'Kỳ án động trời' trong Tử Cấm Thành thời nhà Thanh

Nhắc đến Tử Cấm Thành, người ta sẽ nghĩ tới một cung điện nguy nga có bề dày lịch sử, văn hóa hơn 600 năm. Tuy nhiên, cung điện này còn nổi tiếng với những câu chuyện kỳ bí.

Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cổ Cung (theo cách gọi ngày nay), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Các cung điện đồ sộ trong Tử Cấm Thành được bắt đầu xây dựng vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc - vị hoàng đế kiệt xuất của triều Minh, và là một trong những vị vua lỗi lạc của Trung Quốc (tức là năm 1406), và hoàn thành sau 14 năm (tức là năm 1420).

Vào thời xưa, hoàng đế tự cho mình là chân mệnh thiên tử (con của trời), vì thế họ có quyền lực tối cao. Họ cho rằng, cung điện của họ ở mặt đất là “bản sao”, được xây dựng giống hệt như Thiên cung trên trời, nơi mà chỉ có các vị thần sinh sống. Một nơi thiêng liêng như thế này thì không thể để những người dân thường lui tới, chính vì vậy cái tên Tử Cấm Thành đã ra đời. Chữ “Tử” trong từ “Tử cấm thành” có nghĩa là “màu tím”, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, vua là con Trời nên nơi ở của vua cũng gọi là “Tử”, “Cấm Thành” là khu cấm dân thường ra vào.

Tử Cấm Thành.

Tử Cấm Thành.

Kiến trúc xa hoa, lộng lẫy của Tử Cấm Thành là biểu tượng của sự đỉnh cao trong kiến trúc nói chung, và là công trình tiêu biểu cho nền kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, nơi đây thực sự đã trở thành kho báu lịch sử và văn hóa Trung Quốc, và được công nhận là một trong 5 cung điện quan trọng nhất thế giới.

Hòa thượng trà trộn thâm nhập hoàng cung

Khi triều Thanh bắt đầu, cung cấm nghiêm minh hộ quân dũng mãnh vì thế cẩm thành tương đối là an toàn và bình yên. Sau đời Càn Long, trật tự xã hội không được như trước. Đến đời Gia Khánh các tổ chức tông giáo dân gian mọc lên như "măng mọc sau mưa xuân". Các môn phái đạo giáo kỳ quặc phát triển rầm rộ. Vào năm thứ 28 Càn Long (tức năm 1763), vào một ngày tháng Chạp lạnh giá, có một tăng nhân tên Hồng Ngọc, vừa đi đường vừa lẩm bẩm khi đi đến trước Tây Hoa Môn thì muốn vào vào Tử Cấm Thành. Khi bị hộ vệ trực cổng thành ngăn lại thì quay trở ra nhưng kiên quyết không chịu rời đi mà liên mồm nói xằng bậy vì không được vào cửa. Đám hộ quân đành phải bắt giam vào ngục và thẩm vấn. Sau này thái y khám bệnh thì hóa ra tăng nhân này bị chứng bệnh thần kinh. Sau này được thả và giao lại cho viên tại Xương Bình Châu quản thúc.

Năm thứ 9 Gia Khánh (tức năm 1805) lại xảy ra một vụ án cung cấm. Vào tháng Giêng tại Kính huyện, phủ Ninh Quốc, An Huy có vị hòa thượng tên Liễu Hữu, sau khi vân du đến núi Phổ Đà, Triết Giang đột nhiên đứng trước trời đất bao la lòng nảy sinh ham muốn kỳ quặc vào kinh thành diện kiến hoàng thượng.

Ông ta còn tưởng tượng ra cảnh hoàng thượng sẽ ban thưởng cho mình làm trụ trì, sau đó gặp mặt mời cùng đi tuần thú phương Nam. Đầu nghĩ vậy, Liễu Hữu liền đi từ Giang Nam qua Sơn Đông thẳng tiến Bắc Kinh. Đến ngày 25/3, cuối cùng cũng đến được Bắc Kinh. Vì muốn được bái kiến hoàng thượng nên rất nhiều lần ông ta đã đến quỳ trước Đông Hoa Môn để tìm cơ hội vào cung. Nhưng cổng thành canh gác nghiêm ngặt không thể nào vào được. Ông ta không hề nản lòng, hàng ngày vẫn đi xin bố thí và chờ đợi cơ hội.

Xuân qua đông tới, thoáng chốc đã hơn nửa năm trôi qua. Ngày 24/11, trong cái giá rét căm căm, Liễu Hữu lại tiếp tục đến đứng vọng ngoài Đông Hoa Môn nhưng lại bị hộ quân gác cổng đuổi đi. Lần này cũng như bao lần, ông ta không rời đi mà đến bên ngoài Đông Hoa Môn của Cảnh Sơn ngồi suốt đêm dưới cái giá lạnh thấu xương. Đến gần sáng, ông ta nhìn thấy có vài người đốt đèn cầm hộp thức ăn đi về phía mình nên ông ta phán đoán đây là đội Bát Thành đang mang thực phẩm vào cung. Ông ta liền trà trộn vào đám người này để qua Thần Vũ Môn.

Sau khi lọt vào Tử Cấm Thành, Liễn Hữu đi vào hành lang hẹp phía Đông bên phải. Nhưng thâm cung đại điện, tường cao, đêm tối ánh sáng không có nên đành men theo bờ tường đi về hướng Nam, chưa được bao xa thì bị vệ quân đi tuần ban đêm bắt giam. Chuyện này nhanh chóng đến tai hoàng đế Gia Khánh nên đã hạ lệnh nghiêm trị. Cuối cùng Liễu Hữu bị ép hoàn tục, đánh 60 trượng, lưu đầy một năm và đeo gông hai tháng thị uy trước dân chúng. Hộ quân quan trực Thần Vũ Môn cũng bị phạt đánh, bãi chức. Những vụ án này đã gây hoang mang cho hoàng cung vì sự an toàn đã bị đe dọa.

Theo Minh An/Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-ky-an-dong-troi-trong-tu-cam-thanh-thoi-nha-thanh/20190926112119477