Kỳ 4: Bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới

Dưới góc độ thực tiễn, việc áp dụng pháp luật hình sự nói chung và Bộ Luật Hình sự (BLHS) nói riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia của các cơ quan và người có thẩm quyền để xử lý các vụ án hình sự thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội: So với BLHS trước đây, BLHS hiện tại có những điểm mới quan trọng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới.

Thứ nhất, về vị trí: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong BLHS năm 1999 được quy định tại Chương XI, từ Điều 78 đến Điều 92, Phần các tội phạm của BLHS. Trong BLHS sự năm 2015, các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII, từ Điều 108 đến Điều 122, Phần các tội phạm của BLHS. Như vậy, sự thay đổi quan trọng về vị trí của các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong BLHS là chuyển từ quy định tại Chương XI trong BLHS năm 1999 thành hẳn một chương mới - Chương XIII trong BLHS năm 2015.

Thứ hai, về số lượng: BLHS năm 2015 có 14 điều quy định về 14 tội và 01 điều quy định về hình phạt bổ sung. So với BLHS năm 1999, số lượng điều luật vẫn giữ nguyên nhưng thực chất BLHS sự năm 2015 đã bỏ tội hoạt động phỉ (Điều 83 BLHS năm 1999) đồng thời bổ sung thêm tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120 BLHS năm 2015).

Tuy nhiên, theo luật sư Ngọc Anh, cần hiểu rằng, BLHS sự năm 2015 không phi tội phạm hóa đối với hành vi hoạt động phỉ mà hành vi phạm tội này đã được quy định trong cấu thành của một số tội phạm cụ thể, ví dụ như: tội bạo loạn (Điều 112), tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)... Theo Điều 112 BLHS năm 2015 thì người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu, thành phố, đồng bằng, rừng núi, hải đảo... đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội bạo loạn và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bạo loạn nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.

Theo Điều 113 BLHS năm 2015, hành vi xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở bất cứ đâu đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và người thực hiện hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm này.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Về tên tội (tội danh): BLHS năm 2015 cơ bản vẫn giữ tên của các tội xâm phạm an ninh quốc gia như quy định của BLHS năm 1999; có ba sự thay đổi về tên tội trong 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định trong BLHS năm 2015:

- Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 88 BLHS năm 1999), thành “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 117 BLHS năm 2015).

- Tội chống phá trại giam (Điều 90 BLHS năm 1999), thành “tội chống phá cơ sở giam giữ” (Điều 119 BLHS năm 2015).

- Bổ sung thêm 01 tội danh mới: “tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 120 BLHS năm 2015).

Về nội dung, so với quy định trong BLHS năm 1999, nội dung quy định về các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong BLHS năm 2015 có một số điểm mới sau:

- Trong tội phản bội Tổ quốc (Điều 108 BLHS năm 2015), sửa đổi, bổ sung về quan hệ xã hội bị xâm phạm. BLHS năm 2015 dùng từ “tiềm lực quốc phòng, an ninh” thay cho từ “lực lượng quốc phòng” như trong Điều 78 BLHS năm 1999. Việc sửa đổi, bổ sung này vì: Bảo vệ Tổ quốc tức là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, bên cạnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hành vi xâm phạm đến tiềm lực an ninh cũng ảnh hưởng đến sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, xâm phạm đến Tổ quốc.

Thu Trang (còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-4-bao-dam-an-ninh-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-75975.html