Kỳ cuối: Cần sự chung sức của cả cộng đồng

Hà Nội đã và đang nỗ lực hướng tới xây dựng hình ảnh Thủ đô không rác thải nhựa. Bên cạnh sự chuyển biến tích cực từ ý thức của người dân, để thiết thực, hiệu quả hơn nữa việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa cần có sự chung sức của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành.

Với mục tiêu hướng tới môi trường không rác thải nhựa, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, nhận được sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành hay từ nhà hàng, quán ăn đến mỗi người dân....

Một số doanh nghiệp sản xuất các loại túi làm từ giấy để dần thay thế, loại bỏ túi nilon

Một số doanh nghiệp sản xuất các loại túi làm từ giấy để dần thay thế, loại bỏ túi nilon

Có thể thấy, phong trào phát triển mạnh mẽ cũng như sự tự ý thức của người dân Thủ đô đang có những chuyển biến rất tích cực. Song không thể phủ nhận, sự thay đổi nhận thức của người dân vẫn chưa thực sự rộng rãi. Dạo quanh một vòng tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, người dân chủ yếu vẫn sử dụng túi nilon là chủ yếu. Dù mua thịt, mớ rau hay bất kể một thứ gì, người bán và người mua đều tiện tay cho vào túi nilon để đựng đồ.

Đặc biệt dù biết đến tác hại của túi nilon nhưng chẳng ai “cưỡng nổi” sự tiện dụng của nó. Cùng với đó, hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm túi, găng tay tự phân hủy từ tinh bột hoặc túi làm từ giấy tái chế, ống hút làm từ cây lúa mạch, từ tre… tuy nhiên số lượng đó chưa thực sự nhiều và giá thành tương đối cao so với sản phẩm từ nhựa khiến người dân băn khoăn, e ngại dẫn đến những thói quen xấu vẫn chưa được xóa bỏ triệt để.

Do đó, hành động thiết thực nhất là ngay từ hôm nay, mỗi người dân, bằng tinh thần tự giác, hãy dần từ bỏ thói quen dùng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua, bán hàng hóa, thực phẩm; thực hiện việc phân loại rác tại nguồn...

Những người đã làm tốt vấn đề này cần tuyên truyền, hướng dẫn người khác cùng thực hiện để việc làm này được lan tỏa trong mỗi gia đình, khu dân cư và cộng đồng xã hội. Với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, bên cạnh việc tuyên truyền mỗi cán bộ, hội viên, người lao động chung tay chống rác thải nhựa, cần làm gương trong sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, những chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa hiện nay chưa tương xứng với mức độ tác động, hệ lụy của nó đến môi trường, đến sức khỏe con người và sự kỳ vọng của xã hội về vấn đề này. Do đó, để việc giảm thiểu rác thải nhựa có hiệu quả thực chất, cần sự chung sức đồng lòng từ nhiều phía và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành.

Phải sớm có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với rác thải nhựa. Bởi rác thải nhựa đang là một thách thức lớn với đời sống xã hội, nếu chỉ dừng ở hô hào, kêu gọi thay đổi ý thức thì chưa đủ mà trên hết cần xây dựng những quy định, chế tài ngăn chặn cụ thể.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-su-chung-suc-cua-ca-cong-dong-94496.html