Kỳ 3: Những ca mổ lúc nửa đêm

Còn nhớ hôm đó, khi tôi và các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDCC2.1) đang quây quần bên ấm trà mạn thì qua điện đàm, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc bệnh viện nhận được tin từ kíp trực: Một bệnh nhân Mông Cổ ở đơn vị kế bên vừa được đưa tới và cần chữa trị gấp…

Bác sĩ quân y Việt Nam và những bệnh nhân đặc biệt

Bệnh nhân hôm đó là một binh sĩ gìn giữ hòa bình (GGHB) làm nhiệm vụ trong Bệnh viện dã chiến cấp 1 của Mông Cổ tại căn cứ Bentiu. Trước khi được đưa đến BVDCC2.1 của Việt Nam, bệnh nhân trải qua 4 tiếng đau dữ dội do viêm ruột thừa cấp. Xác định đây là ca bệnh tương đối rõ về lâm sàng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để cắt ruột thừa.

Như thường lệ, phẫu thuật viên chính trong ca mổ là Thiếu tá, bác sĩ Lại Bá Thành, còn phụ mổ là Thiếu tá Nguyễn Thông Phán, Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo và Đại úy Phạm Thị Thu Trang. Biết phóng viên Báo Quân đội nhân dân cần tư liệu viết bài, chỉ huy bệnh viện “đặc cách” cho tôi được mặc đồng phục phẫu thuật y tế và mang theo máy ảnh vào phòng mổ tác nghiệp.

Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 23 giờ 10 phút và kết thúc vào 0 giờ 30 phút. Dù không hiểu nhiều về chuyên môn, nhưng nhìn khuôn mặt hồ hởi của phẫu thuật viên chính Lại Bá Thành khi bước ra khỏi phòng mổ, tôi biết ca phẫu thuật đã thành công. Hơn nữa, đây cũng không phải lần đầu tiên BVDCC2.1 tiếp nhận và xử lý trơn tru những ca ruột thừa cấp. Đại úy, bác sĩ Agvaan Osor của lực lượng quân y Mông Cổ lần lượt bắt tay từng thành viên trong kíp mổ và bằng thứ tiếng Anh hơi khó nghe, anh chậm rãi nói: “Cảm ơn sự giúp đỡ của các bạn. Tôi sẽ báo cáo với chỉ huy của chúng tôi là ca mổ đã thành công”. Gần 4 ngày sau, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và được đưa trở về đơn vị.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam trong một ca phẫu thuật. Ảnh: CHÂU ANH.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam trong một ca phẫu thuật. Ảnh: CHÂU ANH.

Tất nhiên, đó chỉ là một trong số nhiều ca mổ mà các bác sĩ của BVDCC2.1 đã thực hiện trong suốt thời gian làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan. Với cá nhân bác sĩ Lại Bá Thành, đáng nhớ nhất vẫn là ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ, cũng vào chừng nửa đêm, cho một bệnh nhân bị xoắn ruột hoại tử. Bệnh nhân này được đưa đến BVDCC2.1 của Việt Nam trong tình trạng đau dữ dội do biến chứng từ ca mổ ruột thừa cách đó hai tháng, thể trạng gầy, sức khỏe yếu. Sau khi hội chẩn, xác định đây là ca xoắn ruột đe dọa hoại tử, các bác sĩ của bệnh viện quyết định xin ý kiến của Trưởng Y tế phái bộ và tiến hành phẫu thuật khẩn cấp. Bởi nếu không phẫu thuật, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ tử vong do hoại tử, nhiễm trùng nhiễm độc và suy đa tạng. Khi ấy, thời gian cũng không đủ để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Bác sĩ Lại Bá Thành kể rằng, những ca bệnh dạng này ngay cả ở trong nước cũng không nhiều. Song nếu ở Việt Nam thì việc phẫu thuật chắc chắn sẽ dễ dàng hơn vì đủ phương tiện, trang thiết bị, lại “có thầy có thợ” bên cạnh hỗ trợ. Còn ở Nam Sudan, các bác sĩ, y tá của Việt Nam buộc phải “tự biên tự diễn”. Ấy rồi cuối cùng ca phẫu thuật cũng thành công như mong đợi. Bệnh nhân ra viện khoảng hai tuần sau khi phẫu thuật và điều trị. Ca phẫu thuật này sau đó cũng được đánh giá là “điểm sáng” của y tế phái bộ và được toàn phái bộ biết tới.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Công, cơ cấu bệnh lý ở Nam Sudan nói chung và Bentiu nói riêng khá đa dạng, phổ biến nhất là những bệnh truyền nhiễm, như: Sốt rét, thương hàn, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn; đặc biệt vào mùa mưa, số ca sốt rét thường tăng đột biến. Ngoài ra còn nhiều loại bệnh khác, như: Ruột thừa, bệnh tim mạch hay các ca chấn thương do binh sĩ và nhân viên LHQ gặp tai nạn khi làm việc, lao động, tuần tra…

Từ thử thách tới thành công và động lực mới

Nếu tính chung ở Phái bộ Nam Sudan, tổng cộng chỉ có 5 bệnh viện dã chiến cấp 2, trong đó tại căn cứ Bentiu có duy nhất bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDCC2) của Việt Nam. Nói cách khác, BVDCC2 của Việt Nam là tuyến y tế cao nhất tại căn cứ Bentiu. Cũng vì thế, nhiệm vụ và khối lượng công việc của đội ngũ y sĩ, bác sĩ BVDCC2 Việt Nam càng nặng nề và nhiều thử thách hơn, đặc biệt trong giai đoạn mới triển khai.

Ngày đầu tiên đến Nam Sudan, tôi có dịp gặp ông Iqbal Mohd, Trưởng văn phòng y tế Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, người mà trước đó tôi mới chỉ biết qua các bài viết của đồng nghiệp. Trò chuyện với người đứng đầu lĩnh vực y tế của phái bộ, mới biết theo quy định, BVDCC2 của Việt Nam chỉ có nhiệm vụ điều trị cho hơn 2.500 binh sĩ, nhân viên LHQ đóng quân tại Bentiu, còn những bệnh nhân là người dân địa phương thuộc trách nhiệm của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF). Tuy nhiên, một số trường hợp vượt quá khả năng xử lý của MSF hoặc tuyến y tế ban đầu là các bệnh viện dã chiến cấp 1, bệnh nhân sẽ được chuyển đến BVDCC2 của Việt Nam nếu được sự chấp thuận của phái bộ.

Sau hơn 12 tháng thực hiện nhiệm vụ tại căn cứ Bentiu, BVDCC2.1 của Việt Nam đã thu dung và điều trị cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân, tiến hành 62 ca phẫu thuật, trong đó có 21 ca trung phẫu, đại phẫu và 41 ca tiểu phẫu. Đáng mừng là tất cả ca bệnh mà BVDCC2.1 xử lý đều không để xảy ra biến chứng và luôn được chỉ huy y tế của phái bộ cũng như các đồng nghiệp đánh giá cao về độ sâu chuyên môn.

Nhưng thành công đâu dễ đến. Hầu hết các bác sĩ của BVDCC2.1 khi gặp tôi đều kể về khoảng thời gian đầy khó khăn và bỡ ngỡ khi bệnh viện mới được triển khai tới Nam Sudan. Trước hết là những vấn đề liên quan tới y tế, chẩn đoán, điều trị đều phải thực hiện theo đúng quy định chuẩn, nghiêm ngặt của Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới và LHQ. Công tác báo cáo cũng đòi hỏi chặt chẽ, đúng quy trình, đồng thời phải thường xuyên cập nhật những hướng dẫn và phương pháp điều trị mới để áp dụng trong điều kiện dã chiến. Thời gian đầu, tất cả ca phẫu thuật đều được tiến hành trong lều dã chiến, trời nóng mà không thể bật điều hòa vì sợ bụi bẩn dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn. Đó là chưa kể nhiều bệnh nhân không biết tiếng Anh, đến từ các quốc gia có phong tục tập quán, văn hóa khác với Việt Nam, nên quá trình khám, chữa bệnh cũng gặp ít nhiều trở ngại… Nhưng dù thế nào thì dần dần cũng phải thích nghi và làm tốt công việc của mình.

Đến bắt tay chia vui với Thiếu tá Lại Bá Thành trong ngày anh trở thành một trong 4 cá nhân xuất sắc của BVDCC2.1 được nhận bằng khen của Tư lệnh các lực lượng quân sự Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, trong tôi chợt dâng lên niềm cảm phục và cả tự hào khi nghe vị bác sĩ trẻ tuổi này chia sẻ rằng, mỗi ca phẫu thuật “tròn trịa”, mỗi bệnh nhân phục hồi sức khỏe là một niềm vui và động lực mới để các bác sĩ quân y Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

(còn nữa)

Theo VŨ HÙNG (Báo Quân đội Nhân dân)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ky-3-nhung-ca-mo-luc-nua-dem-a121933.html