Kỳ công quy trình ướp 'thiên cổ đệ nhất trà' Hà Nội

Đến mùa hoa sen nở rộ cũng là lúc những gia đình làm trà sen ở phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) tất bật với công việc ướp trà. Với cách làm kỳ công, mất nhiều thời gian nên trà sen Hồ Tây được xứng danh là 'thiên cổ đệ nhất trà'.

Tự bao đời nay, trà sen Hồ Tây - loại trà được ướp hương sen rất kỳ công - đã là một thú vui ẩm thực tao nhã của người Hà Nội.

Tự bao đời nay, trà sen Hồ Tây - loại trà được ướp hương sen rất kỳ công - đã là một thú vui ẩm thực tao nhã của người Hà Nội.

Vào khoảng tháng 6, tháng 7, khi mùa sen nở rộ cũng là lúc những người làm trà lâu năm phải thức dậy từ sáng sớm tinh mơ, chèo thuyền đi hái sen ở đầm cạnh Phủ Tây Hồ để ướp trà.

Nổi tiếng với công việc làm trà sen truyền thống là gia đình bà Nguyễn Thị Dần (97 tuổi) sống tại 33 Tô Ngọc Vân, Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Gia đình bà đã có 4 đời làm công việc này.

Bắt đầu làm trà sen từ khi 20 tuổi, đến nay bà Dần đã có quãng thời gian hơn 7 thập kỷ với cái nghề "đưa hương sen ẩn trong vị trà". Do tuổi cao sức yếu, những năm gần đây bà Dần truyền lại nghề làm trà sen cho con cháu. Người tiếp quản cơ nghiệp hiện nay là cô Ngô Thị Thân (con gái bà Dần).

Trà sen Tây Hồ được chia làm 2 loại: trà sen truyền thống và trà sen ướp xổi. Đối với trà sen truyền thống, để làm ra một ki-lô-gam trà sen, người nghệ nhân cần tới 1000-1200 bông sen.

Hoa sen phải được hái trước bình minh, sau đó mang về tách lấy gạo rồi mới đem ướp.

Công đoạn tách gạo đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế bởi công đoạn này đòi hỏi người làm phải giữ được nguyên mùi của hoa sen.

Uớp trà sen phải thao tác đủ 7 lần ướp. Trong đó, cứ một lượt gạo lại một lượt chè, ướp trà xong lại mang đi sấy khô. Thời gian sấy khô cũng kéo dài, do vậy để được một mẻ sen có khi kéo dài đến 2-3 tuần.

Sen được ướp trong các chậu nhôm. Sau mỗi lần sấy, trà sen được bọc vào giấy can. Cuối cùng, người làm loại bỏ "gạo sen" để chỉ còn nguyên chè. Chính vì kỳ công như vậy mà một ki-lô-gam trà sen có giá hàng triệu đồng, gấp mười mấy lần các loại trà khác.

Chè được chọn làm trà sen phải là chè Tân Cương (Thái Nguyên) cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ. Trà sen đạt chất lượng là nước trà trong xanh, khi uống có vị chát sau đó ngọt đượm hương sen trong miệng.

Hiện nay, ngoài loại trà sen truyền thống còn có thêm loại trà ướp xổi, với giá rẻ hơn rất nhiều. Theo đó, cách ướp này đơn giản, không tốn công.

Trà được bỏ vào bên trong bông sen, sau đó dùng lá sen buộc chặt bên ngoài.

Bông sen sau khi ngậm chè sẽ được cắm nước qua một đêm để cho hương sen thấm đều vào chè.

Nghề làm trà sen chỉ có mùa vụ lại cầu kỳ, tốn công sức nên hiện nay ở Hà Nội số nghệ nhân gắn bó với nghề này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể, diện tích trồng sen đang ngày càng bị thu hẹp.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-cong-quy-trinh-uop-thien-co-de-nhat-tra-ha-noi-109679.html