Kỳ bí lễ hội đền Nưa - am Tiên

Những ngày này, hàng ngàn người dân, du khách khắp nơi đã tụ họp về Thanh Hóa để tham gia lễ hội truyền thống đền Nưa-am Tiên. Lễ hội đền Nưa- am Tiên gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và những câu chuyện kỳ bí đến nay chưa lý giải được như huyệt đạo thiêng nơi trời đất giao hòa (hay còn gọi là nơi mở cửa trời), giếng Tiên trên đỉnh núi nước không bao giờ vơi cạn và đứng trên cao có thể nhìn thấy được 4 phương 8 hướng.

Truyền thuyết về dãy núi Ngàn Nưa

Đền Nưa-am Tiên (dãy núi Ngàn Nưa) thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trong sử sách ghi lại trước đây thuộc địa phận huyện Nông Cống, nhưng từ tháng 2/1965 thuộc huyện Triệu Sơn, đến năm 2009 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Nưa-am Tiên đã được nhà nước đầu tư, khôi phục lại nhưng vẫn không mất đi dấu vết lịch sử.

Để lên trên đỉnh núi Ngàn Nưa, du khách phải đi men theo con đường mòn cao chót vót, khi đến giữa núi Nưa sẽ gặp một cái miếu gọi là Khe Đông Đốt, miếu thờ vị tướng họ Trần. Theo sự tích, Hồ Hán Thương lúc bấy giờ đã lệnh cho quân bủa vây đốt núi Nưa, vì tức giận vị quan họ Trần không ra giúp nhà Hồ đánh giặc tên là Trần Tu Viên. Nhưng khi quân, tướng lên đến nơi đã thấy nhà vị quan họ Trần này bốc cháy, trên trời mây đen ùn ùn kéo đến và bỗng nghe tiếng hạc vang lên, sau đó có đôi câu đối từ trên trời rơi xuống, viết rằng “Kỳ la hải khẩu ngâm hồn đoạn- Cao vọng sơn lầu khách tứ sầu”, có nghĩa là: Hồn đến cửa biển Kỳ La (cửa khẩu Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thì thoi thóp (đoạn là hết). Khách đến núi cao vọng thì khách buồn, ứng với vận mệnh nhà Hồ trong 2 năm (1405-1407)…

Còn trên đỉnh núi Nưa, du khách đi qua một con đường nhỏ được tôn tạo rất đẹp để đến cung điện chính là Kinh Triệu Quân (nơi kinh đô của Bà Triệu). Bên cạnh cung điện chính là một ngôi chùa “Bích Vân Cung ” tục gọi là Am Tiên, Am Tiên được gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) vào năm 225-248 đánh đuổi quân Ngô. Lúc đó, anh trai của Bà Triệu là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn (hay còn gọi là quan lang, quan Thái thú của 1 vùng, 1 huyện). Khi giặc Ngô xâm lược, ông đã loan truyền khắp 4 phương chiêu binh khởi nghĩa để đánh đuổi quân Ngô, tiếc rằng cuộc khởi nghĩa chưa được bao lâu thì ông qua đời. Bà Triệu đã đứng lên thay anh chiêu binh khởi nghĩa, binh lính của bà chủ yếu là nữ giới.

Dãy núi Ngàn Nưa - Am Tiên xưa kia bạt ngàn bông lau, cây nứa và đường đi hiểm trở, thấy vậy Bà Triệu đã lấy nơi đây làm đại bản doanh để làm bàn đạp tiến đánh quân Ngô. Trong lúc đuổi đánh quân Ngô ở huyện Hậu Lộc, do không thạo sông nước trong khi đó quân Ngô lại giỏi sông nước nên đã bị quân Ngô bủa vây, khiến Bà Triệu cùng binh lính phải rút về xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa (ngày nay). Khi nghĩa quân Bà Triệu chuẩn bị lực lượng đánh lại quân Ngô thì quân giặc biết điểm yếu của binh lính nữ Bà Triệu và đã dùng trò cởi toàn bộ quần áo ra để đánh nhau với quân Bà Triệu. Binh lính nữ của Bà Triệu đã thẹn thùng, mất đi tính khí chiến đấu và bị thất bại. Lúc đó, Bà Triệu thà chết chứ không để cho quân Ngô bắt giữ và đã gieo mình tự vẫn ở núi Tùng (xã Phú Điền, Hậu Lộc). Để ghi dấu công lao của bà và nghĩa quân, người dân đã lập đền thờ Bà Triệu trên đỉnh núi Am Tiên (núi Nưa) cho đến ngày nay.

Ngày xưa làng Cổ Định, Tân Ninh còn được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng là đất học và phát quan. Suốt thời phong kiến làng có tới 24 tiến sỹ, trong đó có 4 vị đi sứ sang Tàu, thời nhà Tống có Doãn Tử Tư, Doãn Anh Khải. Thời nhà Nguyễn có cụ Doãn Băng Hài. Thời nhà Minh có cụ Hoàng giáp, Lê Bật Tứ, hiện đang có bia nêu tên tại Quốc Tử Giám …

Giếng Tiên trên đỉnh Ngàn Nưa

59731

Kỳ bí giếng Tiên

Trên dãy núi Nưa có giếng Tiên được nhắc đến như một kỳ bí, giếng Tiên nằm trên đỉnh núi cao 580m so với mực nước biển nhưng nước trong giếng không bao giờ cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu và mát trong. Thời Bà Triệu khởi nghĩa đã lấy nước giếng để phục vụ sinh hoạt cho quân lính. Giếng Tiên còn được gắn liền với nhiều giai thoại , như rất linh thiêng người dân trong vùng thường lên giếng xin nước về để thắp hương cúng gia tiên. Có người còn cho rằng nước giếng Tiên có thể chữa khỏi bệnh đau đầu, chẳng hạn lấy nước gội lên đầu lát sau thấy khỏi bệnh, hay người già trong làng khi ốm thường bảo con cháu lấy nước giếng Tiên về uống. Theo lãnh đạo địa phương thì không ai khẳng định được nước giếng Tiên có chữa khỏi bệnh hay không, nhưng trong tâm linh người dân nơi đây kể cho nhau như vậy.

Cũng theo người dân địa phương, giếng Tiên còn gắn với các sự tích như bàn cờ tiên, hay gặp tiên đánh cờ ở ao hóp, vườn đào tiên, động cắm cờ nơi Bà Triệu cắm cờ khởi nghĩa, chợ Bụa hay còn gọi là chợ Âm phủ trao đổi mua bán lương thực, thực phẩm (hiện nay không khôi phục lại mà chỉ còn trong truyền thuyết)…

Huyệt khí thiêng

Trên dãy núi Ngàn Nưa có một huyệt khí thiêng hay gọi là huyệt khí dương, theo cách gọi của các nhà phong thủy thì nơi đây là điểm hội tụ giao hòa của đất và trời (hay nơi mở cửa trời). Điểm huyệt thiêng được khoanh vùng rộng khoảng vài chục mét vuông, là Thiên - Địa - Nhân - hợp - nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Nơi mở cửa trời ở am Tiên là một trong những 4 huyệt đạo lớn của quốc gia, ngoài Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh).

Nhiều du khách đến đây tham quan đã ngồi thiền trên vị trí huyệt khí thiêng, khi đó họ nhắm mắt, thả lỏng người, tâm trí không suy nghĩ và đã cảm nhận có những ánh sáng loáng qua, thể lực phục hồi nhanh sau những giây phút leo núi, đôi khi còn làm hưng phấn thêm. Khí hậu trên đây mùa hè thì mát mẻ, trong lành, mùa đông bao phủ bằng lớp mây mù. Đứng trên huyệt đạo hướng đông thấy biển Sầm Sơn, phía nam thấy toàn huyện Như Thanh, sông Mực, Bến En; hướng bắc thấy toàn huyện Triệu Sơn, phủ Na; hướng tây thấy huyện Như Thanh kéo dài. Còn đứng ở giữa cảm nhận có năng lượng trường sinh học, có thể nhìn thấy 4 phương 8 hướng trời.

Thời xưa người ta thường lấy núi Nưa làm la bàn, kim chỉ nam vì núi Nưa có độ cao nhất ở đồng bằng Thanh Hóa. Nhiều người đi biển vẫn thường nhìn thấy dãy núi Ngàn Nưa, cho nên núi Nưa có câu: “Na sơn thất phiến long nhất biến- Hổ nhất biến nhất hô vạn biến”, nghĩa là núi Nưa được xếp liền kề nhau bởi 7 phiến núi, tạo nên thế con rồng, đầu vươn cao như đầu hổ (nơi đỉnh Am Tiên), còn huyệt đạo là nơi cao nhất. Đứng trên đỉnh núi Am Tiên hét lớn xung quanh đều có thể nghe được.

Theo ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh, những giai thoại kể lại sự tích của dãy núi Ngàn Nưa đã trải qua bao thời gian và chưa ai khẳng định có thật hay không, nhưng đền Nưa-am Tiên đã trở thành lễ hội truyền thống của người dân nơi đây và đến hẹn lại được tổ chức.

Lễ hội chính đền Nưa-am Tiên được tổ chức vào ngày 18-20 tháng giêng âm lịch hằng năm, còn ngày 9 tháng giêng âm lịch là ngày mở cửa trời. Người dân tứ phương về đây cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Trịnh Tuyên

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-bi-le-hoi-den-nua-am-tien-18047.html