Kỳ công với chất liệu bản địa

Ngày càng nhiều nhà thiết kế muốn làm thời trang bền vững dựa trên chất liệu tự nhiên, văn hóa bản địa.

Mẫu thiết kế từ vải nhuộm chàm của nhãn hàng Km109 - Ảnh: KM109 cung cấp

Tạo thêm công ăn việc làm

Nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo đã rất vui khi mở được cửa hàng thời trang riêng của mình. Trước đây, nhãn hàng Km109 của cô chỉ xuất khẩu sang Đức và ký gửi ở không gian sáng tạo Module 7 tại Q.Tây Hồ, Hà Nội. Giờ đây, mọi việc đã khác, cho thấy sức tiêu thụ trong nước của nhãn hàng thời trang bền vững này đang tăng. “Khách hàng ở VN hiện tiêu thụ 30% lượng hàng sản xuất của chúng tôi. Các cộng đồng quốc tế ở VN cũng ủng hộ nhiều”, NTK Vũ Thảo nói.

NTK Vũ Thảo cũng là người đoạt giải thưởng doanh nghiệp sáng tạo mà Hội đồng Anh trao cách đây vài năm, nhờ việc phát triển các thiết kế dựa trên chất liệu bản địa. Cô gắn bó với vải thô nhuộm chàm, cải tiến cách nhuộm chàm để có được những màu sắc như xanh nhạt, cam... Những người theo chị Thảo làm thời trang bền vững cũng có thêm thu nhập. Người dệt vải nhuộm chàm có thể mua thêm trâu bò, nuôi con đi học đại học. Họ yên tâm để tiếp tục làm việc lâu dài. Hiện chị Thảo có các nhóm cộng tác ở Hòa Bình và Cao Bằng, nhóm làm ít nhất là 3 năm, nhóm làm lâu đã 10 năm.

Trong khi đó, Hanoia cũng tìm cách giữ lãnh Mỹ A nhiều năm nay. Đơn vị này còn mời các NTK nổi tiếng như Công Trí để thực hiện các bộ sưu tập thường niên trên chất liệu lãnh. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trí giữ việc sản xuất lãnh đúng cách xưa: phơi trên cỏ và khô nhờ nắng gió tự nhiên. Từ sáng sớm, người làm lãnh phải ra đồng để nghiền và vắt quả mặc nưa để lấy thứ mủ màu xanh, để lâu ngả đen dùng nhuộm lãnh. Ông Trí cho biết, tơ làm lãnh Mỹ A từ tơ tằm 100%.

Mẫu thời trang làm từ lãnh Mỹ A của Công ty Hanoia - Ảnh: Hanoia cung cấp

Bản sắc và xu hướng

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người gắn bó với thời trang nhiều năm cho rằng, việc thúc đẩy giữ gìn văn hóa bản địa trong thời trang là điều đáng giá. “Thời trang làm bằng vật liệu thân thiện cũng là một xu hướng trên thế giới. Việc giữ lụa, đũi, vải thô cổ truyền tạo điều kiện giữ gìn làng nghề, tăng diện tích trồng dâu nuôi tằm để tạo công ăn việc làm, vừa giữ kỹ thuật truyền thống và phần nào giữ môi trường. NTK Minh Hạnh dùng lụa ở Bảo Lộc, Hanoia giữ gìn lãnh Mỹ A. Một số hãng thời trang cũng dùng lanh, cotton. Vai trò của NTK rất quan trọng trong việc này, vì kiểu mẫu là yêu cầu tất yếu. Sản phẩm dựa trên chất liệu bản địa không thể là hàng tiêu dùng bình thường mà phải có thiết kế vượt trội do giá cao”, ông nói.

NTK Trần Thị Thu thậm chí còn đẩy mạnh thiết kế trong việc sản xuất vải trước khi thiết kế trang phục. Vải của NTK này làm bằng 100% chất liệu sợi tự nhiên, màu nhuộm công nghiệp và tự nhiên kết hợp tùy từng đợt. Sản phẩm của bà Thu cũng phần lớn xuất đi nước ngoài.

NTK Tôn Hiếu Anh, giảng viên Học viện Thời trang London, cho biết thời trang bền vững dựa trên chất liệu bản địa đòi hỏi kỹ thuật may. “Lụa rất cầu kỳ về đường may và người cắt phải khéo léo”, ông nói. Chính vì thế, theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, muốn phát triển thời trang bền vững cần có chính sách văn hóa đi kèm. Chẳng hạn, có thể hỗ trợ người thực hiện các ưu đãi về thuế cũng như mặt bằng mở xưởng nếu cần.

Ngữ Yên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/ky-cong-voi-chat-lieu-ban-dia-975620.html