Kỳ cuối: Biểu tượng trường tồn của thời gian

Chẳng ai biết cây bàng hiện diện trên đất Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ bao giờ. Dường như những mặn mòi, phong ba bão táp đã trở thành nguồn nuôi dưỡng loài cây vốn thi vị trở nên vững vàng, hiên ngang giữa chốn biển khơi. Loại cây ấy đã trở thành biểu tượng trường tồn của thời gian, bởi nó mang trong mình những câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt ở vùng đất Côn Đảo anh hùng.

Có đặt chân đến hòn đảo này mới biết cây bàng ở Côn Đảo hiện diện ở khắp nơi như thể loài cây này cũng là một sinh thể sống, một loại “cư dân” của hòn đảo. Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mọc thành hàng thẳng tắp, đứng sừng sững ngạo nghễ giữa đất trời.

Những cây bàng chứng nhân lịch sử trong các Nhà tù Côn Đảo.

Những cây bàng chứng nhân lịch sử trong các Nhà tù Côn Đảo.

Những hàng cổ thụ góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính, vốn rất riêng của Côn Đảo. Có cả những cây bàng cổ thụ đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” có tuổi đời rất cao, thường hơn 100 năm (từ 130 đến 150 năm) tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862).

Những cây bàng di sản tập trung trong khuôn viên các nhà tù (trại Phú Hải, Phú Tường), trong di tích nhà Chúa Đảo…Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy ở đâu có những cây bàng cổ thụ đẹp đến vậy. Cảm giác đi tản bộ dưới những tán lá bàng trầm mặc, uy nghĩ, như vọng lại trầm tích xa xưa của một vùng đất vốn đã quá linh thiêng và nhiều bi tráng.

Người dân phơi quả bàng để lấy hạt làm mứt.

Đặc biệt, khi đoàn chúng tôi bước đến trại giam Phú Hải, thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo, những bóng bàng che mát rợp lối đi. Đoàn công tác chúng tôi nhiều người ngẩn ngơ ngắm nhìn lá bàng xanh ngắt giữa màu trời xanh trong veo. Cây bàng nơi đây có những điểm riêng.

Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc thù: Lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng cây thẳng tắp sừng sững vươn lên trời, vỏ cây dày, sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ, có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ khiến nhiều du khách tới đây thích thú. Nhiều người giải thích có lẽ do môi trường khí hậu khác biệt cùng với độ mặn của nước biển nên vỏ cây bàng mới trở nên kỳ dị và khác thường như vậy.

Không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, cây bàng còn là người bạn thân thiết của người tù Côn Đảo. Ngược dòng thời gian, theo lời người dân nơi đây, cây bàng chứng kiến những ngày bị giam cầm đầy đọa cùng quá trình đấu tranh gian khổ, ý chí cách mạng của lớp lớp người tù cộng sản. Nó cũng chứng kiến sự đàn áp dã man vô nhân tính của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Bàng đã trở thành một biểu tượng của Côn Đảo không chỉ bởi tần suất xuất hiện, bởi độ “cổ kính”, mà bởi, ấy là những thực thể sống song hành với lịch sử thấm đẫm máu và nước mắt của “địa ngục trần gian”. Theo lời kể của người dân địa phương, bàng là loài cây rất gần gũi, gắn bó với người dân Côn Đảo, đặc biệt là với những người tù bị lưu đày ra Côn Đảo.

Lá bàng được những người tù nhặt về cất giấu, lót trên nền đá của trại giam để nằm, mong chống chọi với thời tiết khắc nghiệt; quả bàng và cả những chiếc lá bàng non còn là thức ăn bổ sung dưỡng chất, cho người tù chống lại bệnh tật do những ngày trong tù phải ăn uống thiếu thốn, khổ cực…

Theo bà Nguyễn Thị Ni, quê ở Tiền Giang, nữ cựu tù chính trị sống tại Côn Đảo: Trong thời gian bị giam cầm ở đây, mỗi lần được ra ngoài, những người tù thường tìm cách hái vội những lá bàng non và cả trái bàng xanh, lén giấu trong người, ngậm trong miệng, hoặc nhét cả trong thùng vệ sinh, đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn.

“Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Sau đó, người tù nhận ra, lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, đỡ mưng mủ, chữa tiêu chảy, kiết lỵ… Lá bàng đã góp phần cứu sống nhiều tù nhân thời bấy giờ”, bà Ni kể lại.

Không chỉ thế, cây bàng thời bấy giờ còn làm nhiệm vụ của một bưu tá, truyền và nhận thông tin. Lá bàng khô được đốt để người tù lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau. Gốc cây bàng nhiều ngóc ngách như những hộp thư liên lạc bí mật được chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi cất giấu thư từ. Mùa cây bàng thay lá được những người tù ghi dấu tháng năm trôi qua ở chốn “địa ngục trần gian” giữa biển khơi.

Trải qua hàng trăm năm, dù chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng những cây bàng Côn Đảo vẫn phát triển, vẫn xanh tốt, vẫn tỏa bóng che mát những khoảng không, những con đường. Đất nước hòa bình, những người tù Côn Đảo được về với tự do, những cây bàng vẫn đứng đó, vững chãi, hiên ngang như tường thành che chắn những cơn sóng dữ dội của biển cả.

Câu chuyện về sự sinh tồn của hàng trăm cây bàng cổ thụ, thân sù sì nằm len lỏi trong những tuyến phố, hay len cả vào những khu biệt giam, trên mảnh đất linh thiêng Côn Đảo, làm biết bao du khách xa gần phải suy ngẫm, trăn trở. Bàng Côn Đảo không chỉ hiên ngang chắn gió, chắn sóng, bão cho người dân sống trên Côn Đảo, nó còn làm đẹp cho một vùng đất nhiều gian lao.

Những cây bàng cổ thụ tạo nên nét vừa cổ kính trầm mặc vừa nên thơ, một cảnh quan độc đáo mà chỉ Côn Đảo mới có. Cây bàng làm cho cư dân Côn Đảo càng yêu mến tự hào về hòn đảo xinh đẹp mà mình đang sống và tạo được ấn tượng đẹp cho du khách khi đến thăm quan nơi đây.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-bieu-tuong-truong-ton-cua-thoi-gian-89419.html