Kỳ cuối: 'Chân ngoài' nuôi 'chân trong'

Nếu không có hồ sơ giới thiệu, ít ai biết những diễn viên Hồng Đăng, Mạnh Trường, Thanh Hương… là diễn viên kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội. Bởi, tần suất họ đóng phim truyền hình nhiều đến nỗi khán giả nhớ mặt đặt tên cho mỗi vai diễn của họ, còn để kể các tác phẩm trên sân khấu kịch… hẳn nhiều người sẽ phải e thẹn lắc đầu

Diễn viên làm “nghề tay trái”

Đó dường như là câu trả lời thực tế về công cuộc bươn chải mưu sinh của các diễn viên kịch hiện nay. Gần thập kỷ qua, 3 sân khấu kịch lớn đóng đô ở Hà Nội là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ luôn ở trong tình trạng “tắt đèn”, mỗi tháng chỉ chưa đầy 10 suất, các vở diễn cũ được diễn lại nhiều lần, còn việc làm mới vở diễn gần như chỉ đủ cho việc “sát hạch” chỉ tiêu mỗi năm đề ra.

Trong đó, diễn viên thì khó sống bằng số lương ít ỏi, tiền bồi dưỡng tập gần như không có… Và để “vượt khó, vượt nghèo”, nhiều diễn viên kịch bén duyên với lĩnh vực phim ảnh. Ngoài số tiền cát-sê vài chục triệu đồng cho mỗi bộ phim dài tập, hình ảnh của họ còn có cơ hội được lan tỏa tới công chúng, làm quảng cáo cho các nhãn hàng và để các nhà truyền thông “nhắm” đến cho cái nghề đi… sự kiện.

Diễn viên Thanh Hương, Nhà hát Kịch Hà Nội bỗng chốc nổi như cồn từ vai diễn “con gái ông trùm” Phan Quân “Người phán xử”. Có ngoại hình cao ráo, khuôn mặt xinh đẹp, Thanh Hương đắt sô quảng cáo, đi sự kiện. Qua trang cá nhân cập nhật, buổi sáng cô tham dự sự kiện Hà Nội nhưng ngay trong buổi tối đã thấy cô xuất hiện tại Hải Phòng. Số tiền từ nghề sự kiện được cô chia sẻ, cao gấp mấy lần lương cơ bản của một diễn viên nhà hát. Ngoài ra, việc tham gia các đĩa hài Tết cũng đưa đến cho cô nguồn thu nhập dư dả. Thanh Hương chia sẻ, cát-sê từ phim hài Tết gấp 5-10 lần so với phim truyền hình hay sân khấu. Mức cát-sê dao động vài chục triệu đồng cho mỗi tập phim trong thời gian quay khoảng 1 tuần.

Nhờ hiệu ứng khá tốt từ phim “Người phán xử”, Thúy An (vai diễn Hương Phố), công tác Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được nhiều lời mời tham dự sự kiện và quảng cáo. Nhưng, Thúy An cũng chỉ đắt sô sau vài tháng bộ phim phát sóng.

Giờ đây, bên cạnh những vai diễn trên sân khấu và truyền hình, trở về với đời sống thường nhật, vợ chồng cô mở quán cà phê kiếm sống. Quán cà phê mang tên “Kịch” vừa là dấu ấn của một diễn viên kịch, vừa là nơi giao lưu của các đồng nghiệp.

Mặc dù không thuộc tuýp người bon chen trong các sự kiện giải trí, nhưng Hồng Đăng cũng được biết ngoài phim ảnh, anh còn đi đóng quảng cáo. Trăn trở về nghề, diễn viên Hồng Đăng từng cho biết, số tiền cát-sê từ đóng phim, quay quảng cáo sẽ không quá dư dả cho cuộc sống của một nghệ sĩ. Bởi, anh còn phải là trụ cột gia đình nhỏ với người vợ và hai cô con gái.

Nên thời gian rảnh, anh dùng vào việc đầu tư kinh doanh. Hồng Đăng cũng chia sẻ về việc anh cùng một số người quen mở cửa hàng ở Hà Nội, kinh doanh đồng hồ, điện thoại, zippo. Trước đây, Hồng Đăng cũng từng kinh doanh mô tô và ĐTDĐ trước khi dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Chung số phận với cuộc vật lộn mưu sinh của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống, các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ cũng bươn chải đủ nghề mưu sinh. Đó là diễn viên Anh Tuấn, vợ anh là diễn viên Nguyệt Hằng cùng công tác Nhà hát Tuổi Trẻ.

Tiết lộ về mức lương cơ bản, Anh Tuấn thẳng thắn: Hiện tại tôi được ký hợp đồng dài hạn nên lương cứng là hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi có hợp đồng biểu diễn thì sẽ có thêm thu nhập. Vì số tiền lương cộng dồn của hai vợ chồng không đủ chi tiêu sinh hoạt nên chúng tôi đã kinh doanh thêm lĩnh vực nhà hàng ăn uống. Lợi thế từ gương mặt diễn viên truyền hình nên việc kinh doanh cũng khá khẩm.

NSND Trung Hiếu và Thanh Hương trong phim hài Tết “Tết vui phết - Mr Lù”. ẢNH FBNV

Và những nỗi lòng…

Theo NSƯT Chí Trung, GĐ Nhà hát Tuổi Trẻ thì Nhà hát Tuổi Trẻ hiện tại có hơn 300 cán bộ, nghệ sĩ. Thế nên, việc đảm bảo tiền lương, thu nhập cho anh em là một “bài toán” nan giải khi sân khấu hiện nay thiếu vắng khán giả. Những vở diễn được đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, nhưng ngày ra ra mắt, chỉ đắt vé từ vài suất chiếu đầu tiên, đa phần đến từ các tấm vé “khách mời”, còn khán giả vãng lai rất ít.

Trăn trở tìm hướng đi mới cho Nhà hát Tuổi Trẻ, vực dậy niềm tin cho các diễn viên vững tâm với nghề, NSƯT Chí Trung đã có cuộc “đổi ngôi” cho Nhà hát. Bằng sự đổi mới từ chính vở kịch. Nhà hát đã, đang và sẽ dựng 4 vở của anh Lưu Quang Vũ và phả hơi thở thời đại trong từng tác phẩm, được diễn vào tất cả các tối chủ nhật hàng tuần tại rạp Tuổi trẻ.

“Để kéo khán giả đến rạp, Nhà hát Tuổi trẻ đã “thoát nghèo, thoát đói” bằng việc bắt kịp xu hướng hài, miệt mài dựng tiểu phẩm hài để dễ bán vé hơn, dễ đi diễn tỉnh hơn, để tăng suất diễn hơn”, NSƯT Chí Trung nói.

NSƯT Chí Trung rưng rưng khi nhắc đến mức lương bèo bọt của nghệ sĩ tại các nhà hát hiện nay. Theo đó, lương nghệ sĩ có thâm niên từ 4-5 năm là 1,9 triệu đồng, NSND Lê Khanh hơn 5 triệu, Vân Dung là 3 triệu. Đảm nhận công tác GĐ Nhà hát nên mức lương của Chí Trung cũng không nhiều so với mặt bằng chung của công nhân viên chức. Thu nhập từ lương của anh khoảng 7 triệu đồng.

NSND Trung Hiếu, GĐ Nhà hát Kịch Hà Nội cũng tiết lộ mức lương thấp của các nghệ sĩ hiện nay. Một nghệ sĩ làm nghề 10 năm nhưng lương cũng chỉ tầm 3 - 4 triệu đồng/tháng, các nghệ sĩ mới vào nghề lương chỉ 2-3 triệu đồng/tháng. Trước khi vở kịch được lên sân khấu biểu diễn chính thức, các diễn viên đã phải tập luyện khoảng 1 tháng trên sàn diễn.

Trong khoảng thời gian này, các diễn viên hoàn toàn không nhận lương đến khi suất diễn đầu tiên bán vé. Thực tế cho thấy, mức thu nhập của một diễn viên kịch không cao so với công sức mà họ bỏ ra cho vở diễn. Với một diễn viên là thành viên chính thức tại sân khấu kịch, trung bình với lịch diễn từ 5-7 suất/tuần thì mức lương tương đương 1 nhân viên văn phòng.

NSND Trung Hiếu từng chia sẻ: “Khán giả họ biết mà, nghệ sĩ nghèo lắm. Bây giờ đời sống có khá hơn nhưng cũng chỉ với diễn viên đắt sô thôi. Còn ở Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi tôi đang làm công tác quản lý với hơn 100 cán bộ, nhân viên, nhiều người có mức thu nhập thấp lắm, lương vài triệu đồng, đi diễn quần quật cả đêm cũng chỉ được hai, ba trăm nghìn đồng. Tôi vẫn bảo với anh em nghệ sĩ là có gì làm thêm thì đi làm để tăng thu nhập. Ngoài công việc ở cơ quan, tôi luôn tạo điều kiện cho mọi người đi làm phim. Tôi bảo làm thứ liên quan đến nghề là tốt nhất, còn ai kinh doanh cũng được, miễn là hợp pháp”.

Việc công chúng nhìn bề ngoài các diễn viên họ có nhà sang, xe đẹp là bởi họ làm các công việc kinh doanh, đi làm phim, MC, quảng cáo. Nhưng đó chỉ là những diễn viên hoạt ngôn, có giao tiếp, gương mặt ưa nhìn… Còn một số diễn viên, ngoài việc lăn xả với các vai diễn sân khấu thì họ cũng phải bươn chải nhiều công việc khác nặng nhọc khác như chạy xe ôm...

Trước thực tế sân khấu không thể bán vé, tiền đầu tư cho mỗi vở diễn ít ỏi, mức lương cơ bản thấp thì công cuộc mưu sinh “nghề tay trái” của nghệ sĩ cũng cách “lấy ngắn nuôi dài” nhằm “giữ lửa” cho cái nghề mà họ đã tâm huyết như là cái nghiệp.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-cuoi-chan-ngoai-nuoi-chan-trong-112013.html