'Kỳ án' xét xử đôi vợ chồng ở Phú Thọ: Hy vọng HĐXX Tòa cấp cao sẽ phán quyết công tâm, khách quan!

Vợ chồng anh Lâm, chị Huệ liên tục viết đơn kêu oan, đơn tố cáo. Vì sao hàng loạt đơn tố cáo không được cơ quan điều tra giải quyết?

Vụ án có dấu hiệu oan sai của cặp vợ chồng xảy ra tại tỉnh Phú Thọ kéo dài từ năm 2011 đến nay đã 07 năm với nhiều lần điều tra và trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm đình chỉ, phục hồi điều tra với hàng chục kết luận giám định nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Phapluatplus.vn (Báo Pháp luật Việt Nam) liên tục nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của 02 bị cáo Lâm và Huệ bị TAND tỉnh Phú Thọ kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4 Điều 139 BLHS vào tháng 01/2018 với mức án tù cho anh Lâm là 07 năm và chị Huệ là 14 năm đồng thời liên đới bồi thường cho công ty Kee Eun số tiền 7.232.989.689 đồng.

Đơn tố cáo của chị Huệ.

Vì sao hàng loạt đơn tố cáo không được cơ quan điều tra giải quyết?

Trong đơn kêu oan gửi Phapluatplus.vn anh Lâm chị Huệ cho biết từ năm 2003, chị Huệ là kế toán của công ty Hàn quốc tại Việt Nam (công ty TNHH Kee Eun Việt Nam) do ông Kim Han Yong làm tổng giám đốc.

Chồng của Huệ – anh Lâm là giám đốc công ty TNHH Thương mại Đại Hưng chuyên cung cấp dịch vụ ăn theo ca cho nhân viên công ty Kee Eun.

Đến tháng 02/2011 chị Huệ nghỉ việc và bàn giao lại các chứng từ sổ sách kế toán cho ông Kim.

Bất ngờ ngày 27/12/2011, ông Kim đã làm đơn tố cáo chị Huệ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1.100 USD của công ty Kee Eun tới cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Phú Thọ.

Theo ông Kim, bằng thủ đoạn gian dối, chị Huệ cùng chồng đã lập khống hợp đồng vay tiền và Hợp đồng lao động để chiếm đoạt số tiền trên của công ty Kee Eun thông qua 09 ủy nhiệm chi.

Anh Lâm, chị Huệ liên tục viết đơn tố cáo, liên tục kêu oan…trong vô vọng?

Ngày 6/9/2014 cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can.

Qua quá trình điều tra, truy tố thì ngày 24/01/2018 TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án.

Tại phiên tòa chị Huệ và anh Lâm đều kêu oan, khẳng định 2 hợp đồng là có thật.

Bên cạnh đó anh Lâm khai anh bị bức cung, mớm cung dùng nhục hình.

Tuy nhiên Tòa án vẫn ra bản án hình sự sơ thẩm tuyên phạt hai vợ chồng anh chị tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không đồng ý với bản án sơ thẩm nêu trên, ngày 6/2/2018 vợ chồng anh chị đã kháng cáo kêu oan.

Theo anh Lâm, chị Huệ: Đây là giao dịch dân sự và không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ngoài ra theo chị Huệ việc tố cáo và kết tội anh chị có dấu hiệu mâu thuẫn tư thù cá nhân và cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn kinh doanh.

Anh chị cho rằng cần phải làm rõ sự thật đằng sau của vụ án có chiêu trò rắp tâm ám hại cá nhân hay không??

Bên cạnh đó nhận thấy dấu hiệu tội phạm của ông Kim, anh chị cũng gửi đơn tố cáo ông Kim về các hành vi vi phạm pháp luật nhiều lần tuy nhiên không được cơ quan điều tra xem xét, giải quyết.

Cụ thể, chị Huệ đã có đơn tố cáo ông Kim– giám đốc công ty Kee Eun có dấu hiệu mua bán hóa đơn khống, có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế, làm giả con dấu của cơ quan tổ chức,… và cơ quan công an đã có văn bản tiếp nhận đơn trình báo tố giác tội phạm.

Cùng với đơn tố cáo thì chị Huệ đã cung cấp đầy đủ các tài liệu, hóa đơn mua bán khống để làm rõ nội dung tố cáo.

Thế nhưng cho đến này vụ việc trốn thuế vẫn không được điều tra, xem xét xử lý mà đã chìm vào quên lãng.

Theo chị Huệ vì lợi ích nhóm nên đã không giải quyết. Trong kết luận điều tra hay cáo trạng vụ án thì cơ quan tố tụng cũng không nêu những vấn đề chị tố cáo và nội dung giải quyết tố cáo vào.

Mặt khác lại có hành động trù dập, thiếu khách quan trong việc thụ lý hồ sơ vụ án và điều tra ngược gây oan sai cho vợ chồng chị.

Có nhiều điểm bất thường trong vụ án?!

Liên quan đến sự việc trên, Trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng ăn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, luật sư cho biết: “Bộ luật tố tụng hình sự quy định Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức quy như Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác,.. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời.

Vụ án có nhiều điểm bất cập, nhiều tình tiết chưa được làm rõ.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho biết, trong vụ án này, để xác định chị Huệ có dấu hiệu gian dối hay không thì phải xác định Hợp đồng vay và Hợp đồng lao động là có thật hay không.

Để xác định có dấu hiệu chiếm đoạt hay không thì phải xác định 04 phiếu thu có thật không và 06 ủy nhiệm chi có thực hiện đúng quy trình hay không.

Tuy nhiên theo các kết luận giám định hiện tại có trong hồ sơ vụ án thì cả kết luận giám định về phiếu thu và ủy nhiệm chi đều không đủ cơ sở kết luận chữ ký của ông Kim được ký trước hay sau nội dung viết tay trên tài liệu.

Mặt khác, cơ quan điều tra mới chỉ trưng cầu giám định và có kết luận giám định về tuổi mực chữ ký và chữ viết của chị Huệ nhưng chưa giám định của ông Kim thì không thể xác định 2 người có ký cùng thời điểm hay không hay chữ ký ông Kim có trước hay sau chữ ký của chị Huệ.

Các kết luận giám định trong hồ sơ còn có nhiều tài liệu không đủ cơ sở kết luận hoặc kết luận chung chung, chưa rõ ràng, mâu thuẫn nhau.

Luật sư Cường cũng cho biết: “Về giám định dấu công ty Kee Eun trên hợp đồng lao động: cơ quan tố tụng cho rằng con dấu đóng lên hợp đồng lao động được cấp sau thời điểm xác lập hợp đồng, nghĩa là con dấu được đóng sau.

Tuy nhiên theo các tài liệu trong hồ sơ thì công ty Kee Eun thường dồn nhiều hợp đồng lao động và một số văn bản vào một đợt rồi đóng dấu.

Ở công ty Kee Eun có nhiều trường hợp giống trường hợp của chị Huệ ví dụ: con dấu trên sổ bảo hiểm xã hội, quyết định tăng lương của một số nhân viên công ty được chị Huệ cung cấp.

Đây là tình trạng chung của công ty Kee Eun. Vì vậy, việc dựa vào giám định dấu được đóng sau thời điểm ký hợp đồng rồi kết luận hợp đồng được lập khống là không đủ cơ sở.

Về giám định chữ ký của ông Kim Han Yong trên hợp đồng lao động và các Xác nhận tiền lương thì có 22 tài liệu “không đủ cơ sở kết luận chữ ký có trước hay sau nội dung bản in”.

Các tài liệu này là chứng cứ giữa việc xác nhận lương giữa công ty và chị Huệ nhưng không được sử dụng trong khi cơ quan tố tụng lại sử dụng các bản kết luận khác để buộc tội chị Huệ.

Việc chuyển tiền lương từ tài khoản của công ty TNHH Kee Eun Việt Nam sang tài khoản của chị Huệ. Kết luận giám định về các ủy nhiệm chi Hợp đồng lao động đều không xác định được chữ ký của ông Kim Han Yong có trước hay sau nội dung, nên việc cơ quan tố tụng quy kết chị Huệ tự ý chuyển khoản để chiếm đoạt tiền của công ty TNHH Kee Eun qua các ủy nhiệm chi là chưa đủ cơ sở”.

Mặt khác, luật sư Cường cũng cho rằng, tòa sơ thẩm bỏ qua nhiều chứng cứ, tình tiết có lợi cho chị Huệ.

Cụ thể: “Công ty Kee Eun tồn tại 2 hệ thống sổ sách kế toán, trong đó có sổ chi lương ngoài, sổ ngân hàng và sổ chi ngoài. Những tài liệu này thể hiện các khoản thu chi ngoài sổ sách. Khoản tiền 3000usd/tháng của chị Huệ được ghi chép theo chỉ đạo của ông Kim tại trang 2/2 tài liệu “chi tiết các hạng mục không ghi chép và không báo cáo trong hệ thống sổ sách”.

Trong kết luận giám định thì có 4 bảng kê không đủ cơ sở kết luận ký trước hay sau. Do đó chưa thể khẳng định những tài liệu này là giả.

Khoản trả vay và trả lương cho hợp đồng lao động số 017 và hợp đồng vay tiền số 02 đã được theo dõi trong sổ ngân hàng của công ty Kee Eun nhưng Tòa cấp sơ thẩm bỏ qua không xem xét chứng cứ này.

Về việc ký khống của ông Kim Han Yong: Ông Kim Han Yong khai là ông thường ký khống trên một số tài liệu rồi đưa cho chị Huệ và bộ phận hành chính, nhưng trên thực tế ông Kim không có bằng chứng pháp lý nào để khẳng định đã ký khống và giao cho bộ phận hành chính, kế toán của công ty sử dụng, và không có căn cứ nào chứng minh ông Kim Han Yong đã ký khống trên giấy trắng rồi giao cho chị Huệ.

Cơ quan tố tụng cho rằng những ngày ông Kim vắng mặt tại Việt Nam thì các giao dịch vẫn diễn ra nên có sự việc ông Kim ký khống trước.

Tuy nhiên cơ quan điều tra chưa rút những tài liệu này để xác minh xem có đúng là những tài liệu đó được ký trước khi bản in hay không” Luật sư Cường nói.

Được biết, ngày 15/10 tới đây, Tòa cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án trên, hy vọng HĐXX Tòa cấp cao sẽ có một cái nhìn thông tỏ về những tình tiết mà vợ chồng anh Lâm, chị Huệ kêu cứu, để có một phán quyết đúng đắn, thấu tình đạt lý.

Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên.

Duy Khương

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ky-an-xet-xu-doi-vo-chong-o-phu-tho-hy-vong-hdxx-toa-cap-cao-se-phan-quyet-cong-tam-khach-quan-d79897.html