văn minh thương mại mà còn có tác dụng thu hút người tiêu dùng mua sắm tại chợ”.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-dat-loi-ich-cua-nguoi-dan-len-hang-dau-79776.html