Kỳ 4: Không còn là giấc mơ viễn tưởng

Giờ đây những thành phố thông minh (smart cities) không còn là giấc mơ viễn tưởng. Nhờ các giải pháp sáng tạo ứng dụng từ Internet Vạn vật (IoT), mô hình này ngày càng được mở rộng, trở thành một đòi hỏi và tầm nhìn của các chính quyền khi muốn hiện đại hóa công việc quản trị hoạt động của một đô thị.

Công nghệ thông tin là nền tảng chủ đạo

Trang thalesgroup.com chỉ ra một thành phố thông tin phải dựa trên nền tảng chủ đạo là Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) để phát triển, triển khai và thúc đẩy các dự án thực tiễn theo hướng phát triển bền vững nhằm giải quyết các thách thức đến từ làn sóng ngày càng tăng của đô thị hóa.

Trong đó nền tảng CNTT-TT thực chất là một mạng lưới thông minh gồm các đối tượng và máy móc được kết nối để truyền dữ liệu với nhau bằng công nghệ không dây và đám mây. Các ứng dụng IoT dựa trên đám mây nhận, phân tích và quản lý dữ liệu theo thời gian thực để giúp các thành phố, doanh nghiệp và công dân đưa ra quyết định tốt hơn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mô hình quản lý đô thị thông minh theo thời gian thực dựa trên các cảm biến quan trắc và kết nối không dây. Ảnh: visualcapitalist.com

Mô hình quản lý đô thị thông minh theo thời gian thực dựa trên các cảm biến quan trắc và kết nối không dây. Ảnh: visualcapitalist.com

Công dân tham gia vào hệ sinh thái này bằng nhiều cách khác nhau thông qua việc sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị di động, cũng như ô tô và nhà ở cũng được kết nối vào mạng lưới chung. Ghép nối các thiết bị và dữ liệu với cơ sở hạ tầng và dịch vụ vật lý của thành phố để có thể cắt giảm chi phí và cải thiện tính bền vững trong hoạt động quản trị đô thị. Nhờ mạng lưới này, cộng đồng của một đô thị có thể cải thiện hoạt động phân phối năng lượng, giảm ùn tắc giao thông và thậm chí là cải thiện chất lượng không khí nhờ sự trợ giúp từ IoT.

Một số ứng dụng từ IoT áp dụng vào một thành phố thông minh có thể kể đến như: Đèn giao thông được kết nối vào hệ thống, nhận dữ liệu từ các cảm biến và ô tô để điều chỉnh nhịp độ và thời gian phát sáng, đáp ứng với tình hình giao thông tại một địa điểm trong thời gian thực. Những chiếc xe được kết nối vào hệ thống giúp chúng có thể “giao tiếp” với các trạm đỗ xe và bến xe điện (EV) nằm rải rác trong thành phố, hướng dẫn lái xe trực tiếp đến điểm đỗ gần nhất có sẵn trên hành trình.

Thùng rác thông minh tự động gửi dữ liệu đến các công ty quản lý chất thải và lên lịch nhận khi cần thiết để công ty cử người đến lấy rác so với lịch trình được lên kế hoạch trước. Và điện thoại thông minh của công dân trở thành giấy phép lái xe và thẻ căn cước (ID), trên đó chứa thông tin kỹ thuật số của người lái giúp tăng tốc và đơn giản hóa việc truy cập vào các dịch vụ của chính quyền.

Đô thị thông minh phát triển theo đà tiến của đô thị hóa - Ảnh: https://liquid-state.com

Đòi hỏi cấp thiết

Vì sao chúng ta cần phát triển các thành phố thông minh? Bài viết chỉ ra đòi hỏi nảy sinh từ thách thức của làn sóng đô thị hóa, đang trở thành một hiện tượng không hồi kết. Ngày nay, 54% người dân trên toàn cầu sống ở các thành phố, dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng đến 66% vào năm 2050. Kết hợp với sự tăng trưởng dân số nói chung, đô thị hóa sẽ làm tăng thêm 2,5 tỷ người nữa phân bố vào các thành phố trong vòng ba thập kỷ tới. Sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế là đòi hỏi bắt buộc để bắt kịp với sự mở rộng nhanh chóng này.

193 quốc gia đã đạt đồng thuận về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), vào tháng 9-2015 tại Liên Hiệp Quốc. So với cấp quốc gia, người dân và chính quyền các địa phương trước nay luôn nhanh nhẹn hơn trong việc đưa ra các sáng kiến, trong đó công nghệ tạo thành các thành phố thông minh là nền tảng tối quan trọng để đáp ứng thành công các mục tiêu này.

Ngoài yếu tố con người, nhà ở, thương mại và cơ sở hạ tầng đô thị truyền thống, còn có 4 yếu tố tạo nên thành công của một đô thị thông minh gồm: Sự phổ biến của kết nối không dây, Dữ liệu mở, Hệ thống bảo mật tốt giúp người dân có thể tin tưởng (Ví dụ hệ thống bảo mật của ngân hàng tốt giúp việc rút tiền ở máy ATM không bị lộ thông tin cá nhân của khách hàng), Mạng lưới tiền tệ hóa linh hoạt.

Trang thalesgroup.com lấy thủ đô Amsterdam (Hà Lan) làm một điển hình sinh động cho mô hình thành phố thông minh. Từ năm 2009, hơn 170 dự án thành phần nằm trong đề án xây dựng thành phố thông minh đã được chính quyền nơi đây thực hiện như: Chia sẻ dữ liệu giao thông và vận chuyển cho các bên quan tâm, chẳng hạn như cho các nhà phát triển, những người sau đó đã tạo các ứng dụng bản đồ kết nối với hệ thống giao thông thành phố.

Khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: ramboll.com

Là vùng đất thấp, Amsterdam xúc tiến dự án các nhà nổi, giải quyết vấn đề quá tải trong hoạt động tiêu thụ năng lượng bằng cách sản xuất điện ở từng đơn vị cộng đồng. Ngoài ra nhà ở được thiết kế để nhận nước trực tiếp từ sông và lọc nó trong các bể nước riêng của từng nhà để từng hộ gia đình được cung cấp nước sạch.

Còn với thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), chính quyền đang tận dụng dữ liệu mở với sự hợp tác của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để phát triển một hệ thống xe đạp thông minh sáng tạo. Hệ thống này được nhúng vào các cảm biến cung cấp thông tin theo thời gian thực cho cả người lái và quản trị viên, ngoài ra dữ liệu mở còn được chia sẻ để giám sát và quản lý chất lượng không khí và tắc nghẽn giao thông trong thành phố.

Tuy nhiên với tính chất mở của dữ liệu buộc tất cả các hoạt động, dịch vụ được kết nối, quy về hệ thống quản lý dựa trên nền tảng công nghệ - thông tin thì đòi hỏi thông tin cá nhân phải được bảo mật chặt chẽ là một yêu cầu chính đáng của cộng đồng. Theo đó, hệ thống camera được kết nối, hệ thống đường thông minh và hệ thống giám sát an toàn công cộng phải được kiện toàn để có thể cung cấp thêm một lớp bảo vệ và hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khi cần thiết.

Ngoài ra các chính quyền phải có các giải pháp để chống lại các hoạt động tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu đi kèm các biện pháp quản lý thông tin căn cước (ID) chặt chẽ và duy trì một hệ thống xác thực mạnh (mật khẩu, vân tay, quét mống mắt v..v) để thông tin người dân được bảo mật tốt khi tham gia các dịch vụ trong hệ sinh thái.

Thành phố thông minh chỉ có thể hoạt động nếu chúng ta có thể tin tưởng chúng.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/ky-4-khong-con-la-giac-mo-vien-tuong_95104.html