Kỳ 7: Ngân vang những điệu chèo

VĂN HÓA BA MIỀN HỘI TỤ - Kỳ 6: Ngọt ngào giai điệu quê hương Kỳ 5: Đờn ca tài tử trong đời sống người dân phố biển Kỳ 4: Đam mê nghệ thuật tuồng cổ Kỳ 3: Nuôi dưỡng dòng chảy cải lương Kỳ 2: Giữ lửa đam mê quan họ Kỳ 1: '... Xôn xao câu quan họ'

Nhiều năm qua, CLB Biển Xanh là điểm hẹn của những người yêu bộ môn nghệ thuật hát chèo. Mặc dù không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng các thành viên CLB rất có ý thức gìn giữ và truyền lửa đam mê các điệu chèo cho thế hệ mai sau.

CLB Biển Xanh biểu diễn chèo tại KDL Hồ Mây (TP.Vũng Tàu).

CLB Biển Xanh biểu diễn chèo tại KDL Hồ Mây (TP.Vũng Tàu).

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB Biển Xanh (TP. Vũng Tàu) sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha ông là thầy dạy hát chèo, hát bội. Vì vậy, từ nhỏ, ông đã thuộc nằm lòng nhiều bài ca cổ. Lớn lên, ông đam mê chèo và tự học nhiều bản chèo cổ. Năm 14 tuổi, ông tham gia Đoàn nghệ thuật Bộ đội Trường Sơn và được học thêm nhiều loại nhạc cụ như: gõ, guitar bass, đàn nguyệt… Sau nhiều năm rời quê hương vào Vũng Tàu sinh sống, lập nghiệp, vì nhớ da diết những làn điệu chèo Bắc Bộ, ông đã tập hợp những người cùng chung niềm đam mê, sở thích để hát.

Năm 2015, CLB Biển Xanh được thành lập. CLB có 20 thành viên, đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Mỗi thành viên có sở trường riêng: người hát chèo, người hát xẩm, hát dân ca, hát chầu văn hoặc chơi đàn bầu, tơ-rưng, bộ gõ, sáo trúc…

Ngân nga theo nhịp của 1 tiết mục chèo đang được các thành viên CLB luyện tập, ông Bình cho biết, chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu. Chèo xưa thường được biểu diễn ở sân đình, chùa hoặc sân của những gia đình quyền quý. Sân khấu chèo thường chỉ là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Nhạc cụ thường là đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, trống… Đạo cụ người diễn hay sử dụng là chiếc quạt.

Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, thể hiện đầy đủ những cảm xúc, tình cảm của con người. “Nội dung của các vở chèo đa phần là truyện cổ tích, truyện Nôm mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sĩ tử tốt bụng, hiền lành, chăm học luôn đỗ đạt, làm quan; còn người vợ tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng”, ông Bình cho biết.

Hòa trong dòng chảy văn hóa trên vùng đất mới Bà Rịa-Vũng Tàu, chèo đã được viết lời mới để gần gũi, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân nơi đây. Trong các buổi biểu diễn của CLB Biển Xanh, sân khấu có sức chứa 500 khách tại KDL Hồ Mây, TP. Vũng Tàu vào những ngày cuối tuần luôn chật kín khán giả. Đó là động lực tiếp thêm đam mê và nhiệt huyết cho những nghệ sĩ không chuyên tiếp tục hoàn thiện bản thân và theo đuổi loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống này.

Ngoài biểu diễn ở KDL Hồ Mây, CLB còn biểu diễn trong các buổi liên hoan, họp mặt, đám cưới, triển lãm. Trang phục biểu diễn, nhạc cụ đều do các thành viên của CLB đóng góp và vận động từ nguồn xã hội hóa. Theo ông Bình, cùng với việc thường xuyên tập luyện và biểu diễn, các thành viên CLB còn dạy hát chèo cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, loại hình nghệ thuật chèo được lan tỏa và phát huy trong đời sống tinh thần của người dân phố biển.

Hiện nay CLB Biển Xanh duy trì sinh hoạt vào tối thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. Các thành viên luôn có mặt đầy đủ để cùng chia sẻ tình yêu, niềm đam mê với các loại hình âm nhạc dân tộc. Họ tham gia CLB không chỉ là cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật mà còn để giao lưu, học hỏi, gửi gắm những tâm tư, tình cảm qua những tác phẩm chèo quen thuộc: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Súy Vân giả dại, Kim Nha…

Bài, ảnh: NGỌC TRÚC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/noi-ay-que-nha/202101/van-hoa-ba-mien-hoi-tu-ky-7-ngan-vang-nhung-dieu-cheo-917465/