Kỳ 4: Đơn giản thủ tục hiếu, hỉ

Ngoài việc thực hiện các bộ Quy tắc ứng xử để Hà Nội thực sự văn minh - thanh lịch Thành phố cũng đã triển khai vận động văn minh trong cưới xin, ma chay. Với phương châm 'Hà Nội đi trước về trước trong các phong trào' có lẽ đã đến lúc Thành phố cần tiên phong trong lĩnh vực văn minh hóa cưới xin…

Đám cưới, đám hiếu vẫn chưa văn minh

Cưới hỏi là phong tục cổ truyền lâu đời nhất của người Việt cũng mang tính tương đối ở những vùng miền và giai đoạn lịch sử khác nhau. Hôn nhân của người Hà Nội trước hòa bình 1954 vẫn theo lối cũ gồm có rườm rà sáu lễ tất cả. Nạp thái, Vấn danh, Nạp cát, Nạp tệ, Thỉnh kì, Thân nghinh. Sau hòa bình, người Hà Nội thực hiện nếp sống mới do chính quyền cách mạng vận động.

Việc cưới hỏi trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thị dân cũ chỉ còn duy trì ba lễ. Dạm ngõ (Nạp thái), Ăn hỏi (Vấn danh), Thành hôn (Thân nghinh). Có thể nói, nếp sống hôn nhân này lần đầu tiên đề cao giá trị tình cảm giữa hai người nam nữ hơn là sự nhiêu khê của thủ tục cưới hỏi.

Đám cưới Hà Nội cho đến thập kỷ 70 thế kỷ trước vẫn chủ yếu tổ chức tại nhà. Cả thành phố chỉ có vài ba phòng cưới cho thuê. Phòng cưới Hòa Bình ở đầu phố Bà Triệu, phòng cưới Trăm Hoa ở dốc Bà Triệu, phòng cưới Thủ Đô ở gần ga Hàng Cỏ… Những phòng cưới này quanh năm chỉ có mùa cưới vào tháng mười âm lịch cho đến trước tết Nguyên đán là có khách. Đó là những phòng cưới tiệc ngọt trong một căn phòng rộng chưa đến trăm mét vuông. Bàn ghế hai hàng dọc bày bánh kẹo thuốc lá nước chè. Bước sang thập kỷ 80, đám cưới ở thành phố càng giản tiện hơn nữa bởi lúc này chế độ bao cấp đã lên đến đỉnh điểm khó khăn.

Một đám cưới tập thể tôn vinh nét đẹp người Hà Nội. Ảnh: CTV

Một đám cưới tập thể tôn vinh nét đẹp người Hà Nội. Ảnh: CTV

Nay thời buổi văn minh, nhưng đám cưới cũng trở nên nặng gánh không chỉ với người tổ chức cưới mà còn với người đi cưới. Đơn cử, với mức lương và thu nhập 7- 9 triệu đồng/tháng, mà một tháng đi 4 tiệc cưới cũng mất 2- 4 triệu đồng (đi cưới hiện tại ở Hà Nội không thân cũng phải đóng phong bì 500 nghìn đồng, thân thì phải 1 triệu đồng trở lên). Bởi thế, mùa cưới thành nỗi kinh hoàng với rất nhiều người. Và điệu kỳ lạ, hơn 1 thập kỷ qua, mỗi khi cưới, xin, ma chay đã trở thanh xu thế phong bì hóa. Đi đám cưới “nhét” phong bì; đi đám hiếu cũng phúng phong bì. Nhiều người Tây mới đến hoặc đã sống ở Hà Nội, Việt Nam lâu không khõi ngỡ ngàng về hủ tục cần phải loại bỏ này.

Nói không với văn hóa phong bì

Cách đây gần 6 năm, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU về "Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội", sau nhiều năm thực hiện đã thực sự đi vào cuộc sống với ngày càng nhiều mô hình cưới trang trọng, tiết kiệm được tổ chức.

Cưới văn minh là một trong nhiều nội dung nằm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được thành phố tổ chức triển khai từ năm 1990, với nhiều nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp đặc thù từng giai đoạn phát triển của Thủ đô. 6 năm trở lại đây, cùng với Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Chỉ thị 11 đã kịp thời ra đời, tiếp tục đáp ứng yêu cầu lan tỏa nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố.

Mặc dù việc văn minh hóa cưới xin đã bắt đầu được thực thi, tuy nhiên nhìn chung chuyển biến vẫn chập. Đám cưới, đám xin vẫn rất rình rang, tốn kém, khổ cho cả người tổ chức, khổ cho cả người đi. Để đám cưới không trở thành gánh nặng, không phải là nơi phô trương văn hóa phong bì đã đến lúc Thành phố cần tiên phong trong lĩnh vực hiếu hỉ giản đơn.

Trước mắt phải tiếp tục có chế tài quy định việc cưới xin, hiếu hỉ cho tất cả cán bộ, đảng viên, CNVLĐ sau đó tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân tự ý thức trong việc cưới xin, hiếu hỷ thực sự văn minh. Nói không với văn hóa phong bì.

Kết quả thấy rõ nhất là những chuyển biến mạnh mẽ từ đô thị đến nông thôn, với hơn 90% đám cưới trên địa bàn thực hiện theo nếp sống văn minh. Hàng loạt mô hình cưới giản dị, tiết kiệm được áp dụng, duy trì tốt trong nhiều năm, như: Mô hình cưới 40-50 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người); cưới tổ chức “Tiệc ngọt, tiệc trà”… (Hà Đông); “Đám cưới điểm” (Đan Phượng)... Không chỉ mang lại hình ảnh đẹp, những mô hình cưới văn minh ở địa phương còn tạo nên “lợi ích kép”. Đơn cử như mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới” do các Chi hội Phụ nữ huyện Mê Linh tổ chức đã giúp cho mỗi đám cưới tiết kiệm từ 30 đến 40 triệu đồng. Số tiền này được các gia đình gửi vào quỹ hội, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế…

Song song với tuyên truyền, nhiều địa phương còn có những cách làm sáng tạo để đưa Chỉ thị 11 vào cuộc sống. Điều đáng nói, tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong thực hiện cưới văn minh tiếp tục được lan rộng từ vùng đô thị đến nông thôn, miền núi, thực sự tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tổ chức cưới, đẩy lùi những hủ tục nặng nề do sợ “ma chê cưới trách” hay “trả nợ miệng”… như trước đây. Và ngày 30/3/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 1349/UBND-KGVX tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, UBND TP đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức Chính trị - Xã hội Thành phố và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 03/10/2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 06/11/2012 của UBND TP về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND TP về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản chỉ đạo của Trung ương với các hình thức phù hợp, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

Tiếp tục triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, gắn với việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”.

Theo ông Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, từ năm 2012 đến nay cưới năm 2017, toàn huyện có 7.505 đám cưới thì có 4.045 đám cưới tổ chức theo nếp sống văn minh, đạt 53,90%. Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, bỏ thủ tục rườm rà đã giảm hẳn, tiêu biểu trên địa bàn huyện Đan Phượng, quận Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai, Hoài Đức, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Tây Hồ, Ba Vì, Thạch Thất, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Sóc Sơn… Ngày 17/3/2013, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức đám cưới tập thể tại quận Hoàng Mai kết hợp cả yếu tố truyền thống và hiện đại. Tại đám cưới này, đại diện lãnh đạo địa phương cùng người thân của cô dâu, chú rể đã đến chung vui trong không khí vui tươi và tiết kiệm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “Chi hội Phụ nữ văn minh” trong việc cưới, việc tang. Mô hình được các cấp Hội triển khai sâu rộng, đồng bộ, với nội dung, tiêu chí, giải pháp, biện pháp cụ thể. Tính đến 30/11/2017, toàn thành phố có 2.791 Chi hội Phụ nữ văn minh, tuyên truyền 11.324 đám cưới, 11.164 đám tang văn minh (trong đó có 8.473 đám hỏa táng) của gia đình cán bộ hội viên thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Văn minh trong tổ chức việc cưới không chỉ khiến ngày khởi đầu cuộc sống lứa đôi thêm vẹn tròn hạnh phúc, tâm lý “trả nợ miệng” được xóa bỏ, mà còn đẩy lùi nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội phát sinh, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Hơn thế, đây còn là một trong nhiều nội dung góp phần bồi đắp văn hóa Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

B.Thoa- H.Phạm

Kỳ cuối: Để Thành phố thực sự văn minh- thanh lịch

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-4-don-gian-thu-tuc-hieu-hi-78418.html