Kỳ 3: Quá trình đồng hành, hỗ đối với mẹ con nạn nhân

Trong lúc đang chịu nỗi hoang mang và đau khổ tột cùng không chỉ bởi đứa con khuyết tật trí tuệ bị xâm hại mà còn vì điều tiếng, sức ép nặng nề từ nhiều phía thì mẹ con nạn nhân Nguyễn Thị Hoa được tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên (NBY); được bố trí nơi ăn, chốn ở an toàn và được hỗ trợ các dịch vụ phù hợp với trẻ.

Tích cực hỗ trợ toàn diện bằng nhiều hình thức

Nhờ sự giới thiệu của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, mẹ con cháu Nguyễn Thị Hoa may mắn được biết đến NBY và tìm lên Phòng tham vấn (20 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) vào ngày 14-7, sau hơn 2 tháng xảy ra vụ việc với cháu bé khuyết tật trí tuệ. Tại đây, mẹ con Hoa được NBY bố trí nơi ăn, chốn nghỉ đầy đủ và ấm cúng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chìm vào giấc ngủ, cháu Hoa vẫn ôm chặt mẹ với từng cơn mơ sảng: “Ông đừng có đánh tôi!...”. Nỗi sợ hãi của cô con gái vốn chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ khiến tim bà N.T.T- mẹ Hoa đau như thắt. Niềm an ủi của bà là vào đây, 2 mẹ con được chăm sóc chu đáo; và đặc biệt Hoa được hỗ trợ, theo dõi rất sát sao.

Ngày 15-7, quản lý ca (người hỗ trợ cháu Hoa trong suốt thời gian tạm lánh) của NBY đã đưa cháu Hoa đến BV để tiến hành một số thăm khám y tế ban đầu: Thử thai (may mắn cho kết quả không có thai); kiểm tra các vùng mà Hoa kêu đau (2 cánh tay, đùi) và xác định các vết tím đã mờ dần, không còn đau nhiều như trước. Ngày 1-8, Hoa bị đau bụng và được đưa đi khám. BS kết luận Hoa phải theo dõi thêm viêm dạ dày, ruột; sau đó đã được nhân viên quản gia chăm sóc, đều đặn cho uống thuốc theo chỉ định.

Là trường hợp thuộc diện trẻ khuyết tật trí tuệ bị XHTD, Hoa đã được các nhân viên tại NBY hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là về vấn đề tâm lý và pháp lý. Để tâm lý của Hoa ổn định trở lại, quản lý ca đã tham vấn tâm lý cá nhân nhiều lần (chuyện trò, hướng dẫn Hoa chia sẻ cảm xúc qua các hoạt động vẽ tranh, kể chuyện; cùng đi dạo, đạp xe thay đổi môi trường giúp trẻ cân bằng cảm xúc, giải tỏa lo lắng, sợ hãi, buồn chán).

Ngày 14-8, Hoa được đưa đến khoa Sức khỏe vị thành niên (BV Nhi TW)- là đơn vị phối hợp thường xuyên với NBY để tiến hành đánh giá tâm lý. Kết quả, Hoa có IQ dưới 70, có rối loạn lo âu và bác sỹ đề nghị tham vấn, can thiệp cá nhân theo buổi cho cô bé.

Về hỗ trợ pháp lý, NBY đã kết nối với bà P.T.H- cô ruột của Hoa để trao đổi, thu thập thêm các tài liệu liên quan đến quá trình điều tra vụ án, bao gồm cả thông báo, quyết định của cơ quan chức năng; gửi công văn, giấy xác nhận mẹ con Hoa đang tạm trú tại NBY đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan.

NBY đồng thời kết nối với Luật sư Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Anh Thơm- là 2 Luật sư đã hỗ trợ Hoa trước khi xuống NBY để thu thập thông tin, trao đổi về quá trình điều tra; kết nối Trung tâm TGPL tỉnh Phú Thọ; Chi hội phụ nữ của Đoàn LSTP Hà Nội, cung cấp hồ sơ, thống nhất kế hoạch hỗ trợ Hoa.

Kết nối với Hội LHPN huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ để trao đổi, tìm hiểu những hoạt động của địa phương đã can thiệp, hỗ trợ cho Hoa từ khi biết thông tin; đồng thời đề xuất phối hợp hỗ trợ mẹ con Hoa khi trở về địa phương làm việc.

NBY cũng kết nối với CA huyện Thanh Sơn, hẹn lịch làm việc giữa CA huyện Thanh Sơn với mẹ con Hoa ngay tại Phòng tham vấn. Ngày 7-8, khi các điều tra viên- CA huyện Thanh Sơn có mặt, nhân viên của NBY cũng có mặt để hỗ trợ mẹ con Hoa. Sau khi làm việc với 2 mẹ con, CA huyện Thanh Sơn tiếp tục gặp, trao đổi với nhân viên quản lý ca của NBY về quá trình điều tra vụ án, xác minh thông tin của nạn nhân mà nhân viên nắm được.

Về hỗ trợ giáo dục- văn hóa, NBY đã phối hợp với sinh viên thực tập dạy Hoa tập tô, tập viết, nhận diện các mặt chữ; ngoài ra còn hỗ trợ kỹ năng sống cơ bản cho Hoa, dạy và hướng dẫn Hoa các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tham gia sinh hoạt nhóm; đồng thời trao đổi với mẹ của trẻ về các vấn đề sức khỏe sinh sản, sinh hoạt cá nhân để cùng phối hợp truyền đạt cho Hoa hiểu và làm theo.

Bà Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển phụ nữ tại NBY thông tin việc NBY phối hợp liên ngành, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ trẻ. (Ảnh: L.A)

Bà Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển phụ nữ tại NBY thông tin việc NBY phối hợp liên ngành, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ trẻ. (Ảnh: L.A)

Phối hợp liên ngành, kết nối nhiều nguồn lực để chung tay tìm công lý cho trẻ

Không dừng lại ở đó, NBY còn kết nối với các nguồn lực khác để hỗ trợ cho trẻ. Cụ thể, Trung tâm đã kết nối Tổ chức GNI và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ chi phí hoạt động trị liệu tâm lý và quá trình giải quyết pháp lý cho Hoa; liên hệ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 thu thập thông tin ban đầu; phối hợp Phòng LĐ-TB&XH, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và CA địa phương tiếp tục giải quyết vụ việc.

Để thêm kênh trợ giúp pháp lý tin cậy khác, NBY đã cung cấp tài liệu vụ việc cho Đoàn LSTP Hà Nội, Ban Chính sách & luật pháp (Hội LHPN Việt Nam) cùng tham gia nghiên cứu hồ sơ về vụ việc của Hoa.

Ngoài ra, NBY đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của nhiều thành phần: Chuyên gia tâm lý, luật sư, nhân viên trợ giúp pháp lý, cơ quan bảo vệ quyền trẻ em; cơ quan truyền thông, Hội phụ nữ địa phương, Tổ chức GNI và các nhân viên của NBY cùng gia đình trẻ cùng thảo luận các biện pháp mang tính chuyên sâu, chuyên môn. Các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm sẽ cùng chung sức với NBY để đảm bảo sự an toàn, quyền và lợi ích của trẻ khuyết tật bị xâm hại.

Tên nạn nhân đã được thay đổi
(Còn nữa)

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-3-qua-trinh-dong-hanh-ho-doi-voi-me-con-nan-nhan-208202.html