Kỳ 3: Sự nguy hiểm của thế giới ảo, hệ lụy thật

Khi mạng xã hội phát triển, bên cạnh những mặt tích cực như tốc độ chia sẻ, lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, thì đồng thời cũng kéo theo nạn tin giả, tin xấu, độc… gây hệ lụy khó lường. Thực tế, không ít khi các thế lực thù địch đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tuyên truyền, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó gây bất bình và mất lòng tin trong nhân dân.

Không phải trò đùa

Thực tế, có không ít vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, thông tin thất thiệt đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc. Đơn cử như thông tin một cậu bé tự tử vì không có áo đồng phục mới để đến trường; hiện tượng bắt cóc trẻ con tại một số địa phương; thông tin trận mưa lũ lịch sử năm 2017 khiến đập thủy điện Hòa Bình… sắp vỡ.

Đáng nói, dù là tin thất thiệt song ngay khi xuất hiện, nó đã được lan tỏa theo cấp số nhân, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Những thông tin này được các trang mạng, những tài khoản kinh doanh online “chuộng” hơn cả bởi dễ "câu like”, tăng lượt người theo dõi. Nghiêm trọng hơn, hiện đang có một hiện tượng là những vấn đề liên quan đến cơ quan Nhà nước, cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiền nhiệm và đương nhiệm… bị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc trên mạng xã hội.

Những thông tin giả mạo được đăng tải hoặc cài cắm những thông tin bịa đặt khiến người đọc hoang mang, nhen nhóm nguy cơ gây bất ổn xã hội khi cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

 Tài khoản facebook giả mạo “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”

Tài khoản facebook giả mạo “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”

Một điểm đáng chú ý là hiện không ít người còn mơ hồ về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, tưởng rằng lập một trang facebook và đăng tải thông tin là quyền tự do cá nhân mà không biết rằng nếu dùng mạng xã hội để bôi nhọ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt xuyên tạc, sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật...

Hệ lụy là, có những cá nhân tung tin đồn nhảm, không rõ cơ sở kéo theo những hệ lụy khôn lường. Vụ việc tung tin vỡ đập Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) là ví dụ. Theo đó, cuối tháng 8/2018, khi Thủy điện Trung Sơn tiến hành xả lũ, do thấy mực nước lên cao, các đối tượng là Lữ Chính Quyền, Hà Văn Mười đã đăng lên facebook cá nhân của mình thông tin vỡ đập... Thông tin này gây hoang mang dư luận, nhất là đối với những người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định, không có việc vỡ đập như thông tin lan truyền. Ngay ngày hôm sau, Công an huyện Quan Hóa đã triệu tập các đối tượng để xác định rõ động cơ, mục đích trong việc tung tin thất thiệt để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngăn chặn dòng tin xấu

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an), tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã xử lý hơn 500 vụ việc phát tán thông tin xấu, độc trên mạng Internet, mạng xã hội tại Việt Nam. Đáng chú ý là, hiện nay, trong số hơn 70 triệu người đang sử dụng mạng Internet, thì nhóm học sinh, sinh viên, người trẻ chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Đây là nhóm đối tượng chưa nhận thức sâu sắc được tất cả các nội dung thông tin được đăng tải trên mạng internet, dễ bị các đối tượng xấu sử dụng các chiêu trò để tuyên truyền, kích động.

Thủ đoạn tung tin xấu, độc của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tán phát rộng rãi các tài liệu văn hóa có nội dung xấu, độc; sử dụng website, thư điện tử, các trang mạng xã hội nhắn tin, truyền thoại… để đưa các thông tin xấu, độc; thiết lập các trang mạo danh để đưa các thông tin không đúng sự thật tạo ra hình ảnh méo mó về đất nước, con người Việt Nam, về các tổ chức, cá nhân… hoặc làm các live stream trực tiếp kêu gọi cộng đồng mạng can thiệp, bình luận trái chiều về những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…Khách quan nhìn nhận, các cơ quan chức năng đã ý thức và có những động thái kịp thời để phòng ngừa và ngăn chặn nạn thông tin giả, thông tin xấu, độc trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay.

Ngày càng nhiều người sử dụng, tuy nhiên bản thân mỗi công dân cần tự trang bị những kiến thức về mạng xã hội, có ý thức, trách nhiệm trước mỗi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ trên mạng xã hội

Chẳng hạn, trên khía cạnh pháp lý, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tại điểm d, Khoản 1, Điều 8 quy định hành vi cấm: "Thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân khác”.

Cùng với những chế tài nghiêm khắc quy định trong Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết tâm kiểm soát tình trạng tin tức giả tràn lan trên mạng xã hội. Được biết, thời gian tới, trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động...

Rõ ràng, trước “ma trận” thông tin thật giả lẫn lộn, bên cạnh việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi công dân cần tự trang bị những kiến thức về mạng xã hội, có ý thức, trách nhiệm trước mỗi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ trên mạng xã hội thì chắc rằng những thông tin tiêu cực, nhiễu độc sẽ không còn đất sống.

Giang Nam

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-su-nguy-hiem-cua-the-gioi-ao-he-luy-that-96546.html