Kỳ 5: Được chọn lại vẫn làm cảnh sát điều tra tội phạm ma túy!

Khác với sự e dè, ít nói của Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận trong phóng sự trước đã đề cập, anh Đỗ Xuân Hùng, Đội trưởng Đội 6, PC47, Công an tỉnh Lào Cai lại có tính cách sôi nổi, giọng nói rổn rảng, hài hước.

Khi chúng tôi tới gặp anh Hùng, chàng Đội trưởng sinh năm 1980 đang hết sức lúng túng trong việc tìm người đi… đón con hộ. Được biết, lúc đó anh Hùng có nhiệm vụ đón con đi học về nhưng vì tiếp chúng tôi, anh đành nhờ cậy đồng đội. Cuộc phỏng vấn liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại và anh bối rối giải thích rằng, nhà báo thông cảm, mình phải xem con cái như thế nào.

Chúng tôi thì tất nhiên, không thấy điều đó là phiền toái cả, thậm chí còn thấy thú vị về một chiến sỹ “đánh” nhiều vụ án nổi tiếng, từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Chiến công hạng 3 vào năm 35 tuổi như anh… thì vẫn có những nét đời thường như bao nhiêu ông bố, bà mẹ trẻ khác.

Trung sĩ Hùng ra trường khi mới 21 tuổi đã được phân công làm trinh sát tội phạm ma túy với tâm thế tràn đầy sự hồi hộp vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ, giờ đây đã có 17 năm công tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy.

Một trong nhiều vụ ma túy mà PC47, Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ. Nguồn: Công an tỉnh Lào Cai

Mỗi lần lo lắng, anh Hùng chia sẻ, chú Nguyễn Xuân Ngoại, Trưởng phòng Truy nã tội phạm, hay anh Trần Văn Cao, Trưởng phòng PC47, Công an tỉnh Lào Cai, lại thường xuyên động viên: “cứ làm đi, đừng sợ sai, các chú, các anh luôn ở bên cạnh”. Và bằng những hiểu biết pháp luật, bằng những kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, những lời động viên, cố gắng của các thế hệ đàn anh, chàng trung sĩ trẻ đã dần trưởng thành và luôn giữ được lửa với nghề.

Kể về chuyên án mất công, mất sức nhiều nhất, anh Hùng cho biết đó là chuyên án 116L bắt các đối tượng vận chuyển ma túy từ Điện Biên, Thanh Hóa vào Lào Cai, từ tháng 5/2014.

“Năm ấy, đội bắt được 42 bánh, 2 đối tượng người Lào, 2 đối tượng người Điện Biên và 2 ở Lào Cai. Đó là vụ án lớn nhất, mất công sức nhất, anh em trinh sát về vùng Nậm Cắn, Nghệ An khảo sát rồi lên sơ đồ tuyến các đối tượng hoạt động, xây dựng kế hoạch và lên các phương án chủ động đối phó nếu đối tượng có vũ khí nóng”- anh Hùng kể và rất tự hào sau khi chuyên án thành công, không anh em chiến sỹ nào xảy ra vấn đề gì. Sau đó, anh Hùng đã chỉ đạo anh em về Yên Bái bắt giữ thêm đối tượng, mở rộng điều tra, từ đó mở ra một hướng đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới.

Với cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, theo anh Hùng, khi ý chí tấn công tội phạm đặt lên hàng đầu thì dù anh em bận việc này việc kia thì đều phải hướng đến chuyên án đã lập. Thời cơ đến là mình phải làm ngay. “Đợt cao điểm trấn áp tội phạm vừa rồi, thủ trưởng có tới 2,5 tháng không nghỉ ngày nào. Việc anh em chúng tôi ngồi nhiều tiếng liền, liên tục đấu trí, khai thác đối tượng để chứng minh hành vi phạm tội của bọn chúng là chuyện bình thường”- anh Hùng cho biết.

Đội trưởng Đội 6, PC47 Đỗ Xuân Hùng.

Theo kinh nghiệm của người đội trưởng có dày dặn chiến công này, đầu tiên là công tác điều tra nắm vững tình hình thì mới xây dựng được kế hoạch sát với thực tế. Là lãnh đạo, chỉ huy lại càng phải gương mẫu tuyến đầu để chỉ đạo anh em triển khai kế hoạch. “Tới thời điểm này, anh em thực hiện nhiều kế hoạch và chưa để quần chúng, nhân dân phải thất vọng về mình” – anh Hùng chia sẻ.

Trong câu chuyện của mình, anh Hùng nhắc nhiều lần việc người dân đã giúp cho đỡ lực lượng rất nhiều. Anh Hùng nói với chúng tôi: “dân giúp 1 thành 1, giúp 100 thành 100, không dựa vào quần chúng không làm được. Bác Hồ dạy như thế rồi”. Rồi kể lại chuyên án phá đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy từ Sơn La, Điện Biên, Lào Cai vào năm 2014, giữa trời đông rét mướt, bắt đối tượng lúc 2h sáng, anh phải vào làng tìm nhân chứng.

“Mình rất ái ngại vì gõ cửa một gia đình ở đèo Sa Pa và đặt vấn đề. Điều làm mình bất ngờ là, người chồng khi nghe thấy mình trình bày xong không ngờ họ bảo đi luôn, “ở đâu em đến” để làm nhân chứng giúp đỡ anh em mà không nề hà một chút nào. Giữa đêm hôm, mình là người lạ nhưng người dân vẫn sẵn sàng hỗ trợ, đó chỉ là câu chuyện giản dị nhưng là bài học sâu sắc cho mình. Không nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân thì sẽ là cả vấn đề. Và tới thời điểm này, đấu tranh tội phạm ma túy không riêng gì được các lực lượng chức năng ủng hộ mà người dân cũng ủng hộ nhiệt tình” – anh Hùng kể lại.

Anh cũng luôn tâm niệm, mình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng luôn ghi nhớ một điều: nếu không tính toán cẩn thận, mình sẽ phải trả giá bằng mô hôi nước mắt của anh em.

“Cuộc chiến này không phải ngày một ngày hai là xong, nếu không có sự ủng hộ của Ban Giám đốc, các phòng ban và người dân thì một mình lực lượng cảnh sát khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Đối tượng ma túy là tội phạm phức tạp nhất, lại là địa bàn vùng biên, bản thân sinh ra và lớn lên ở đây, hiểu địa bàn, hiểu tình hình rồi, bên cạnh cũng luôn có đồng chí, đồng đội, có lãnh đạo, chỉ huy, anh em không có lý gì mà không làm được”- anh Hùng chia sẻ.

Tiễn chúng tôi ra về khi trời xâm xẩm tối, mưa lâm thâm, cái rét thì cắt da, cắt thịt, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên sự thân thiện, dễ mến và sáng, anh Hùng nói chắc nịch: “được chọn lại, mình vẫn chọn làm cảnh sát điều tra tội phạm ma túy!”./.

Kỳ 6: Vị tư lệnh trên từng điểm nóng

Nhóm PV

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/ky-5-duoc-chon-lai-van-lam-canh-sat-dieu-tra-toi-pham-ma-tuy-265529.html