Kỳ cuối: Cần các giải pháp đồng bộ

Việt Nam hiện đang là nơi quy tụ của rất nhiều loại tội phạm công nghệ từ làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo thương mại điện tử, tổ chức đánh bạc, đánh bạc thông qua internet cho tới trao đổi mua bán công khai hóa các thông tin cá nhân hay phát tán virus, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để ngăn chặn những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao?

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam trong những năm gần đây, theo cơ quan công an, là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển của mạng Internet, mạng viễn thông tạo điều kiện khiến tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về số lượng cùng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh an toàn mạng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức doanh nghiệp chưa chú trọng đến đầu tư hệ thống bảo mật thông tin của đơn vị mình. Khách hàng người sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến mạng xã hội còn chủ quan mất cảnh giác.

Một trong những nguyên nhân nữa là do công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này còn nhiều sơ hở thiếu sót dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy được quan tâm xây dựng bổ sung sửa đổi nhưng vẫn chưa đầy đủ gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện xử lý tội phạm.

Lực lượng Công an chuyên trách phòng chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao mới thành lập ở cấp Bộ và 32 địa phương, đội ngũ cán bộ ít dẫn đến công tác nắm tình hình phòng ngừa đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Lực lượng khác thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin còn mỏng.

Để phát hiện, ngăn chặn loại tội phạm này, theo các chuyên gia an ninh mạng, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển khoa học - công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 5 thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm về “Đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” gắn với thực hiện quy hoạch phát triển An ninh thông tin số quốc gia đến năm 2020; triển khai thực hiện Nghị định 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao...

Đặc biệt, Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018 góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an ninh mạng, phát huy tiềm lực của đất nước để đảm bảo an ninh mạng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

Do vậy, cần đẩy nhanh việc tham mưu các cấp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Ngoài ra, chú trọng nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự các quy định có liên quan đến chứng cứ điện tử, các thủ tục tố tụng hình sự về việc thu thập, bảo quản, phục hồi và giám định chứng cứ điện tử phù hợp với đặc điểm, tính chất của tội phạm sử dụng công nghệ cao; kiến nghị tăng nặng chế tài xử phạt nhằm răn đe, ngăn chặn các hành vi phạm tội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao dưới nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến các phương thức, thủ đoạn phạm tội của các loại tội phạm; tăng cường tuyên truyền đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử.

Để từ đó các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hơn trong công tác phòng ngừa khắc phục thiếu sót, phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao với cơ quan chức năng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, trọng tâm là các tội phạm trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép thẻ tín dụng; làm giả thẻ tín dụng thanh toán trực tuyến; lừa đảo chiến đoạt tài sản qua Internet, viễn thông, mạng xã hội; kinh doanh đa cấp, kinh doanh tiền ảo; đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá qua Internet; các hành vi tấn công, xâm phạm an ninh, an toàn máy tính, mạng viễn thông, Internet...

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tăng cường bổ sung thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ quản lý; tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để…

Tội phạm sử dụng công nghệ cao gắn liền với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với xu thế mới của thời đại, tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, chỉ khi tổ chức thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp cơ bản trên đây mới có thể nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-cac-giai-phap-dong-bo-83372.html