Kỳ cuối: Cần nhiều hơn nữa những hành động đẹp

Bên cạnh những điều tốt đẹp ngày càng nở hoa khắp nơi từ nhà ra ngõ thì vẫn còn một số hạt sạn trong ứng xử. Bởi thế, trong xã hội từ trước đến nay không chỉ coi trọng 'pháp trị' mà cũng cần luôn luôn coi trọng vai trò của 'đức trị' trong việc hình thành lối sống văn hóa.

Từ chung cư…

Chung cư từng được xem là một biểu tượng của nhịp sống văn minh đô thị với mỗi tầng là một xóm nhỏ, mỗi hành lang là một ngõ nhỏ và là nơi phù hợp với những cặp vợ chồng trẻ, có tri thức. Bên cạnh những nét đẹp văn hóa như giữ sạch không gian chung, không gây ồn ào, hỗ trợ nhau trông con, đưa con cái đi học… hay tương thân tương ái, . thì vẫn còn hàng trăm các tình huống và câu chuyện bi hài xảy ra xung quanh việc ứng xử, sinh hoạt giữa các cư dân.

Anh Phạm Văn Đức mới mua một căn hộ tại tầng 2 tòa V6 chung cư Vesta Phú Lãm (Hà Đông). Lý do anh chọn căn hộ số 0211 là vì căn này có ban công nhìn ra một khoảng sân rộng rãi. Anh Đức tính anh sẽ “mượn” khoảng sân này để đặt mấy chậu hoa, mang hương thơm và hơi thở cuộc sống vào trong nhà.

Tôn trọng không gian chung của cộng đồng góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. (ảnh: Bảo Thoa)

Tôn trọng không gian chung của cộng đồng góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. (ảnh: Bảo Thoa)

Nhưng ý đồ được sống thanh bình của anh Đức không thể thành hiện thực, bởi mới dọn đến ở được một tuần, anh đã phải khóc dở mếu dở. “Hôm ấy hai vợ chồng đang nằm trong phòng xem tivi, cửa ban công mở để đón gió thì bỗng nghe bịch một cái, vội chạy ra xem thì thấy một cái bỉm rơi giữa khoảng sân rộng bên ngoài ban công. Lấy đèn pin soi kỹ thì thấy chiếc bỉm toàn phân trẻ em. Tối hôm đó phải đóng cửa ban công kẻo mùi xú uế bay vào.”, anh Đức kể.

Ban đầu anh nghĩ người ta vô ý làm rơi, nhưng mấy hôm sau nào là đầu mẩu thuốc lá, giấy ăn, tã, bỉm, đất từ đâu cứ bay thẳng xuống nơi mà anh Đức định biến thành không gian ngát hương. Anh Đức đã nhiều lần cố ý rình để theo dõi xem nhà ai từ trên cao ném xuống để còn “bắt quả tang” nhưng phía trên hàng chục căn hộ mỗi tầng, ném ra từ cửa sổ nhà ai, tầng mấy thì có trời mới biết được. Từ đó, nhà anh Đức lúc nào cũng phải đóng kín cửa ban công để ngăn mùi xú uế bay vào. Anh Đức cho biết, vợ anh từng rất thích ở chung cư vì sạch sẽ, văn mình lại không có muỗi, gián, chuột như ở mặt đất. Nhưng đến bây giờ, chứng kiến thái độ vô văn hóa của một số người dân sống ở tầng trên, anh chị có ý định tích cóp để mua một căn nhà nhỏ dưới đất.

Một cư dân ở đây cũng bức xúc: “Mỗi tầng đều có thùng rác ở ngay hàng lang gần thang máy, chỉ cần mở cửa ra là có thể ném rác đi, nhưng chẳng hiếu sao người ta lại phải ném nó qua ban công hay cửa sổ. Chẳng nhẽ họ bị tật nguyền về ý thức, không thể lê nổi chân ra đến phòng thu gom rác?”.

Có lẽ, câu ví von như một sự tật nguyền về ý thích của một số người sống trong chung cư cũng không hẳn là không có cơ sở. Thiết nghĩ, phàm những người tật nguyền hoặc mất khả năng di chuyển cũng có ý thức phải để rác đúng nơi đúng chỗ, còn những người đủ chân đủ tay nhưng vì sự thiếu ý thức, lười biếng đã thẳng tay coi không trung là cái thùng rác khổng lồ để mà thẳng tay ném xuống. Đó là chưa kể những vật họ ném rơi trúng những người đang đi bên dưới sẽ gây ra thảm họa.

Hà Nội đang có gần 800 khu chung cư và sẽ tăng lên khoảng 1.000 khu vào năm 2020. Được đánh giá là không gian sống mới, hiện đại, chung cư cũng là cộng đồng sinh sống của người dân từ nhiều vùng miền. Với sự phát triển của xã hội, chung cư dần trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho nhiều người dân đến từ nhiều vùng miền, nhiều nền văn hóa vùng miền khác nhau.

Trong buổi tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định yếu tố về khuôn mẫu văn hóa và đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng, chúng ta phải có chế tài như thế nào để người dân thấy xấu hổ khi không thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử. “Việt Nam hiện nay không những coi trọng “pháp trị” mà cũng cần coi trọng vai trò của “đức trị” trong việc hình thành lối sống văn hóa”, GS Đặng Hùng Võ nói.

… đến mặt đất

Bên ngoài những “ngõ nhỏ, xóm nhỏ” trên cao này, thì ở dưới mặt đất vẫn còn nhiều hạt sạn về văn hóa ứng xử. Điển hình trong thời gian gần đây, cư dân ở các khu phố dưới mặt đất không khỏi bức xúc và lo lắng với tình trạng chó chạy rông khắp xóm, đi bậy khắp nơi gây mất vệ sinh và phản cảm, nhưng đối với một số người nuôi chó, nếu bị nhắc nhở sẽ phản ứng gay gắt hoặc phớt lờ.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng, người dân sống tại đường Hồng Hà (Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Đa phần những nhà nuôi chó đều là gia đình có điều kiện, nhà xây to, đẹp, nhìn vào thấy lung linh sạch sẽ, họ nuôi chó để chơi, để làm cảnh nhưng họ lại thả cho chúng đi “bậy” khắp nơi, làm bẩn phố phường trong khi nhà họ thì sạch bóng. Phải chăng những người này chỉ cần sạch nhà mình, còn không gian chung thì mặc kệ? Hình như một số người vẫn cho rằng cái gì thuộc về công cộng thì có thể dửng dưng, vô can. Có rất nhiều gia đình sang trọng, tiện nghi, đẹp đẽ, nhưng khi bước ra phố họ sẵn sàng nhổ nước bọt, xả rác, và dửng dưng với mọi hành vi thiếu văn hóa”.

Còn rất nhiều vấn đề cần bàn đến trong văn hóa ứng xử “từ nhà ra ngõ” như tình trạng tụ tập bàn tán, nói xấu nhau dẫn đến cãi vã, thậm chí đánh nhau ở khi dân cư. Hay xa hơn nữa là những hành vi lệch chuẩn như cười đùa, chụp ảnh ở nơi có tang lễ, ăn mặc phảm cảm khi ra đường, đi lễ chùa, nói năng thiếu văn hóa, chen lấn khi tham gia giao thông….

Chúng ta vẫn thường nghe nói “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, đó là một thái độ cần có để mỗi cá nhân cùng chung tay làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn vì ai cũng phải chung sống trong một cộng đồng, làng xóm, phố phường, xa hơn là cả quê hương, đất nước và thế giới. Không ai có thể tự thu mình vào một ốc đảo khép kín. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta phải biết sống hòa nhập trong một thế giới văn hóa nói chung.

Muốn từng bước đẩy lùi hiện trạng ứng xử thiếu văn minh, không thể chỉ dùng những biện pháp cổ động tuyên truyền trên đường phố mà phải bắt đầu từ việc giáo dục lòng tự trọng và ý thức biết chung sống với mọi người, nhất là biết trân trọng và chung sống bền vững với môi trường thiên nhiên, cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng con người cũng như muôn loài trên trái đất. Mục tiêu giáo dục đó cần đưa vào chương trình chính khóa của học đường cũng như chương trình hành động của các ngành, các cấp và các đoàn thể xã hội. Đấy cũng là mục tiêu thiết thực của việc xây dựng đời sống văn hóa của các cụm dân cư.

Bảo Thoa – Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-nhieu-hon-nua-nhung-hanh-dong-dep-89985.html