Kỳ 3 - Tiền Giang: TP Mỹ Tho 'khan' quỹ đất hay chậm thực hiện dự án nhà ở dành cho công nhân?

Khu Công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An được hình thành trên dưới 20 năm, nơi đây có 27 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động, thu hút hơn 18.000 lao động. Theo đó, những người lao động tại đây đang có nhu cầu rất bức thiết về nhà ở.

Nhu cầu bức bách về chốn ở của công nhân

Theo thông tin cung cấp từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện nay, công nhân đang làm việc trong KCN phải thuê nhà với giá trung bình từ 700.000 – 1.000.000 đồng/tháng với diện tích phòng khoảng 16-20m2, có gác lửng khoảng 12m2. Đây được xem là không gian chật hẹp so với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, dù không gian khá chật hẹp, nhưng với mức thu nhập hạn chế, đại đa số công nhân phải ở ghép với nhau trong 1 phòng để giảm chi phí. Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu công nhân chưa có gia đình thì họ thường ở ghép từ 2- 4 người/ phòng. Còn trường hợp có gia đình thì vợ chồng phải chấp nhận ở với các con, thiếu tiện nghi và an ninh.

Trước nhu cầu bức bách về chỗ ở, một vài đơn vị sử dụng lao động cũng đã tự bỏ tiền ra xây dựng khu nhà ở, phòng trọ cho người lao động. Có thể kể đến Công ty Hùng Vương và Công ty Gò Đàng. Với hai doanh nghiệp này, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ như không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Một phòng trọ của công nhân làm việc tại KCM Mỹ Tho.

Đây được xem là những cố gắng của doanh nghiệp để góp phần giúp cho người lao động ổn định hóa về chỗ ở. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì gần như là không đáng kể.

Có phải quỹ đất của địa phương là “khan hiếm”?

Về dự án nhà ở xã hội, theo ông Lê Đình Nguyên – Trưởng phòng Quản lý nhà - Sở Xây dựng Tiền Giang cho biết, tỉnh đã có chương trình phát triển nhà ở cho công nhân đến năm 2020 định hướng 2030 được phê duyệt. Căn cứ theo chương trình đó thì UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện từ 2016-2020, trong đó nhà ở nhà ở xã hội có toàn bộ 10 đối tượng, nêu trong kế hoạch thì có còn quy hoạch vị trí đất thì chưa có.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện TP Mỹ Tho đất rất hiếm. Ông Tuấn nêu ra con số, tính hết công nhân trên địa bàn tỉnh khoảng 80.000 ngàn người. Tỉnh đã xây dựng chương trình đề án phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đến 2020, trong đó đầu tư cho nhà ở xã hội cũng khá lớn. Ngân sách nhà nước không thể làm hết được, phải kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Dù tỉnh kêu gọi cộng đồng, xã hội hóa tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở xã hội, thế nhưng, tỉnh lại liên tục “kêu” thiếu quỹ.

Điển hình trên địa bàn TP Mỹ Tho gần đây mới chỉ có 02 nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất- Chế biến- Nông Thủy sản Thuận Phong xin cho thuê 02 ha để xây dựng nhà miễn phí cho công nhân và Liên Đoàn LĐVN đề nghị giao 2 ha đất để xây dựng nhà ở giá rẻ.

Trên thực tế, phóng viên ghi nhận trên khu đất 18ha, tỉnh phê duyệt dự án Khu dân cư Trung An, trong đó ưu tiên diện tích lớn dành cho nhà ở thương mại, dịch vụ tổng hợp. Sát bên dự án này, dự án “đường Lê Văn Phẩm và khu nhà ở thương mại” tỉnh đã giao cho Công ty TICCO thực hiện hạ tầng. Đơn vị này sau đó phân lô, bán nền và cũng không có đất dành cho nhà ở xã hội.

Toàn cảnh KCN Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang.

Câu hỏi đặt ra là, quỹ đất dành cho các dự án nhà ở xã hội tại địa phương có thực sự khan hiếm?

Về vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, Chỉ thị 03/CT- TTg (Chỉ thị 03) ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội” và “Các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân…”.

Ngoài việc phát triển nhà ở thương mại, cần phải chú trọng phát triển nhà ở xã hội như một nhiệm vụ chính trị mà nhà nước đặt ra. Việc UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện chủ trương trong Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ là câu chuyện vừa hợp lý. Đặc biệt là một tỉnh thu hút nhiều công nhân lao động và có nhu cầu thiết thực về chỗ ở như Tiền Giang.

Yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng

Ngày 15/5/2017, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn số: 2109/UBND-ĐTXD báo cáo một số vấn đề liên quan đến Công ty TNHH Sản xuất- Chế biến- Nông Thủy sản Thuận Phong qua phản ánh của báo chí và Tâm thư ngày 15/5/2017 của ông Phạm Văn Tư – Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phong lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 21/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn “hỏa tốc” số 7663/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc về đầy mạnh phát triển nhà ở xã hội để phát triển nhà ở xã hội, đồng thời xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Sản xuất- Chế biến- Nông Thủy sản Thuận Phong theo thẩm quyền.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên.

PV

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/ky-3--tien-giang-tp-my-tho-khan-quy-dat-hay-khong-thuc-hien-du-an-nha-o-danh-cho-cong-nhan-d49159.html