Kỳ cuối: Căn nguyên gây ra các bệnh ung thư về đường tiêu hóa

Theo các chuyên gia y tế, khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo, thực phẩm tồn dư hóa chất sẽ không bị ung thư ngay, nhưng nó tích tụ trong cơ thể, đến thời điểm nhất định trở thành tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính gây nên những bệnh ung thư về đường tiêu hóa.

Nguy hại từ hóa chất trong thực phẩm

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, thực phẩm bẩn đang là quốc nạn của Việt Nam. Đó là nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh nhân ung thư gia tăng. Cần định nghĩa rõ ràng: “Một thực phẩm được đánh giá là không an toàn (thực phẩm bẩn) khi nó chứa các chất cấm, gây hại cho sức khỏe.

Trong thực phẩm bẩn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm như: Vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích, thuốc nhuộm màu. Những tác nhân này khi xâm nhập vào cơ thể ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như: Ngộ độc, tiêu chảy…Về lâu dài có thể là căn nguyên gây ra các bệnh mãn tính, ung thư và dẫn tới tử vong”, GS Nguyễn Bá Đức phân tích.

Ăn quá nhiều đồ nướng, cháy cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm và do tuổi thọ tăng. Trong đó, tác nhân từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm khoảng 30%, di truyền từ 5-10%. Tuy nhiên, GS Nguyễn Bá Đức cho rằng, thuốc lá là nguyên nhân có thể nhìn thấy để tránh được, còn thực phẩm rất đa dạng, không thể tránh hết được.

Bản thân thực phẩm không có hại, nhưng các hóa chất trong thực phẩm là cái nguy hại nhất, thông qua ăn uống, rất nhiều chất độc hại vào cơ thể mà chúng ta không hay. “Hiện nay, vì lợi nhuận người dân đang tự hại lẫn nhau. Đơn cử, rau cỏ phun quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Nhiều trường hợp rau phun thuốc hôm trước, hôm sau đã thu hoạch, bán thì sao không gây bệnh”, chuyên gia đầu ngành ung thư phân tích.

GS Nguyễn Bá Đức cũng cho biết, ngoài nguồn gốc thực phẩm, một tác nhân gây ung thư phổ biến ở Việt Nam là do chế biến thực phẩm sai cách. “Các đồ ăn chiên, rán ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các amin dị vòng có khả năng gây ung thư. Đồ nướng, như thịt nướng, nội tạng nướng… sẽ hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng, đơn cử như pyrene (có trong bồ hóng gác bếp và nhựa đường) gây ung thư”, GS Nguyễn Bá Đức phân tích. Đồng thời, người Việt cũng có tâm lý tiết kiệm, nhiều người ăn các loại hạt quá hạn sử dụng, gạo mốc, đồ khô bị mốc…dễ gây nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015 - 2025.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như các nguyên tắc phòng, chống bệnh... hiệu quả.

Bên cạnh đó, những thói quen ăn uống thiếu khoa học cũng là một trong những tác nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này. “Việc ăn quá nóng, quá mặn cũng là một trong những tác nhân gây ung thư. Cụ thể, hay ăn nóng dễ gây bệnh ung thư thực quản, mặn quá dễ gây ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày, ruột. Còn ăn quá nhiều chất béo, mỡ động vật cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú, đại tràng…”, chuyên gia ung thư dẫn chứng.

Trẻ hóa ung thư

Đáng lo ngại, hiện nay các ca mắc bệnh ung thư không chỉ gia tăng, Việt Nam đang ghi nhận tình trạng một số bệnh ung thư trẻ hóa hơn trên thế giới. Điển hình là ung thư vú đang ghi nhận trẻ hơn so với thế giới tầm 5 – 10 tuổi. Nhiều phụ nữ mới 40 tuổi đã mắc bệnh. Bên cạnh đó, còn có một số bệnh ung thư ở nước ta mắc trẻ hơn so với thế giới là ung thư phổi, trực tràng…

Lý giải về điều này, GS Nguyễn Bá Đức cho rằng, ung thư vốn dĩ là căn bệnh mà mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải, bao gồm cả người già lẫn người trẻ. Trong đó, một số loại ung thư thường mắc ở đối tượng người cao tuổi như: Ung thư dạ dày, gan, phổi, trực tràng. Ngược lại, một số loại ung thư được ghi nhận nhiều hơn ở những người trẻ như: Ung thư máu, bạch cầu…

Cụ thể, theo GS Nguyễn Bá Đức, ung thư ở những người già vẫn được ghi nhận nhiều hơn do nằm trong quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Con người khi sống càng lâu, các chức năng trong cơ thể dần bị lão hóa, suy giảm; đồng thời, thời gian tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh ngày càng nhiều. Nguyên nhân thứ hai là do trong cơ thể mỗi con người luôn diễn ra quá trình tự đào thải và tạo mới các tế bào. Những chu trình này càng diễn ra nhiều theo thời gian, sai sót đột biến tế bào càng nhiều, đây có thể chính là yếu tố gây nên các bệnh, trong đó có ung thư.

Do đó, để phòng chống ung thư, chuyên gia đầu ngành về ung thư khuyên mọi người nên điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng cho phù hợp, tránh các nguy cơ gây ung thư. Trong đó, mọi người cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá, lựa chọn thực phẩm sạch, ăn nhiều rau củ quả, từ đó rèn luyện cho mình một cơ thể thực sự khỏe mạnh.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Bá Đức cũng thẳng thắn nhìn: Dù biết thực phẩm là căn nguyên chính gây ung thư, nhưng với tình hình hiện tại, người dân cũng khó phân biệt thực phẩm bẩn mà tránh. “Cứ nói rau sạch, thịt sạch nhưng để truy được nguồn gốc rất khó. Không chỉ rau, thịt đến nguồn nước cũng không sạch hoàn toàn”, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, người dân vẫn có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách thường xuyên thăm khám và tầm soát ung thư. Bởi bệnh ung thư nếu được phát hiện càng sớm, việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn, điều trị kéo dài, tốn kém trong khi hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, hiện nay đa số người dân đến khám và điều trị ung thư ở giai đoạn muộn. Đây chính là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp, không bằng các nước phát triển.

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại các nước phát triển trên 80%, nhờ chiến dịch sàng lọc và phát hiện sớm bệnh. Nếu người dân Việt Nam cũng được phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ chữa khỏi sẽ ngang với các nước phát triển. “Bởi vậy, người dân cần chủ động tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần hoặc bất cứ khi nào thấy trong cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, với những người có tiền sử trong gia đình từng mắc bệnh ung thư thì cần chú ý hơn”, GS Nguyễn Bá Đức cho biết thêm.

Nguyễn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-nguyen-gay-ra-cac-benh-ung-thu-ve-duong-tieu-hoa-82111.html