Kỳ bí 'dòng nước lũ' màu da cam chảy cuồn cuộn ở Nga

Nước lũ chứa axit 'đầu độc mọi thứ chúng chạm vào', một nhân chứng viết về hiện tượng kỳ lạ này.

Mới đây, một blogger du lịch đăng tải loạt ảnh chụp "nước lũ" màu da cam kỳ lạ chảy gần một mỏ đồng sunfua bị bỏ hoang ở Nga. Mỏ đồng nằm gần làng Lyovikha trên dãy Urals.

Sử dụng máy bay không người lái, blogger zamkad_life ghi lại cảnh dòng nước cuồn cuộn chảy từ trên cao xuống trong khu vực rừng núi. Sau khi được đăng lên Instagram, loạt ảnh trở nên "viral", thu hút gần 6.000 lượt thích và hơn 350 bình luận (tính đến ngày 17/7).

"Lũ đang xảy ra ở khu mỏ và nước axit đang chảy từ trên xuống, đầu độc mọi thứ chúng chạm vào", tài khoản Instagram zamkad_life viết trên Instagram tuần trước.

Ảnh chụp "nước lũ" được đăng tải trên tài khoản Instagram zamkad_life

Ảnh chụp "nước lũ" được đăng tải trên tài khoản Instagram zamkad_life

Ngày 16/7, các công tố viên Nga cho biết họ đang điều tra dòng nước màu cam kỳ bí.

"Văn phòng công tố quận Nizhny Tagil đã bắt đầu điều tra một cơ sở xử lý nước thải từ mỏ Levikhinsky", phát ngôn viên Marina Kanatova nói với AFP.

Bà Kanatova nhấn mạnh các chuyên gia sẽ "lấy mẫu để xác định xem việc xử lý nước thải có tính axit từ mỏ có tuân thủ đúng quy tắc hay không".

Dòng nước "đầu độc mọi thứ chúng chạm vào", theo zamkad_life

Nhà môi trường học Andrei Volegov, chủ tịch tổ chức phi chính phủ địa phương Ecopravo, viết trên Facebook rằng đây là dòng nước bị ô nhiễm. Chúng đáng lẽ ra phải được trung hòa trong một "ao nước" kỹ thuật nhưng "ao nước" đã tràn ra trong những trận mưa lớn.

Năm ngoái, ông Volegov đã báo công tố viên địa phương về tình trạng này. Khi đó, các công tố viên trả lời rằng công ty phụ trách xử lý chất thải không được tài trợ đủ nên không có đủ vôi để trung hòa axit, Volegov kể.

Theo truyền thông địa phương, chính quyền địa phương đã yêu cầu niêm phong khu mỏ nhưng Moscow từ chối với lý do vẫn còn tài nguyên quý giá ở đó.

Các công tố viên đã bắt đầu điều tra một cơ sở xử lý nước thải từ mỏ đồng sunfua

Các chuyên gia sẽ lấy mẫu để xác định xem việc xử lý nước thải có tuân thủ đúng quy tắc hay không.

(Dịch từ Science Alert)

Trà My

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ky-bi-dong-nuoc-lu-mau-da-cam-chay-cuon-cuon-o-nga-8202017712618915.htm