Kỳ 4: Ấn tượng đặc biệt với Việt Nam (Tiếp theo và hết)

Những ngày công tác ở Nam Sudan, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm và ấn tượng đặc biệt mà người dân quốc gia này cũng như bạn bè quốc tế dành cho sĩ quan GGHB LHQ của Việt Nam. Càng bất ngờ hơn khi tình cảm ấy được khởi nguồn từ những hành động hết sức dung dị, đời thường mà một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đã và đang thể hiện ở đất nước châu Phi xa xôi này.

Cán bộ, nhân viên BVDCC2.1 đón khách quốc tế đến tham quan đơn vị. Ảnh: THÀNH CÔNG.

Cán bộ, nhân viên BVDCC2.1 đón khách quốc tế đến tham quan đơn vị. Ảnh: THÀNH CÔNG.

Vì bạn là người Việt Nam!

Rất nhiều người dân địa phương hay những binh sĩ GGHB LHQ mà tôi gặp trong thời gian tác nghiệp tại Nam Sudan, khi biết tôi đến từ Việt Nam, họ đều mở đầu câu chuyện bằng lời nhận xét ngắn gọn: Good, good!

- Vì sao lại tốt?-Có lần tôi hỏi một nhân viên an ninh người Nam Sudan ở Sân bay quốc tế Juba như vậy.

- Vì anh là người Việt Nam.

Hôm khác, trong căn cứ Bentiu, tôi gặp người đàn ông ngoại quốc mặc chiếc áo phông màu xanh da trời với dòng chữ tiếng Anh trên áo, dịch là: Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Biết tôi thắc mắc, anh này tự giới thiệu với vẻ mặt hết sức nghiêm túc: “Tôi là người Việt Nam. Gia đình tôi sống ở TP Hồ Chí Minh, nhưng tôi làm việc ở Hà Nội”.

Đó thực ra chỉ là câu nói đùa của Vitor, nhân viên LHQ người Brazil đang làm việc trong căn cứ Bentiu. Vitor tự nhận mình là người bạn thân của các y sĩ, bác sĩ Việt Nam tại Bentiu. Chiếc áo mà anh mặc hôm đó cũng là do một bác sĩ trong bệnh viện dã chiến của Việt Nam tặng.

Đem kể lại những gì đã chứng kiến với các bác sĩ, y sĩ trong BVDCC2.1, mới biết rằng không chỉ riêng tôi từng được chào đón theo cách như thế. Dường như, trong tiềm thức của người dân sở tại, Việt Nam đồng nghĩa với những điều tốt đẹp, dù đa số họ thậm chí chưa biết Việt Nam nằm ở châu Âu hay châu Á. Còn với các đồng nghiệp ở Phái bộ Nam Sudan, các sĩ quan GGHB của Việt Nam gắn liền với hình ảnh người bạn mới đến, song lại thực sự gần gũi, thân thiết.

Điều gì giúp tạo nên ấn tượng tốt đẹp đó khi Việt Nam mới cử các sĩ quan và BVDCC2 tham gia lực lượng GGHB LHQ ở Nam Sudan với thời gian chưa phải là dài? Đáp lại băn khoăn đó của tôi, Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDCC2.1 chia sẻ: "Ở một vùng đất xa xôi và mới mẻ như Nam Sudan, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là ưu tiên, nhưng tiếp xúc, giao lưu để xây dựng hình ảnh đất nước, quân đội và để hỗ trợ công việc hằng ngày cũng quan trọng không kém. Sự chân thành, nhiệt tình của các sĩ quan GGHB Việt Nam là yếu tố không thể thiếu khiến người dân sở tại cũng như bạn bè các nước nhìn Việt Nam với con mắt đầy thiện cảm".

Tôi cũng thực sự tâm đắc với câu chuyện mà Trung tá Phạm Quang Thiều, Phó giám đốc BVDCC2.1 kể lại trước khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Việt Nam: Đó là khoảng giữa tháng 6-2019, trời nắng như thiêu như đốt, cả căn cứ Bentiu khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Anh em trong BVDCC2.1 ngày nào cũng túc trực tới 2-3 giờ sáng chờ lấy nước từ xe bồn của LHQ mà vẫn phải tằn tiện từng giọt. Đơn vị công binh của Ấn Độ sát bên cạnh còn vất vả hơn vì quân số đông, lại vừa qua đợt đổi quân, toàn lính mới, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Biết vậy, BVDCC2.1 của Việt Nam mỗi ngày chia sẻ cho bạn 10 khối nước, rồi phông bạt, bàn ghế, máy chiếu… bạn cần gì cũng sẵn sàng giúp đỡ. Đáp lại, sau này bệnh viện tổ chức làm đường, san sân, các anh công binh Ấn Độ hồ hởi kéo máy móc, thiết bị sang hỗ trợ như việc của chính đơn vị mình.

Có đến BVDCC2 của Việt Nam tại Bentiu mới thấy, quả thực ở nơi này, chẳng phải lúc nào mọi thứ cũng đều xuôi chèo mát mái. Khó khăn đôi khi không đến từ công tác chuyên môn khám, chữa bệnh mà lại nảy sinh từ những việc rất đời thường như máy phát điện hỏng, điều hòa đến kỳ bảo dưỡng, thiếu nước sạch sinh hoạt hằng ngày... Khi ấy, nếu có quan hệ tốt với những đơn vị đóng quân xung quanh, chỉ cần một cuộc điện thoại là mọi thứ lại đâu vào đấy. Thực tế cũng cho thấy, thành công trước hết có được là nhờ tinh thần tự lực và đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của đội ngũ những người thầy thuốc Quân đội nhân dân Việt Nam, song cũng không thể không nhắc tới sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cùng chung phái bộ.

Khi anh nuôi cũng làm đối ngoại

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể quên những chia sẻ của bà Hiroko Hirahara, Trưởng căn cứ Bentiu thuộc Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan khi tôi gặp bà trên một chuyến bay từ thủ đô Juba đến Bentiu. Hiroko Hirahara nói rằng, bà đặc biệt ấn tượng với ẩm thực Việt Nam và BVDCC2.1 cũng là nơi duy nhất tại Nam Sudan bà có thể thưởng thức những món ăn đặc sắc của Việt Nam.

Cái ấn tượng đặc biệt mà Trưởng căn cứ Bentiu nhắc đến dĩ nhiên phải có nguồn gốc hẳn hoi. Chuyện là thế này, ở BVDCC2 của Việt Nam, thường thì sau mỗi buổi làm việc, kiểm tra hay các dịp lễ, tết đều kết thúc bằng những bữa cơm mời khách quốc tế trong và ngoài phái bộ. Thời gian đầu bệnh viện mới đi vào hoạt động, thực đơn đãi khách gồm những món đậm chất Việt Nam, như: Phở, chả giò, nộm… Sau này, đội ngũ hậu cần của bệnh viện linh động và biến tấu hơn, kết hợp thực đơn có cả vị Tây, vị ta. Thử vài lần, thành ra các vị khách nước ngoài đa số đều nghiện đồ ăn Việt Nam. Tôi còn nhớ hôm đang trò chuyện trong khuôn viên của bệnh viện thì một bác sĩ nhận được điện thoại của ông Mick James, Trưởng văn phòng hỗ trợ thực địa của căn cứ Bentiu. Tưởng chuyện cấp bách gì, hóa ra ông này gọi tới chỉ vì nhớ cơm Việt Nam và ngỏ ý muốn đến dùng bữa tối cùng các bác sĩ của bệnh viện. Ai cũng rõ Mick James là nhân vật quan trọng thế nào, vì ông phụ trách mảng bảo đảm hậu cần và cơ sở vật chất, từ nhà cửa, xăng xe, máy móc đến điện, nước, thực phẩm… cho cả căn cứ Bentiu. Với BVDCC2.1, Mick James giống như một người bạn thân thiết, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và hỗ trợ bất cứ lúc nào. Đặc biệt, Mick James là một “tín đồ” thực thụ của món ăn Việt.

Sau này tôi mới biết, trong một năm thực hiện nhiệm vụ ở Bentiu, BVDCC2.1 của Việt Nam từng phục vụ bữa ăn cho nhiều vị khách nước ngoài quan trọng đến thăm căn cứ, như: Thủ tướng Mông Cổ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ hay Trưởng phái bộ GGHB Nam Sudan.

Nhắc lại những chuyện đó cũng để thấy rằng, dù ở một đất nước xa xôi và xa lạ như Nam Sudan thì người Việt Nam vẫn luôn thể hiện bản tính gần gũi, hòa đồng, tự tin, linh động trong giao tiếp và khả năng thích nghi cao. Quan trọng hơn, muốn tạo dựng được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cũng như nhân viên, binh sĩ LHQ thì luôn phải thể hiện sự chân thành, linh hoạt, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau trên cơ sở tuân thủ quy định của LHQ và điều kiện thực tế tại địa bàn. “Đôi khi, mọi mối quan hệ công việc trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn bởi những hành động rất đời thường. Làm gì cũng được, miễn là không sai quy tắc, nhưng cũng đừng cứng nhắc”, Trung tá Bùi Đức Thành chia sẻ.

Chiều hôm ấy, khi cùng các bác sĩ trong BVDCC2.1 đem quà chia cho trẻ tị nạn trong Khu bảo vệ thường dân (POC) ở Bentiu, một lần nữa, tôi lại được trải qua cảm xúc đầy hạnh phúc và tự hào khi nghe các em giơ tay vẫy gọi: Việt Nam, Việt Nam!

Theo VŨ HÙNG (Báo Quân đội Nhân dân)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ky-4-an-tuong-dac-biet-voi-viet-nam-tiep-theo-va-het--a121989.html