Kỳ bí vườn trúc nghìn năm tuổi và giai thoại về 38 làn điệu hát Dậm ở Thi Sơn

Đền Trúc được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia luôn là niềm tự hào của người dân xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây có khá nhiều giai thoại về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt cũng như những câu chuyện truyền miệng thú vị xung quanh vườn trúc cổ 1.000 năm tuổi.

Những câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết

Men theo quốc lộ 21, PV ĐS&PL có mặt tại Đền Trúc vào một buổi chiều thu. Dưới ánh nắng nhàn nhạt, thả bước trên con đường rợp bóng trúc xanh, trong bầu không gian thanh tịnh, bao mệt mỏi, âu lo của tôi dường như tan biến. Để có thể đến được ngôi đền cổ kính, nổi tiếng linh thiêng ấy, chúng tôi phải đi qua con đường nhỏ nằm giữa vườn trúc. Hai bên đường, những hàng trúc xanh mướt mọc dày, cao vút và đan xen vào nhau tạo nên một chiếc cổng vòm tự nhiên vô cùng đẹp mắt.

Đền Trúc nằm trong khu danh thắng Đền Trúc-Ngũ Ðộng Thi Sơn, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Khu di tích này được công nhận di tích Lịch sử, Văn hóa cấp quốc gia năm 1994.

Bà Trịnh Thị Phương Lâm, người được gọi là cụ Trùm của câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc chính là người đã đưa chúng tôi bước vào những giai thoại liên quan đến ngôi đền nổi tiếng này.

Bà Trịnh Thị Phương Lâm, người được gọi là cụ Trùm của câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật

Bà Trịnh Thị Phương Lâm, người được gọi là cụ Trùm của câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật

Theo bà Lâm, ngôi đền này được làm bằng gỗ lim gồm năm gian với tiền đường và ba gian hậu cung. Giữa tiền đường và hậu cung là khoảng sân nhỏ có tường nối, bể non bộ và hai con rồng bằng đá có niên đại khoảng 1.000 năm. Đền Trúc được tu sửa nhiều lần, lần cuối cùng vào những năm đầu thế kỷ XX.

“Đền Trúc nằm tựa lưng vào núi Cấm, mặt hướng ra sông Đáy. Có tên gọi này là bởi xa xưa đền được bao quanh bởi một khu rừng trúc rậm rạp, xanh tốt”, bà Lâm giới thiệu.

Đưa chúng tôi dạo quanh ngôi đền, bà cho biết, nơi đây thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người có công với đất nước, với người dân nơi đây. Dù tuổi đã cao nhưng bà Lâm vẫn nhớ rõ và kể rành mạch cho chúng tôi nghe những giai thoại về vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt cũng như vườn trúc cổ đã 1.000 năm tuổi.

Chỉ tay về phía con sông Đáy ngay trước cổng đền, bà Lâm chia sẻ, theo tích xưa, năm 1069, cụ Lý Thường Kiệt đưa quân đi đánh giặc khi đi qua trại Canh Dịch (đây là tên gọi trước kia của thôn Quyển Sơn - PV) chiến thuyền gặp gió lớn không thể đi được. Mũi thuyền hướng thẳng vào cửa đền. Thấy vậy, cụ truyền lệnh cho tướng sĩ dừng thuyền sát cạnh rừng trúc để tránh gió.

Theo truyền thuyết khi trận cuồng phong bất ngờ làm gãy cột buồm và cuốn lá cờ lên đỉnh núi. Đêm ấy, lúc đang ngủ, Lý Thường Kiệt mơ thấy một người mẹ đang bế con nhìn mình và nói, trận này đi đánh giặc sẽ giành thắng lợi... Sau khi chiến thắng trở về, Lý Thường Kiệt dừng lại ở Quyển Sơn, làm lễ tạ ơn trời đất, mở tiệc khao quân.

“Xưa kia, gọi là núi Cấm nhưng sau khi lá cờ bị cuốn lên núi nên được đặt tên là núi Cuốn Sơn. Còn ngôi miếu nhỏ nằm giữa rừng trúc được đặt tên là đền Trúc”. Ngọn núi có lá cờ bị cuốn năm xưa chính là ngọn núi sừng sững đằng sau ngôi đền.

Theo bà Lâm, rất khó để xác định trúc nơi đây có từ bao giờ. Nếu tính từ năm 1069 thì trúc đã mọc tốt như rừng và đã tồn tại gần 1.000 năm. Chỉ tay về phía rừng trúc xanh mướt, bà khẳng định rừng trúc này rất thiêng: “Theo tôi được biết, các cụ xưa truyền lại, rừng trúc nơi đây cũng rất tôn nghiêm, linh thiêng. Trâu bò người dân chăn thả cũng không dám lại gần, trâu bò ăn lá về lăn ra chết nên càng làm cho câu chuyện thêm huyền ảo.

“Hát Dậm để tưởng nhớ công ơn Thành hoàng làng”

Hai bên đường vào đền là những rặng trúc mát

Ngồi xuống cái bàn nhỏ dưới bóng trúc râm mát, phe phẩy cái quạt trong tay, bà Lâm cho biết, trong thời gian Lý Thường Kiệt dừng chân nơi đây, ông đã tuyển chọn những cô gái có nhan sắc trong làng đến dạy hát. Ngoài ra, ông còn dạy người dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Để tưởng nhớ những công lao của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người dân nơi đây đã tôn ông là Thành hoàng làng và thờ ngay tại đền Trúc.

Từ bà Lâm, chúng tôi biết được hát Dậm có 38 làn điệu khác nhau. Mỗi điệu một bài, có điệu nhiều lời ca... “Cụ Trùm phải là những cụ bà không có chồng hoặc chồng đã mất. Tính cách phải ôn hòa, đức độ và phúc hậu”, bà Lâm kể cho chúng tôi nghe về quy định khắt khe để tuyển lựa cụ Trùm.

“Hát Dậm không có nhạc cụ kèm theo, cụ Trùm sẽ dùng đôi sênh tre gõ nhịp để điều chỉnh bài hát lúc nhanh, lúc chậm. Bài hát nào có múa thì dùng quạt giấy màu trắng hoặc đỏ để diễn, khi không dùng nữa thì cất vào thắt lưng”, bà Lâm chia sẻ.

Bà Lâm cho biết thêm, để có thể được tham gia vào phường Dậm, các cô gái phải chưa chồng hoặc góa phụ. Vì thế hàng năm, làng đều phải tuyển chọn những cô gái trẻ, xinh xắn chưa chồng con, tuổi từ 18 đến 20, có giọng hát hay.

Theo tìm hiểu, vào dịp đầu xuân, người dân nơi đây sẽ tổ chức nghi lễ hát Dậm suốt 10 ngày đêm tại đền. Cụ Trùm mặc váy áo vàng hoặc đỏ đứng giữa trước bàn thờ thánh, quân là những cô gái thanh tân đứng xếp theo hai hàng dọc ở hai bên. Các cô gái mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài màu xanh lá mạ, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, đầu chít khăn mỏ quạ.

Đàm Linh

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (142)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/ky-bi-vuon-truc-nghin-nam-tuoi-va-giai-thoai-ve-38-lan-dieu-hat-dam-o-thi-son-a337759.html