Kỳ bí nơi 'nàng Tiên ngủ' ở nóc nhà của người Mường

Ở độ cao 1.200 m so với mặt nước biển, xứ mây Lũng Vân – Hòa Bình được coi là 'nóc nhà xứ Mường Bi'. Khi mây tan, hiện ra ngọn núi mang dáng hình của một người con gái đang say ngủ.

Xứ mây Lũng Vân được coi là nóc nhà xứ Mường Bi.

Xứ mây Lũng Vân được coi là nóc nhà xứ Mường Bi.

Truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường ở Hòa Bình kể rằng: Tại vùng núi non, nơi những bản làng đang sinh sống yên bình, có một cơn hồng thủy ập đến cuốn trôi tất cả. Đôi vợ chồng nọ bám vào được một chiếc bè chìm nổi giữa sóng dữ nên thoát chết. Họ lênh đênh hết ngày này sang ngày khác.

Chiếc bè vướng vào cây Bi - một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên sâu lòng đất nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thủy. Cơn hồng thủy rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang sơ. Không còn đường về, đôi vợ chồng dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương.

Nhớ ơn cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn. Trong đó, Lũng Vân là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.

Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng, nối nhau trùng điệp quanh năm chờn vờn mây phủ. Xưa, Lũng Vân còn có tên là Mường Chậm. Theo những người dân thì chữ Chậm ở đây không phải là sự nhanh, chậm theo nghĩa thông thường. Nhưng trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì.

Nguồn gốc xa xưa của địa danh này cũng chẳng mấy ai rõ. Chỉ biết rằng truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan Lang của một gia đình nghèo còn được ghi trong trí nhớ của một lớp người xưa cũ như một câu truyện truyền thuyết đời nối đời.

Tương truyền thì trong xứ Mường Hòa Bình, Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường. Vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau bỏ mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe nách núi.

Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn như những con rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hầu (đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hầu và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hầu, mỗi năm nộp lúa, ngô... quy ra vàng bạc đầy 9 cái ngõ hầu để nộp vạ cho mường...

Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng Cuốc kêu, biết là vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại.... Mường Chậm được hình thành như thế. Con Cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang được nhà họ Bùi nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy.

Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng. Trước khi đi, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố cày”.

Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà... Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi...

Cùng với những huyện thoại, cùng với cảnh đẹp mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này là một cuộc sống thanh bình như ở chốn tu tiên. Còn đối với những người dân thì “đây thực sự là một xứ thần tiên. Ở đây ai cũng được ân hưởng tuổi giời . Cả xã có hơn 400 nóc nhà với hơn 2.000 nhân khẩu thì có rất nhiều cụ già thọ hơn trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.

Bất chấp dòng chảy thời gian, văn hóa Mường ở Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ những mái nhà sàn dốc hình con rùa với đức tin con rùa tượng trưng cho sự vững chãi đến những bộ váy của người phụ nữ Mường. Những chiếc váy truyền thống đa phần là màu đen, đầu váy trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm nổi bật.

Ngày nay, để phù hợp với lao động, váy có ngắn hơn song những đường nét tinh tế trong trang trí vẫn được lưu giữ. Lễ hội văn hóa xứ Mường Bi là một trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được đông đảo người dân và du khách quan tâm. Mỗi lễ hội là một bức tranh phản ánh hiện thực xã hội Mường cổ, tiêu biểu như Nạ Mụ, Nhóm lửa, Xuống đồng, Rửa lá lúa, đặc biệt là hai lễ hội lớn: Khai hạ, Cơm mới.

1. Xứ mây Lũng Vân thuộc huyện nào ở Hòa Bình?

A. Tân Lạc

A là đáp án đúng. Nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, quanh năm phủ mây mù, lại được bao bọc bởi núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, Lũng Vân được mệnh danh là nóc nhà của xứ Mường. Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40 km, Lũng Vân thuộc huyện Tân Lạc, nó được biết đến là một địa điểm hấp dẫn cho những ai muốn chinh phục xứ mây mù quanh năm bao phủ. Nếu muốn ngắm vẻ đẹp của Lũng Vân, bạn nên đi vào sáng sớm khi mặt trời còn chưa thức giấc, lúc này Lũng Vân vẫn còn chìm trong làn sương mờ và nhìn đẹp tựa như một bức tranh giữa miền sơn cước. Bên cạnh đó, ở trung tâm xã Lũng Vân có phiên chợ duy nhất họp vào buổi sáng ngày thứ ba hàng tuần với các hoạt động buôn bán trao đổi khá nhộn nhịp, độc đáo.

B. Lạc Sơn

C. Lạc Thủy

2. Khu di tích mộ cổ Đống Thếch thuộc huyện nào ở Hòa Bình

A. Lạc Thủy

B. Kim Bôi

B là đáp án đúng. Khu mộ cổ Đống Thếch nằm trên địa phận xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Từng là thánh địa bất khả xâm phạm đối với người dân Mường Động, khu mộ cổ Đống Thếch với những chuyện ma mị đồn thổi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Từ nhiều năm nay, hàng trăm mồ đá nằm im lìm u tịch giữa vùng rừng núi Tây Bắc ấy là một bí ẩn lớn đối với bất cứ ai từng đặt chân tới đây.Khu di tích mộ cổ Đống Thếch còn lưu giữ hàng trăm ngôi mộ cổ của các dòng họ Đinh Công, dân tộc Mường. Xung quanh mộ được chôn nhiều hòn mồ bằng đá hơn 400 năm tuổi cao tới 3m trên khắc chữ Hán ghi tên người đã chết. Người Mường quan niệm rằng người chết vẫn có linh hồn và linh hồn thường được trú ngụ và gửi gắm vào đá. Do đó các cột đá (hòn mồ) dựng lên không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là đánh dấu mộ. Từ thông tin quý giá về xã hội Mường, táng thức Mường cổ cùng các đồ vật tìm thấy được khi khai quật, khu mộ cổ Đống Thếch đã được bộ Văn Hóa Thông Tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

C. Lạc Sơn

3. Thung lũng Mai Châu - Địa danh được nhà thơ nào nhắc tới trong bài thơ Tây Tiến?

A. Quang Minh

B. Quang Dũng

B là đáp án đúng. Địa danh Mai Châu được nhiều người nhớ đến khi xuất hiện trong bài thơ nổi tiếng Tây Tiến của Quang Dũng. Tuy nhiên, không ít người biết đây là một trong 10 huyện của tỉnh miền núi phía Bắc - Hòa Bình. Tỉnh có diện tích hơn 4.600 km2, dân số trên 832.000, tiếp giáp các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội.Nằm giữa núi non trùng điệp, huyện lỵ Mai Châu là thung lũng xinh đẹp với những thửa ruộng vàng óng trải dài, bao quanh là nếp nhà sàn của người dân tộc Thái. Gạo nếp nương nơi đây nổi tiếng dẻo thơm. Những dịp lễ Tết, ngày hội của đồng bào dân tộc không thể thiếu món xôi nếp nương.

C. Quang Long

4. Tỉnh Hòa Bình có con sông nổi tiếng nào đã đi vào trong thơ văn?

A. Sông Hồng

B. Sông Đáy

C. Sông Đà

C là đáp án đúng. Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào Việt Nam qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và nhập vào sông Hồng ở Phú Thọ. Sông dài 910 km, đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 543 km. Ở địa phận tỉnh Hòa Bình, đây là con sông lớn nhất.Sông Đà đã đi vào thơ ca Việt Nam, nổi tiếng nhất là tùy bút cùng tên của tác giả Nguyễn Tuân. Trong đó, ông miêu tả con sông mang vẻ đẹp nên thơ màu nước "xanh ngọc bích", "tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai…". Bên cạnh đó, sông Đà còn mang vẻ hùng vĩ, hung tợn với những con thác "độc dữ, nham nhiểm", "đá bờ sông dựng vách thành", "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gầm ghè suốt năm"...Ngoài sông Đà, Hòa Bình còn có sông Bưởi, sông Lạng, sông Bùi... cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

5. Dân tộc nào chiếm số lượng lớn nhất ở Hòa Bình?

A. Kinh

B. Mường

B là đáp án đúng.Theo Cổng thông tin điện tử Hòa Bình, năm 2009 tỉnh này có hơn 832.000 người, gồm 15 dân tộc, đông nhất là người Mường với 60% tổng số dân toàn tỉnh. Họ sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác.Dân tộc đứng thứ hai về số lượng dân cư ở Hòa Bình là người Kinh với 27,7%. Các dân tộc Thái, Tày, Dao, H’Mông chiếm 2-4%, sống chủ yếu ở các huyện miền núi như Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi...

C. Thái

6. Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi cách thành phố Hòa Bình bao nhiêu km?

A. 30

A là đáp án đúng. Bên cạnh Thung Nai hay động Hoa Tiên, khu du lịch suối khoáng Kim Bôi cũng được xếp vào danh sách các điểm vui chơi thú vị ở Hòa Bình. Suối nước nóng Kim Bôi thuộc xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi cách thành phố Hòa Bình khoảng 30 Km. Khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi độc đáo hấp dẫn bởi nguồn nước khoáng từ ngàn xưa trong vắt, không mùi, vô khuẩn, khi vừa lộ thiên nhiệt độ 34 -> 36oC, thành phần chính là Bicacbonat Sunphat Canxi – Magie, thuộc loại nước khoáng giải khát chữa bệnh có lợi cho sức khỏe con người (chữa các bệnh viêm khớp, huyết áp, dạ dày…)

B. 40

C. 50

7. Tại Hòa Bình có công trình phát điện nào lớn nhất Đông Nam Á?

A. Nhiệt điện Hòa Bình

B. Thủy điện Hòa Bình

B là đáp án đúng. Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), trên dòng sông Đà hùng vĩ. Đây là thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á do Liện Xô giúp đỡ xây dựng.Nhà máy do Liên Xô (nay là Liên bang Nga) giúp Việt Nam xây dựng, vận hành. Công trình được khánh thành vào năm 1994, sau 15 năm xây dựng, sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh. Ngoài việc phát điện, nhà máy còn có chức năng ngăn lũ cho sông Hồng, cung cấp nước tưới tiêu và cải thiện giao thông đường thủy.Nhiều hạng mục công trình ở Nhà máy thủy điện có giá trị như: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi ông Tượng, làm bằng đá granít cao tới 18m; nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau; đài tưởng niệm những công dân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hy sinh trên công trình.

8. "Vịnh Hạ Long trên cạn" là địa danh du lịch nổi tiếng nào ở Hòa Bình?

A. Bản Lác

B. Hoa Tiên

C. Thung Nai

C là đáp án đúng. Nằm cách Hà Nội hơn 100 km và cách trung tâm thành phố Hòa Bình hơn 20 km, Thung Nai (huyện Cao Phong) là điểm du lịch yêu thích của nhiều bạn trẻ.Nơi đây mang vẻ đẹp bình yên của xã lòng hồ được đồi núi bao quanh. Những đảo nổi giữa dòng nước trong xanh của Đà giang khiến Thung Nai được ví von như "vịnh Hạ Long trên cạn". Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đi thuyền đến Thung Nai là hình ảnh cối xay gió nổi bật trên một đảo nhỏ. Khách có thể ngắm nhìn dòng nước hồ xanh mát dưới đảo cối xay gió, đến thăm động thác Bờ, suối Trạch hay đi thuyền tới chợ nổi và thưởng thức món cá nướng sông Đà ngon ngậy khi đến với Thung Nai.

9. Bảo tàng không gian văn hóa Mường là bảo tàng tư nhân?

A. Đúng

A là đáp án đúng. Bảo tàng “Không gian Văn hóa Mường” là một công trình nghệ thuật. Bắt nguồn từ niềm cảm hứng sâu sắc của một Họa sĩ trẻ với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường. Sau 10 năm sưu tầm và gần 1 năm xây dựng. Đến ngày 16-12-2007 Bảo tàng “Không gian Văn hóa Mường” được chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gõ tiếng cồng khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5ha. Cách Hà Nội 80km về phía tây, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7km hướng đi Sơn La (nằm trên con đường mới mang tên Đường Tây Tiến). Đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng “ Không gian văn hóa Mường” là Bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Công trình được chính chủ nhân của nó bỏ vốn, thiết kế và xây dựng. Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là: khu Tái hiện và khu Trưng bày.Khu tái hiện: gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội MườngNhà Lang: là tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường.Nhà Ậu: là những người giúp việc cho nhà Lang.Nhà Noóc: là tầng lớp bình dân trong xã hội Mường.Nhà Nóc Trọi: là tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Nguyên liệu dùng để làm được lấy từ các loại thảo mộc như: gỗ, tre, nứa, lá…là những loại cây rất gần gũi với người Mường.Khu trưng bày: gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trưng bày cố định Trong đó có rất nhiều hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư , Ninh bằng đồng…) và nhiều các hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa….của người mường như: công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xe nước…

B. Sai

10. Món nào dưới đây là đặc sản của Hòa Bình?

A. Cá muối thính

B. Thịt lợn muối chua

B là đáp án đúng. Thịt lợn muối chua là món ăn không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi và tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Món ăn này được làm từ thịt ba chỉ của những con lợn choai, thả rông dài ngày. Sau khi thái miếng, thịt được ướp với muối, thính gạo, riềng khô giã nhỏ, rồi trộn với rượu nếp cái, men lá rừng sao cho thật ngấm.Thịt được để trong chiếc bồ lót lá chuối để ủ thịt chua. Cứ một lớp gạo rang giã dập trộn muối, lại đến một lớp thịt ướp nguyên liệu ở trên cho đến khi đầy bồ, rồi nén lại đem gác lên bếp củi đun ủ 1-2 tuần.Điểm khác biệt của món đặc sản này là ngoài vị chua lên men tự nhiên, vị thơm ngọt của thính và thịt, còn có vị bùi ngậy của bì. Thịt chua còn được ăn kèm với lá mít, trầu không tạo nên vị chua ngọt hòa lẫn vị mặn, ăn rất lạ miệng.Ngoài ra, thịt muối chua, măng đắng, cơm lam, rau rừng đồ... cũng là những món ăn đặc trưng của Hòa Bình nói chung và người Mường ở đây nói riêng.

C. Trâu gác bếp

Số câu trả lời đúng

Châu Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/ky-bi-noi-nang-tien-ngu-o-noc-nha-cua-nguoi-muong-1389189.tpo