Kỳ bí những mộ cổ nằm vị trí oái oăm giữa Sài Gòn

Nằm giữa công viên trung tâm, trong sân trường đại học hoặc sở hữu đến hai mặt tiền phố buôn bán... là vị trí 'độc' của một số ngôi mộ cổ Sài Gòn.

Ở công viên Tao Đàn, thuộc phường Bến Thành, trung tâm quận 1 (TP.HCM) tồn tại ngôi mộ cổ bề thế, kiến trúc còn khá nguyên vẹn.

Mộ gồm 3 phần là tiền sảnh - sân thờ và nhà mộ, được ngăn cách bởi các trụ cổng. Quanh mộ là một vòng tường thấp. Mộ phần có có cấu trúc dạng lăng song táng, kích thước khá lớn, thiết kế cầu kỳ.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là mộ xây bằng ô dước - loại vật liệu bí truyền rất cứng, thường dành cho giới quý tộc xưa. Người nằm dưới mộ được cho là ông Lâm Tam Lang và bà Mai Thị Xã - vợ ông. Theo các sử liệu, ông Lâm là người Quảng Đông di cư sang Việt Nam, mất năm 1795.

Cuối năm 2013, khi một trang tin du lịch có tiếng của Anh liệt công viên Tao Đàn vào một trong những địa điểm ma ám ghê rợn nhất thế giới, sự quan tâm đến ngôi mộ cổ này đã được dấy lên.

Giữa khuôn viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng có một ngôi mộ cổ gắn với nhiều câu chuyện rùng rợn đồn đại qua nhiều thế hệ. Ngôi mộ này này nằm đối diện tòa nhà B6 của trường,

Mộ không còn hình dáng nguyên bản mà đã được xây đắp thêm cho giống một bồn hoa hình khối vuông, mỗi cạnh dài khoảng 2,5m, cao khoảng 50cm. Bốn góc mộ là bốn hố vuông, chính giữa là một hố tròn được đổ đất để có thể trồng cây.

Xung quanh sự tồn tại khó hiểu của ngôi mộ này là những lời đồn đại rùng rợn về những lần giải tỏa mộ bất thành nhiều thập niên trước. Do không thể di dời, cũng không thể để nguyên ngôi mộ như thế giữa sân trường nên người ta đã dùng gạch đắp lên mộ, ngụy trang thành một bồn hoa.

Về nguồn gốc ngôi mộ, có giai thoại kể rằng đây là nơi an nghỉ của một thương gia người Hoa. Sau khi người này mất, các con cháu đã chôn theo một thiếu nữ theo thuật trấn yểm cổ truyền để có người theo hầu và bảo vệ mộ phần không bị xâm phạm.

Ở phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM có một ngôi mộ cổ sở hữu đến hai mặt tiền ở khu vực kinh doanh sầm uất. Ngôi mộ này có mặt trước quay ra đường Nguyễn Thái Bình, mặt sau giáp với đường Trương Hoàng Thanh.

Mộ được xây bằng hợp chất, có chiều dài khoảng 10 m, rộng chừng 7 m, xung quanh có tường thành bao quanh. Mặt tiền công trình được xây dạng một cái am nhỏ có mái giả bằng xi măng. 4 góc mộ có 4 trụ cột hình búp sen.

Bia mộ ghi chữ quốc ngữ dựa trên bia chữ Hán cũ: “Đại Nam quốc. Phần mộ Võ Tánh. Mất ngày 27/7/1801 năm Tân Dậu”. Theo đó, người nằm dưới mộ là tướng Võ Tánh của nhà Nguyễn. Điều này khiến giới nghiên cứu bối rối vì Võ Tánh đã có một ngôi mộ chính ở Bình Định và một mộ gió ở Phú Nhuận, TP.HCM. Không có sử liệu nào nhắc đến "mộ thứ ba".

Theo các lời đồn, từ trước giải phóng khu mộ cổ đã từng là mục tiêu của bọn đào mồ trộm, săn tìm cổ vật. Bọn chúng ít nhất đã ba lần mang cuốc, đục tới nhưng rồi đều phải van vái rồi bỏ về “vì cứ chạm cuốc vào là gãy ngay”. Ngày nay, ngoại trừ phần mặt tiền đã được người dân tu bổ và sơn mới, phần còn lại của mộ ngôi mộ toát lên vẻ đổ nát và hoang phế.

Mời độc giả xem video: Vẻ đẹp kiến trúc TP HCM.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-bi-nhung-mo-co-nam-vi-tri-oai-oam-giua-sai-gon-974719.html