Kỳ 9: Người đàn bà đến cuối đời vẫn day dứt...

Chồng chết, đứa con gái lớn cũng yếu mệnh vì đuối nước khiến Thành tưởng như gục ngã trước hai nỗi đau, mất mát quá lớn. Nhưng rồi tiếng gọi mẹ của hai đứa con nhỏ đã kéo Thành trở về với thực tại.

Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Thành, SN 1977, ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) bảo: “tôi không ngờ việc làm của tôi khiến nhiều gia đình lục đục, tan vỡ để rồi những nỗi đau của người đời lại dội ngược vào hai đứa con mình”. Phải trả giá bằng bản án 15năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện phạm nhân Thành đang cải tạo ở đội dệt cói trại giam Thanh Phong, đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Tròng trành như nón không quai

Nếu nói Thành chưa từng ổn định thì cũng không phải bởi cô đã từng là một người đàn bà hạnh phúc với một người chồng chăm chỉ và những đứa con. Nhưng số phận đã không cho cô được bằng lòng với hạnh phúc giản đơn ấy cho dù cuộc sống của cô chỉ quanh quẩn với ruộng vườn và kinh tế không hề dư dả. Chồng Thành trong một lần lên rừng chặt nứa về để bắc giàn mướp, chẳng biết sơ sảy thế nào mà anh để ngọn cây giang lao vào đùi, đứt động mạch.

Khi mọi ngươi tìm đến nơi thì anh đã chết. Ôm xác chồng, Thành vật vã khóc. Cô không hiểu rồi đây cuộc sống của bốn mẹ con sẽ như thế nào khi thiếu vắng bàn tay người chồng.

Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì mấy tháng sau cô con gái lớn của Thành trong lúc đi chợ giúp mẹ bị chó cắn. Con bé thương mẹ, thương hoàn cảnh nhà mình nên cứ im lặng chịu đau đến khi lên cơn dại thì không thể cứu chữa. Có một năm mà Thành phải tiễn đưa hai người thân yêu, hai chỗ dựa của mình khiến Thành tưởng như không thể gắng gượng. Cô phát cuồng lên trong nỗi đau, lúc nào cũng thẫn thờ như người mất hồn.

“Đã có lúc tôi muốn trẫm mình xuống ao. Thậm chí cả khi ra vườn hái rau, tôi còn mong mình bị rắn cắn nhưng rồi tôi vẫn phải sống. vì hai đứa con nhỏ dại”, Thành tâm sự, đôi mắt thẫn thờ.

Cứ tưởng không thể gượng dậy nổi sau hai cú sốc đớn đau nhưng rồi Thành cũng không thể đắm chìm mãi trong đau khổ khi hai đứa con nhỏ, sau nửa tháng tá túc bên bà, bên bác quay về. Nhìn chúng áo quần lếch thếch, trách nhiệm người mẹ trong lòng Thành trỗi dậy và nhận ra rằng mình vẫn còn duyên nợ với đời, còn phải gánh vác. Lại cắm cúi với cám bã lợn gà và vườn ruộng, Thành như quên đi bản thân mình vì con.

Nhiều đêm tỉnh giấc, trong nỗi trống vắng xót xa, Thành lại nghẹn ngào. Khi con đường ra cánh đồng được nâng cấp, mở rộng thì Thành đổi thay cũng nhanh như con đường liên huyện chạy qua mảnh vườn nhà mình.

Cô dựng quán bán nước mía, bán những trái cây trồng được và bán cả sự trống trải trong lòng kể từ khi chồng mất. Nhắc đến chuyện đó, Thành nghẹn ngào: “Tôi đã đi quá xa dự định ban đầu để bây giờ các con tôi chịu bao điều tiếng”.

Lá thư của phạm nhân Nguyễn Thị Thành gửi hai con.

Sai lầm và ân hận

Từ ngày dựng cái lán ven đường bán những cây trái trồng được, cuộc sống của ba mẹ con Thành cũng đỡ cơ cực hơn. Hai đứa trẻ có thêm vài bộ quần áo mới và Thành cũng không còn bó mình trong những bộ quần áo nhàu nhĩ nữa. Cô đã biết chăm chút bản thân, biết mặc những bộ quần áo bắt mắt.

Thành bảo ban đầu nghĩ đến chuyện ăn mặc là tại vì cạnh tranh với những quán hàng khác để hút khách về quán của mình, nhưng rồi cuộc sống cứ đẩy đưa và sự trống vắng của người đàn bà từ lâu thiếu hơi chồng đã khiến Thành buông thả lúc nào không hay.

Biện minh cho việc mình làm, Thành bảo lúc đầu quan hệ vì có cảm tình, cũng muốn có người để bầu bạn, để chia sẻ nhưng khi đã gắn bó rồi thì sự ghen tỵ, ý nghĩ muốn được nhiều hơn thế trong cô trỗi dậy.

Trong dáng vẻ người đàn bà chất phác nhưng trong lòng Thành là những mưu mô, thủ đoạn,…tất cả chỉ nhằm mục đích moi tiền. Cô không từ một thủ đoạn nào, từ việc dựng lên những chuyện như vay nợ, ốm đau, thậm chí là chữa bệnh cho con,…Thành cũng bịa ra một cách hoàn hảo để moi tiền những người đàn ông chung tình với mình.

Những người đàn ông ấy, có người ở cùng xã, có người ở nơi khác đến trong đó có một người từ dưới Nam Định lên. Người này làm nghề buôn bán nông sản, thường đưa hàng lên Lạng Sơn và có lẽ là người chung tình nhất với Thành. Người này, theo lời Thành có vợ con đàng hoàng nhưng vì khát con trai nên khi gặp Thành đã muốn cô sinh con cho mình.

Biết điểm yếu của người đàn ông này và biết ông ta giàu có nên Thành tìm cách moi tiền. Ban đầu Thành chỉ xin tiền mà cô cảm thấy cần thiết nhưng sau khi được đáp ứng thì lòng tham đã biến cô thành kẻ lừa đảo. Thành dựng lên màn kịch bị trọng bệnh phải chữa trị ở nước ngoài để moi tiền của người đàn ông này.

Cô làm như thật khi cũng đóng cửa quán nghỉ vài ngày, rồi gọi điện thoại từ nước ngoài về; mượn người giới thiệu là bác sỹ, thông báo bệnh tình để xin tiền. Khi số tiền đã vượt khả năng có thể chi cho nhân tình, người đàn ông kia tìm cách khất lần thì Thành dọa sẽ làm lớn chuyện mà kết quả chính cô là người gánh hậu quả.

Nhận bản án 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thành về trại giam Thanh Phong cải tạo, đem theo cả vết nhơ khó gột rửa trước miệng lưỡi thế gian. Cô bảo ở trong tù, chuyện của cô cũng chỉ là trong hằng hà sa số những tội lỗi được gom về đây cải tạo, nhưng hai đứa con cô thì chúng quá nhỏ để gánh chịu những lầm lỗi do cô gây ra.

Đêm đêm, trong những giấc ngủ chập chờn, Thành lại nhớ về quê nhà, nơi hai đứa con thơ dại đang ngóng tin mẹ trong sự tủi hờn. Giận Thành gây điều tiếng cho gia đình, bố mẹ, anh chị em cô không một ai lên thăm, có chăng chỉ là ngó ngàng tới bọn trẻ. Ở trong trại, Thành biết điều đó qua thư của con gái gửi vào. Sự đau khổ, dằn vặt của cô thể hiện trong từ lời viết về cho con: “15 năm là quãng thời gian quá dài so với những gì mẹ mong muốn.

Mẹ phải vùi chôn đi những gì đẹp nhất của cuộc đời, lấp đầy vào đó là sự cô đơn , tủi nhục và mất mát. Đau khổ và nước mắt là hành trang cho mẹ đi trên con đường nghiệt ngã này. Phải chăng đó là sự trừng phạt thích đáng cho những tội lỗi mẹ đã gây ra.

Trách người hay trách chính bản thân mình bởi mỗi lần gây lỗi là một lần mẹ tự ghép miếng ván chôn đi tương lai của mình và làm liên lụy tới hai con. Nhiều đêm mẹ tự hỏi đã làm được gì cho các con ngoài vết nhơ ố vàng trong tuổi thơ khờ dại, một sự thiếu thốn hụt hẫng trong tâm hồn và những lời dè bỉu, những ánh mắt hắt hủi, khinh thường của người đời…”.

Thành mới vào trại được 5 năm, vừa được xét giảm án lần đầu nhưng ngày về vẫn còn xa lắm. Hai con của Thành một đứa giờ đã học lớp 11, đứa nhỏ đã học lớp 7 nên đã có thể tự chăm nhau. Nhận thư con gửi vào, động viên mẹ cố gắng cải tạo tốt, không phải lo gì cho chúng mà Thành càng thêm thấm thía.

Cô bảo sẽ cố gắng cải tạo tốt để được giảm án, sớm trở về với các con. Với Thành, ước mơ được đặc xá thật quá xa vời bởi số tiền mà cô lừa lấy của người ta quá lớn so với khả năng. Hỏi đã làm gì với số tiền ấy, Thành cười như mếu: “Tiền không do mình bỏ sức làm ra thì dễ có thì cũng dễ mất thôi mà”.

(Còn nữa)

Nguyễn Vũ - Hạ My

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-9-nguoi-dan-ba-den-cuoi-doi-van-day-dut-107396.html