Kỳ 4 - 'Lửa nghề' nguội lạnh do đâu (?)

Cứ mỗi dịp đến đầu năm học, nhất là sau khai giảng, dư luận xã hội lại sôi động lên với biết bao vấn đề liên quan đến thầy cô, trường lớp. Chuyện tốt thì ít nghe nhưng những vấn đề yếu kém, tiêu cực, tồn tại thì đầy rẫy. Nào thiếu trường lớp, tăng dân số cơ học, lạm thu, thành tích giả tạo, rồi 'chạy lớp', 'chạy trường'.

Những người đau đáu với sự nghiệp trồng người còn đắng lòng khi chứng kiến cũng trong năm 2017, một giáo viên nhà trường còn bị truy tố vì tội lạm thu. Một câu hỏi đặt ra, vậy nhiều ngành, nhiều cấp đã nỗ lực rất nhiều sao vẫn chưa thể xoay chuyển được sự trì trệ của ngành Giáo dục(?).

Gồng mình với hồ sơ, sổ sách

Tại một hội thảo về nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bất kì thời đại nào thì yếu tố quan trọng nhất quyết định nhất đến chất lượng giáo dục vẫn là người thầy. Nhưng nghề giáo với những khó khăn kinh niên trong những năm gần đây đã làm giảm đi tinh thần dốc sức dốc lòng cho học trò.

Thực trạng điều kiện làm việc của người thầy, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, trang thiết bị còn thiếu thốn, phương tiện di chuyển còn khoảng cách quá xa so với đô thị. Có nơi giáo viên nhiều đêm không ngủ vì buồn phiền, nhà ở heo hút vùng núi, thời tiết khắc nghiệt, dân trí thấp khiến họ phải lặn lội đưa từng đứa trẻ đến lớp, kèm theo những lo toan trong cuộc sống... đã tác động không nhỏ đến tâm thế, tinh thần làm việc của nhà giáo. Trong khi áp lực của việc thay đổi chương trình liên tục đè nặng thêm lên đôi vai người thầy.

UBND tỉnh Sóc Trăng khen thưởng các nhà giáo có thành tích giảng dạy xuất sắc.

Trao đổi với PV Báo CAND về nghề giáo trong môi trường hiện đại, nhiều giáo viên cho biết, riêng việc soạn hàng vài chục các loại: giáo án, hồ sơ, sổ sách, bồi dưỡng chuyên môn, thi đua hàng tuần, hàng tháng cũng khiến họ mệt mỏi, giảm sút tinh thần. Dịp hè, hầu hết giáo viên phải dành thời gian soạn giáo án cho năm học mới. Chưa kể, đó là, tất cả các hồ sơ, sổ sách, giáo án nhà giáo phải tự bỏ tiền túi ra mua chứ hoàn toàn không có nguồn kinh phí hay ngân sách hỗ trợ. Ngay cả việc giảng dạy bằng giáo án điện tử thì nhà giáo cũng phải tự mua máy tính xách tay với số tiền ít nhất bằng 2-3 tháng lương của mình. Bên cạnh đó, thời gian cho hội họp cũng khiến nhà giáo căng thẳng. Mỗi tuần họp tổ chuyên môn một lần, dự giờ thao giảng, hội giảng...

Cô Huỳnh Thị Hồng Gấm, giáo viên trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) phân trần: “Áp lực đối với nghề giáo là rất lớn. Tôi và nhiều đồng nghiệp hầu như không có thời gian để chăm sóc cho mình vì quá nhiều công việc của nhà trường, của ngành. Ngủ thì thôi chứ mở mắt ra là cả núi công việc đang chờ”.

Theo giáo viên này, việc chấm bài kiểm tra cho học sinh cũng khiến nhà giáo hết sức vất vả. “Trước đây, nhà giáo được qui định chấm bài theo bộ môn, từ 90 – 135 bài tùy theo môn, vượt số bài qui định đó là được trả tiền làm thêm giờ. Nhưng nhiều năm nay bị bãi bỏ. Việc ra đề kiểm tra cũng chiếm nhiều thời gian bởi phải nghiên cứu, phải áp dụng đề theo phương pháp mới, phải ra đề phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Ban ngày phải dạy trên lớp, buổi tối về nhà chấm bài cho đến khuya để còn kịp trả bài cho HS. Thế nhưng chế độ chấm bài cũng đã bị bãi bỏ”, cô Gấm cho biết thêm.

Theo qui định của Bộ GD&ĐT, nhà giáo bậc THPT phải dạy ít nhất là 17 tiết/tuần. Nếu dạy không đủ tiết, nhiều nơi buộc nhà giáo phải làm thêm việc khác như: trực văn phòng, làm sổ sách… với mức 1 tiết dạy qui đổi bằng 3 giờ làm việc hành chính. Như vậy, mỗi tuần nhà giáo dạy 17 tiết, tính ra bằng 51 giờ/tuần. Trong khi đó, người lao động ở các cơ quan nhà nước khác chỉ làm việc 40 giờ/tuần, được nghỉ 2 ngày cuối tuần.

Phải thích ứng

Trao đổi với PV Báo CAND xung quanh câu hỏi trước sự tác động của môi trường ngày nay, đặc biệt là có sự giao thoa giữa cái xấu, cái tốt lẫn lộn, để giữ được “tiếng thơm” của nghề giáo, hoạt động nghề nghiệp của ngành sư phạm sẽ phải ứng xử ra sao?, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, thời nào cũng vậy, cả trong thời hiện đại, nhà giáo với người dân Việt Nam không bao giờ để mất vị thế trong sáng của người thầy. Những áp lực cuộc sống hay cơ chế thị trường đều có tác động đến tất cả các tầng lớp trong xã hội. Không loại trừ người làm nghề thầy”.

Song, TS Trần Đình Lý cho rằng, trong hoàn cảnh, những lúc "sóng gió" nhất thì người thầy cũng sẽ là người có cách ứng phó tốt nhất. Nhưng, trong “cơn bão táp” ấy, cũng có người không thể vượt qua, vì ranh giới giữa “được” và “mất” có khi rất mong manh.

Cũng theo TS Trần Đình Lý, dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ thừa tới trên 70.000 cử nhân sư phạm. Do vậy ngay từ bây giờ đòi hỏi cần rà soát lại cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực không chỉ cho sư phạm mà còn các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Đồng thời, tạo thành “thế” cung cao cầu thấp. Nếu thực sự dư thừa thì cần nhanh chóng giảm cung. Khi đó, người thầy sẽ thực sự là người thầy có năng lực do được lựa chọn.

Trong một trích dẫn nhằm đánh giá, nhìn nhận về nghề giáo, Bác Hồ từng nói: “Đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá cũng không bằng”. Điều này cũng đã nói lên sứ mệnh gánh vác của người làm nghề rất to lớn. Tuy nhiên, năm 2017 lại ghi nhận có quá nhiều dấu ấn cho thấy, vị thế của người thầy đang bị mai một, mất mát khi mà chuyện lạm thu xảy ra ở nơi này, nơi kia.

Theo TS Lý, đó là những câu chuyện đau lòng, ngoài ý muốn của những người làm giáo dục và chiếm tỉ lệ rất tối thiểu. Phải khẳng định rằng, đa số người thầy đã giữ được vị thế và sự trong sáng. Chỉ có điều, các nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý, để người thầy “giữ được” hay không vị thế trong sáng ấy còn một phần rất lớn phụ thuộc vào môi trường họ đang sống, làm việc và cống hiến, sự đãi ngộ. Những ngày này là ngày của thầy cô, rất ý nghĩa, thiêng liêng. Để “tránh tiếng không hay”, nhiều thầy cô đã né tất cả, cả những sự chân tình của học trò, phụ huynh với tất cả sự chân thành của mình, dù chỉ là một bữa cơm thân mật mang ý nghĩa tri ân.

Theo TS Lý, ngay cả bạn của ông làm nghề giáo, có khá nhiều thầy cô phải đi làm thêm các công việc, kể cả lao động phổ thông. Có thầy cô thì công khai tự nhiên, nhưng cũng có những người cố tình giấu biệt vì họ đang “cố giữ” cái gọi là vị thế, uy tín người thầy.

"Nếu ai đó nói rằng, thầy cô cũng là con người nên có thể làm bất cứ công việc gì, chẳng có gì phải ngại thì tôi cho rằng họ nói chưa thật lòng. Người thầy ngày nay và ngày xưa cũng là những người thầy với tố chất, bản tính như thế. Họ rất ngại khi người khác biết họ phải bươn chải như vậy. Dịp 20-11, tôi vừa là học trò của nhiều thế hệ thầy cô và vừa là thầy của một số thế hệ học trò, mong muốn làm sao tất cả những người thầy luôn giữ được vị trí, cao hơn là vị thế, đặc biệt là sự trong sáng bền vững của nghề giáo", TS Trần Đình Lý chia sẻ.

Nhóm PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/lua-nghe-nguoi-lanh-do-dau-ky-4-466961/