Kỳ công tạo thế đào khủng khiến 'thượng đế' xiêu lòng

Để có được một thế đào đẹp, 'khủng', độc lạ... phục vụ các 'thượng đế', người nông dân trồng đào phải mất rất nhiều năm để chăm bón, tỉa cây uốn thế. Mỗi một thế đào mà 'thượng đế' lựa chọn đều ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa mà không phải ai cũng biết...Chọn thế đào đẹp mong an lành cả năm

Để có được một thế đào đẹp, “khủng”, độc lạ... phục vụ các “thượng đế”, người nông dân trồng đào phải mất rất nhiều năm để chăm bón, tỉa cây uốn thế. Mỗi một thế đào mà “thượng đế” lựa chọn đều ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa mà không phải ai cũng biết...

Nhiều năm để tạo nên một thế đào đặc biệt

Đối với người dân miền Bắc, hoa đào là loại hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Theo tâm linh dân gian, mầu đỏ của hoa đào là mầu may mắn và xua đuổi ma quỷ khi vũ trụ vô chủ từ ngày 23 âm đến giao thừa. Để hiểu sâu hơn về ý nghĩa của các thế đào, PV báo ĐS&PL đã ghé thăm vườn đào của gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (chủ vườn đào ở Nhật Tân, Hà Nội) vào những ngày giáp tết Kỷ Hợi để lắng nghe anh chia sẻ những câu chuyện và ý nghĩa của các thế đào.

Anh Hải có 20 năm kinh nghiệm trong nghề trồng đào.“Ngày trước gia đình tôi chỉ trồng những cành đào nhỏ bán ở chợ, nhưng do hiện nay kinh tế phát triển, nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày một cao nên buộc người nông dân ở làng đào phải chạy theo xu thế, trồng những gốc lớn, tạo ra các thế lạ, độc để chiều thượng khách”, chủ vườn đào chia sẻ.

Để tạo ra một thế đào dày dặn và đẹp, anh phải mất hai năm. Đối với những thế đào “khủng” đẹp hết ý thì phải mất khoảng ba đến bốn năm.

Thế đào "Bạt suy phong" là thế đào cầu kỳ và khó tạo bậc nhất

Thế đào "Bạt suy phong" là thế đào cầu kỳ và khó tạo bậc nhất

Anh Hải chia sẻ về quá trình chăm sóc cây đào:“Công việc trồng đào và tạo các thế đào đều không hề đơn giản, mất rất nhiều công sức, phải chăm sóc rất kỹ lưỡng và cầu kỳ, chỉ cần lơ là là có thể mất luôn một thế đào đẹp. Người trồng đào phải có phương pháp từ khâu bón phân, cắt tỉa, tạo tán, hay căn chỉnh thời gian làm sao để ra hoa đúng dịp Tết”.

Để cây đào ra hoa đúng thời điểm, trước Tết khoảng 4 tháng, người trồng đào phải dừng chăm sóc để cây không ra hoa sớm. Ngoài ra, để cây đào khỏe, đẹp, người trồng phải lùng mua những gốc đào tự nhiên rồi về ghép mắt đào Nhật Tân. “Khi lấy một cây đào trên rừng về, gốc đào rất trơ trọi và xấu nên tôi phải ghép với đào Nhật tân vào gốc đào tự nhiên. Khi ghép xong cây đào nẩy lộc thì sẽ bắt đầu tạo tán, tạo thế tùy theo ý muốn của mình. Không phải tự nhiên có được các thể đào như vậy mà sau nhiều năm uốn nắn mới có được một thế đào “khủng””.

“Cách đây vài năm, tôi có cho thuê một cây đào có thế “khủng”. Chúng tôi vận chuyển cây đào đến khu đô thị nhưng gặp phải tình huống tréo ngoe khi cây không thể vừa thang máy.Tôi cùng 6 người nữa, trực tiếp tới khu đô thị để khiêng cây đào từ tầng một lên tầng 8. Cây đào đó rất to mà chúng tôi phải khiêng bộ, chỉ có một đòn và người thì đỡ ngọn, người thì đỡ chậu cây. Hàng tiếng vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng đưa cây đào đó lên đến tầng 8 của tòa nhà. Thực sự lúc đó rất vất vả, nhưng nghề của chúng tôi là mang cái đẹp tới khách hàng, nên ai nấy cũng không ngại gian khó”, vị chủ vườn đào chia sẻ.

Lao tâm khổ tứ uốn thế đào

Ông chủ vườn đào chia sẻ về những thế đào "khủng"

Trong vườn của gia đình anh Hải có nhìn đào thế, giá dao động từ 3 đến 30, 40 triệu đồng. Thậm chí, có những thế đào lên đến gần trăm triệu đồng. Chủ vườn đào này tự hào khi tạo những thế đảo “khủng” như! “Rồng chầu mặt nguyệt”, “Bạt suy phong” hay thế “Ngũ phúc”... Trong đó, thế đào “rồng chầu mặt nguyệt” là thế đào mà anh phải dồn tâm sức trong 3 năm.

“Tôi đã mất rất nhiều thời gian suy nghĩ để làm sao có thể gắn những mắt ghép vào thân cho phù hợp, tạo ra được thế cây khác biệt, chiều thượng khách”, chủ vườn đào cho hay.

Theo giới trồng đào ở Nhật Tân, thế đào “Rồng chầu mặt nguyệt” ở các cửa đình, cửa chùa, thế này biểu tượng cho sự sung túc. Chưa hết, thế “Quần tụ” hay còn gọi là “Mai túc chí”, thế cây này là những cây cổ thụ, già cỗi, phong trần, qua nhiều năm đã chịu nhiều sương gió nhưng vẫn đâm trồi nẩy lộc.

Thế đào “Bạt suy phong” hay gọi là “Gió đùa”, mang dáng cây nghiêng một góc 35 độ, tán cây nghiêng hết sang một bên, nhưng gốc cây vẫn chắc chắn, không lay động và vẫn phát triển ung dung tự tại. Thế này mang ý nghĩa dù có gió mưa, phong ba bão táp như thế nào thì vẫn giữ dáng vẻ sống hiên ngang, không sợ khó khăn.

Thế “Trực đứng” mang ý nghĩa thẳng thắn, cương trực, luôn chống chọi lại với bất kể khó khăn nào. Thế “Ngũ phúc” hay còn gọi là “Phúc, lộc, thọ, khang, ninh”, là cây năm tán, xum xuê, mang một ý nghĩa rất đặt biệt đầy đủ, an bình và hạnh phúc.

Còn thế “Tam đa” là biểu tượng, “phúc, lộc, thọ” tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và sức khỏe. Cây gồm ba tán nằm gọn theo kiểu hình tam giác, và giải thích theo nghĩa thì ba tán nằm gọn theo hình tam giác này mang ý nghĩa tượng trưng cho thiên, địa, nhân.

Với thế “Huyền nhai” tức là thế cây nằm ngang, thế đào này mang ý nghĩa đặc biệt dành riêng cho người phụ nữ, thể hiện cho sự mềm mại, dịu dàng, lả lướt của người phụ nữ.

Ngoài ra còn các thế đào khác như: Thế mâm xôi, thế phụ tử, thế anh em, thế phu thê... các thế đào rất đa dạng, để hiểu sâu các thế đào cũng phải mất cả thời gian và quá trình tìm hiểu”, anh Hải phân tích một số thế đào thông dụng.

Ẩn sau những thế đào mang ý nghĩa khác nhau thì thượng khách còn lựa chọn dựa vào tâm linh, tâm lý của mình. Có những thượng khách chọn đào rất kỹ tính, họ không thích những cây lả lướt, ngả nghiêng, chỉ thích những cây dáng trực. Nhưng có những khách lại thích dáng cây lả lướt như nàng tiên.

Anh Hải nói: “Đào không giống như những loại cây khác và thượng khách thường dựa vào tiêu chí phù hợp với không gian nhà, căn phòng. Họ cũng tìm thế đào với mong muốn gia đình trong ngày Tết đầm ấm”.

Khách mua đào cũng rất đa dạng nhưng theo tiết lộ của vị chủ vườn đào thì:“Hầu như thượng khách chơi các thế đào “khủng” là những đại gia biệt thự, các khu đô thị hoặc các đơn vị, công ty ở Hà Nội. Ngoài ra còn có khách hàng ở Cao Bằng, Sài Gòn cũng tìm đến vườn đào để lựa chọn các thế đào đẹp, ý nghĩa”.

Chọn thế đào đẹp mong an lành cả năm

Chia sẻ thêm với PV về việc lựa chọn thế đào, anh Nguyễn Trọng Bằng (khách hàng ở Hà Nội) bộc bạch: “Chuẩn bị đón xuân Kỷ Hợi, tôi đã chọn một cây đào thế “Trực đứng” tức uốn khúc tam đa để trang trí không khí tết cho gia đình mình. Vì theo kinh nghiệm mười năm chơi đào, thế này “giúp” anh vượt qua “phong ba, bão táp” ung dung, tự tại. Còn ba tán cây tức tam đa mang một ý nghĩa rất đặc biệt với gia đình tôi “giúp” gia đình: Hạnh phúc, may mắn và sức khỏe.

Nguyễn Mai

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/ky-cong-tao-the-dao-khung-khien-thuong-de-xieu-long-a261189.html