Giá trị lớn nhất mà Đại học Stanford dạy tôi là...

Những gì Phạm Kim Hùng nghĩ, những điều Hùng làm chắc chắn sẽ giúp những người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam nhìn ra rất nhiều bài học lớn.

Đoạt huy chương vàng (HCV) toán quốc tế khi còn là học sinh lớp 11, là người Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng toàn phần trường Đại học Stanford danh tiếng của Mỹ mà chưa từng học tập ở một nước thứ ba và sau khi tốt nghiệp cùng lúc hai khoa toán - tin ở Stanford, đã từ chối lời mời ở lại làm việc tại thung lũng Silicon để trở về Việt Nam khởi nghiệp..., những gì mà Phạm Kim Hùng làm được cho đến lúc này thực sự khiến nhiều người thấy choáng.

Càng choáng hơn khi công ty của Hùng đang nhận được đầu tư của 4 quỹ công nghệ lớn trên thế giới và đang tạo ra những sản phẩm để tấn công vào thị trường quốc tế. Những gì Hùng nghĩ, những điều Hùng làm chắc chắn sẽ giúp những người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam nhìn ra rất nhiều bài học lớn.

Có những bài toán không cần giải

- Nhà báo Phan Đăng: Có quá nhiều điều thú vị về bạn mà tôi đã đọc trên báo hoặc nghe những người trong lĩnh vực công nghệ thông tin kể lại nhưng tôi muốn bắt đầu cuộc đối thoại hôm nay bằng một câu đơn giản thôi, lớp 11 Hùng đã đoạt HCV toán quốc tế, năm sau, lớp 12, Hùng đoạt huy chương bạc. Cả hai năm điểm đều dẫn đầu đội tuyển Việt Nam, những người đoạt hai huy chương toán như Hùng có nhiều không?

- Phạm Kim Hùng: Tôi không có thống kê chính xác, có khoảng trên dưới 10 người. Có thể hầu hết mọi người đoạt HCV năm lớp 11 sẽ có thêm một HCV nữa, chỉ có tôi là kém nhất (cười). Năm lớp 12 đi thi, tôi cộng nhầm một biểu thức đơn giản nên mất điểm bài toán dễ nhất và bị tuột mất HCV. Kỷ niệm thi cử lúc đó cũng rất đáng nhớ.

- Sau khi đoạt những thành tích đó, bạn ra nước ngoài học đại học luôn?

- Tôi có học 6 tháng lớp cử nhân tài năng ở Đại học Khoa học Tự nhiên. Sau đó tôi nộp đơn vào Đại học Stanford của Mỹ. Mỗi năm Stanford chỉ nhận tối đa 1-2 sinh viên Việt Nam nên thành thực mà nói, tôi đã rất may mắn khi được nhận. Stanford quả thực là giấc mơ đối với bất kỳ học sinh nào. Đó là một ngôi trường đáng mơ ước.

- Sang Stanford học công nghệ thông tin có nghĩa là bỏ hẳn toán - thứ đã từng làm nên giá trị của mình?

- Không! Tôi vẫn rất thích toán, và ở Stanford tôi học một lúc cả hai ngành: Toán và Khoa học máy tính. Tư duy toán học và tư duy logic có thể được áp dụng rất nhiều trong cuộc sống, ngay cả trong công việc hiện tại của tôi mà không phải chỉ trên giảng đường hay các kỳ thi.

- Có nhiều sinh viên ở Stanford học một lúc hai ngành không?

- Đa phần mọi người sẽ học một ngành, cũng sẽ tùy theo ngành học nữa.

- Vậy thì bạn phải học rất nặng đấy nhỉ?

- Học ở Stanford khá nặng. Tôi học toán từ nhỏ nên chương trình toán có nhiều lợi thế. Tư duy toán cũng giúp tôi học những kiến thức mới khá nhanh. Nhưng so với các bạn ở Mỹ, những người đã biết lập trình từ trước thì tôi phải bắt đầu từ đầu với khoa học máy tính. Với công nghệ thông tin, mọi thứ rất mới mẻ với tôi. Cũng may mắn với tôi là toán và khoa học máy tính có rất nhiều điểm tương đồng.

- Hình như cũng trong quãng thời gian này, Hùng viết một cuốn sách về toán mà nghe đâu giờ đã được dịch ra 4 thứ tiếng thì phải?

- Từ cuối năm lớp 12 ở Việt Nam đến cuối năm thứ nhất ở Stanford, tôi đã dành khá nhiều tâm huyết để viết bộ sách Sáng tạo của bất đẳng thức (Secrets in Inequalities) (2 tập). Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Anh, Hàn Quốc và Trung Quốc. Rất vui là cuốn sách được đón nhận rất tuyệt vời ở nhiều nơi trên thế giới.

- Lý do nó được đón nhận rộng rãi như vậy là gì?

- Lý do nó được đón nhận rộng rãi như vậy là gì?

- Cuốn sách kể câu chuyện chúng ta học tập, cảm nhận và phát triển tư duy toán học như thế nào. Câu chuyện được viết từ cách nhìn của “người học” say mê khám phá vẻ đẹp của toán học. Tôi rất coi trọng vẻ đẹp của toán học và tin rằng toán học cần phải đẹp.

Vì thế, cuốn sách ưu tiên việc sáng tạo và suy ngẫm về các bài toán đẹp và phương pháp giải toán tự nhiên. Tôi coi toán học là một cách thức tuyệt vời để rèn luyện tư duy và không cho rằng giải các bài toán được xây dựng mẹo mực và thiếu tự nhiên là sự rèn luyện có ý nghĩa. Cũng vì thế, sẽ có những bài toán không đáng để làm.

- Nhưng thế nào mới là bài toán đẹp?

- Đó là những bài toán được phát biểu đơn giản, trong sáng nhưng sâu sắc. Để giải được, người giải dựa trên tư duy sáng tạo là chính chứ không đơn thuần là có nhiều kỹ năng hoặc phải biết quá nhiều.

Rất may là khi đi thi IMO (toán quốc tế), tôi chỉ phải gặp những bài toán đẹp như vậy. Hình học là một ví dụ: Trong các kỳ thi toán quốc gia và quốc tế, tôi được điểm tuyệt đối tất cả các bài toán hình mà chỉ sử dụng kiến thức hình học cấp hai.

- Học toán ở Việt Nam và học toán ở Stanford khác nhau như thế nào?

- Chân thành mà nói thì toán học không quá khác biệt. Khi học ở Việt Nam, tôi tin rằng mình đã được học ở những môi trường tốt nhất với những người thầy tuyệt vời nhất.

Có thể sự khác biệt lớn nhất là học toán ở Việt Nam để có thêm kiến thức, còn ở Stanford là sự trải nghiệm. Được học cùng những người bạn xuất sắc và những giáo sư toán học hàng đầu thế giới thực sự là một trải nghiệm thú vị.

Một câu nói thay đổi cả cuộc đời

- Còn những điều gì mà Stanford tác động lên bạn, làm thay đổi nhân sinh quan của bạn tương tự như vậy nữa không?

- Stanford quả thực đã thay đổi toàn diện nhân sinh quan của tôi. Những ngày đầu tiên, tôi nghĩ với học bổng toàn phần thì mình phải ở lại làm việc trong trường hoặc ở Mỹ trước khi có lựa chọn khác.

Nhiều trường đại học như ở Singapore thường có yêu cầu như vậy và tôi giữ nguyên ý nghĩ ấy trong khoảng một năm học đầu tiên. Trong nghỉ hè đầu tiên, tôi đã hỏi giáo sư Rafae Mazzeo - Trưởng Khoa toán về điều này và nhận được một câu trả lời vừa ngạc nhiên, vừa rất tự hào.

- Tự nhiên bạn làm tôi thấy tò mò quá!

- Giáo sư Mazzeo nói rằng: “Stanford không yêu cầu bất cứ ai phải có nghĩa vụ ở lại phục vụ và trả nghĩa cho ngôi trường này. Điều duy nhất mà Stanford mong muốn đó là người học có thể áp dụng kiến thức học được ở đây để tạo ra những giá trị đích thực cho cuộc sống. Đấy chính là cách trả công lớn nhất cho Stanford”.

Câu trả lời của giáo sư làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ trong tôi và là động lực chính để sau này tôi về Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp.

Tôi nghĩ khi tuổi trẻ thường mất nhiều thời gian để nghĩ xem người khác nghĩ về mình như thế nào và đặc biệt coi trọng sự ghi nhận của người khác dành cho mình. Ngay cả các giải thưởng toán học như HCV toán quốc tế cũng là một sự ghi nhận như vậy. Điều đó tốt trong một giới hạn nhất định, có thể giúp tạo ra động lực tích cực.

Trưởng thành là khi chúng ta không để tâm về những điều như vậy nữa, thay vào đó là tự ý thức được những điều mình làm và thực tâm mong muốn tạo ra những điều tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Ở Stanford mọi người nói rất nhiều về việc chúng ta cần phải hành động để "thay đổi thế giới". Hiểu đơn giản là thế giới có cả tỷ vấn đề có thể làm tốt hơn và chỉ cần mỗi người giải quyết một vấn đề mình làm tốt nhất là đã thay đổi thế giới rồi.

Phải làm gì để thay đổi? Phải sáng tạo ra một thứ gì đó mới mẻ! Những suy nghĩ như thế thường trực mọi nơi, mọi lúc, trong đầu bất cứ ai ở Stanford.

- Có nghĩa là môi trường này đã tạo cho người ta một niềm cảm hứng - một niềm tin lớn lao vào những việc mà người ta có thể làm để thay đổi cái thực trạng mà người ta đang đối diện. Bạn có thể kể một vài câu chuyện cụ thể xem ở đó, các thầy giáo đã dạy như thế nào để có thể tạo nên cái điều vô cùng quan trọng ấy, cái điều mà chắc chắn không phải môi trường giáo dục nào cũng có thể tạo ra.

- Tôi nghĩ đó chính là sự kỷ luật và cam kết đối với giáo dục, tôi cho rằng hai điều này rất quan trọng. Lấy ví dụ đơn giản là việc học và việc thi cử. Ở Stanford, bạn phải làm rất nhiều bài tập, đọc rất nhiều sách và phải luôn cố gắng trong học tập vì xung quanh bạn ai cũng rất chăm chỉ. Các kỳ thi luôn diễn ra cực kỳ nghiêm túc dù hầu như không cần ai “coi thi” cả.

Một môi trường học tập nghiêm túc và một quá trình đánh giá nghiêm túc giúp học sinh có được 3 phẩm chất quan trọng: sự kiên nhẫn, trung thực và khả năng nỗ lực tối đa để đạt được mục tiêu.

Tôi nghĩ sự kiên nhẫn là một tính cách quan trọng mà chúng ta rất cần học khi còn trẻ. Một chương trình học đủ khó sẽ yêu cầu bạn phải kiên nhẫn để hoàn thành và không bao giờ phàn nàn “học thì nhiều nhưng không biết sau này áp dụng như thế nào”.

Làm việc gì cũng vậy, không chỉ việc học - chỉ khi nào chúng ta đủ kiên nhẫn, đủ quyết tâm và làm đủ lâu mới tạo ra được một thành quả xứng đáng.

- Thời điểm tốt nghiệp cũng là thời điểm mà bạn quyết định về Việt Nam khởi nghiệp?

- Đúng vậy!

- Xin hỏi rất thật nhé, nếu muốn ở lại để phát triển nghề nghiệp, bạn có cơ hội ở lại không?

- Thực ra tôi có khá nhiều lời mời làm việc ở Silicon Valley nhưng tôi nghĩ điều đó không có gì to tát cả. Tất cả sinh viên Stanford học Khoa học máy tính đều được mời như vậy.

Bởi vì Stanford nằm ở trái tim của thung lũng Silicon. Rất nhiều công ty nổi tiếng ở thung lũng Sillicon được thành lập ở đây, nổi tiếng nhất là Google, HP, Sun, Linkedin hay Yahoo và rất nhiều người ở các công ty này đi ra từ Stanford.

Tôi cũng có cơ hội làm tiếp tiến sỹ ngành toán sau khi đã được nhận vào một trường trình đào tạo tài năng toán học ở mùa hè năm cuối ngay tại trường. Nhưng, anh biết đấy, từ câu chuyện với giáo sư Mazzeo mà tôi kể ở trên, tôi đã có quyết định chính thức về con đường của mình rồi.

- Trước khi tiếp tục nói về hành trình của bạn, cho tôi hỏi một câu đơn giản chỉ để thỏa mãn trí tò mò của tôi thôi. Tôi đã nghe nhà sử học Noah Harari, tác giả của cuốn "Lược sự loài người" nói rằng ngày xưa California nổi tiếng bởi những bãi khai thác vàng, còn bây giờ vàng thực sự của California chính là Silicon, còn vàng của Silicon thì nằm ở trong bộ não của những người ngày đêm miệt mài làm việc tại nơi này.

Một cách diễn đạt như thế hấp dẫn tôi ghê gớm, cho nên tôi muốn hỏi bạn - một người đã sống ở trung tâm Silicon - trong quan sát của bạn, Silicon thực sự là một thế giới như thế nào?

- Đấy là nơi mà mọi thứ diễn ra nhanh khủng khiếp. Sự sáng tạo gần như không có giới hạn vì có quá nhiều người giỏi đang làm việc ở đó. Có một điểm rất đặc biệt ở Sillicon Valey và làm cho nó trở thành một nơi “ghê gớm” là tư tưởng “Pay it forward”, dịch đơn giản là “Tiếp sức cho thế hệ tiếp theo”.

Những người thành công ở Sillicon phần lớn đều là tự gây dựng sự nghiệp từ sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, họ đã và đang hỗ trợ các thế hệ tiếp theo rất nhiều.

Lấy một ví dụ đơn giản, hầu hết các quỹ đầu tư lớn đều được sáng lập bởi những nhà sáng lập thành công của thế hệ trước. Họ là những người hiểu giá trị của sự sáng tạo cũng như những khó khăn khi lớp trẻ tạo dựng một điều mới mẻ nên họ có thể giúp các thế hệ sau trưởng thành nhanh hơn rất nhiều.

- Giờ thì trở lại với câu chuyện của chúng ta. Chúng ta đang dừng ở giai đoạn bạn tốt nghiệp, không ở lại Stanford, cũng không ở lại Silicon mà về Việt Nam làm việc. Về phía bạn thì rõ ràng rồi nhưng về phía bố mẹ, gia đình bạn thì sao? Chẳng nhẽ mọi người không hề phản đối?

- Thật sự thì tôi vẫn rất thích học, không phải vì bất kỳ ai kỳ vọng mình như thế nào mà vì bản thân mình thích học. Đến bây giờ tôi vẫn mong muốn sau 10-20 năm nữa, khi tôi thực hiện xong những điều đang làm dở, tôi có thể quay trở lại Stanford để học tiếp.

Càng làm việc với nhiều người, chúng ta lại càng nhận ra tri thức quan trọng như thế nào và đó đơn giản là một con đường không có điểm dừng.

Đi tìm sứ mệnh cuộc đời

- Thời điểm bạn đã tốt nghiệp Stanford về Việt Nam, khi đứng ở sân bay Nội Bài (Hà Nội), ý nghĩ lớn nhất trong bạn là gì?

- Đó là nhìn nhận về đất nước Việt Nam của chúng ta và suy ngẫm về một điều ý nghĩa nhất mà mình có thể làm được. Tôi đã có nhiều trải nghiệm và thất bại, đủ nhiều để hiểu rằng có hai thứ quan trọng nhất mà chúng ta buộc phải có trên một chặng đường dài: làm điều mình giỏi nhất và có những đồng đội xuất sắc xung quanh.

- Tôi có đọc loáng thoáng trên báo, công ty của bạn cung cấp những gói giải pháp cho các doanh nghiệp thì phải?

- Chính xác thì nó giống như một hệ điều hành cho các doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn mang đến một phương thức quản trị và điều hành của tương lai cho các doanh nghiệp Việt Nam. Năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/10 các nước phát triển trong khu vực và sứ mệnh của chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ là lời giải tốt nhất.

Mỗi doanh nghiệp đều có hàng trăm bài toán cần giải quyết và không thể có một phần mềm nào giúp giải quyết tất cả mọi thứ “trong 1”. Chúng tôi đã mất rất nhiều năm để xây dựng lên một nền tảng tập trung mà các bài toán có thể được giải độc lập và lần lượt theo thời gian phát triển của doanh nghiệp.

Nguyên tắc số một trong việc xây dựng ứng dụng của chúng tôi là: Một ứng dụng giải quyết một bài toán duy nhất và phải là ứng dụng tốt nhất giải quyết bài toán đó.

Ví dụ, chúng tôi đã xây dựng phần mềm về quản trị tuyển dụng được các doanh nghiệp áp dụng rất nhiều. Trước kia mọi người nghĩ rằng một phần mềm như vậy chỉ giống như Excel chẳng hạn.

Nhưng thực tế đòi hỏi nó phải là một hệ thống toàn diện và chúng tôi tạo ra các phần mềm giúp doanh nghiệp có thể trao đổi hai chiều qua email, đánh giá ứng viên, phỏng vấn qua điện thoại, video, hay tích hợp tất cả các kênh tuyển dụng hiện có.

Không chỉ vậy, toàn bộ quá trình này có thể được hoàn thành ngay trên ứng dụng điện thoại để doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi.

- Nhưng có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các gói giải pháp mà công ty bạn đưa ra không?

- Có khoảng trên 500 doanh nghiệp. Chúng tôi hi vọng năm sau sẽ là 3.000 doanh nghiệp. Ngay trong năm 2019 chúng tôi sẽ bắt đầu phát triển ở nước ngoài. Chúng tôi không ngại cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm quốc tế khác.

- Ồ, những con số quá mơ ước với những người khởi nghiệp. Như vậy là có lãi rồi?

- Đối với những công ty khởi nghiệp, lợi nhuận chỉ là thứ yếu và chúng tôi xác định đầu tư 100% doanh thu để phát triển sản phẩm và con người. Tôi luôn mong muốn tất cả nhân viên tự hào về điều họ làm và công ty đang làm. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với lợi nhuận.

Đại học Stanford, nơi những giấc mơ công nghệ bắt đầu. Ảnh L.G

- Phải làm gì để những nhân viên của bạn có được niềm tự hào ấy?

- Không thể cố làm gì cả, đó là thực tế. Mỗi người trưởng thành đều ý thức được việc họ làm và nó là tốt hay không tốt. Việc của tôi chỉ là lựa chọn những người trung thực, chính trực và hết mình với công việc.

Câu chuyện của chúng tôi là không bao giờ có điểm dừng và điều đó làm chúng tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết. Có thể vì thế nên việc gọi vốn của cũng diễn ra rất nhanh chóng. Hiện tại có 4 quỹ đầu tư quốc tế đã tham gia cùng chúng tôi.

- Bạn kêu gọi họ bằng cách nào?

- Hãy làm những điều thú vị và trung thực, họ sẽ tìm đến với bạn!

- Ồ, nghĩa là những quỹ này tự tìm đến với bạn?

- Thực tế thì họ luôn biết và theo dõi tất cả các startups (khởi nghiệp) đáng chú ý nhất ở Việt Nam. Đối với công ty chúng tôi, họ thích sản phẩm và tin vào những gì chúng tôi đang làm. Quan trọng hơn, con đường chúng tôi có thể đi tiếp còn rất xa nữa.

- Từ những trải nghiệm bản thân, bạn thấy điều khó nhất với một người trẻ khởi nghiệp là gì?

- Không bao giờ từ bỏ, ngay cả khi thất bại! Điều này quả thật rất khó vì ai cũng sẽ mắc sai lầm và thất bại. Vì thế, cốt lõi nhất là startup của bạn phải là sứ mệnh cuộc đời bạn, để mỗi khi ngã xuống, bạn có niềm tin và trách nhiệm để đứng dậy đi tiếp.

- Một câu hỏi cuối cùng thôi, về Việt Nam, nếu không khởi nghiệp, bạn có thể làm việc ở đâu nhỉ?

- Có khoảng 7-8 công ty lớn ở Việt Nam từng mời tôi về làm CTO (giám đốc công nghệ). Có lẽ điều này cũng không đáng kể, anh biết đấy, chỉ vì ở Việt Nam thiếu nhân sự quá thôi!

- Lâu lắm rồi tôi mới lại gặp một người trẻ cho tôi nhiều cảm hứng đến như thế. Xin chúc Phạm Kim Hùng không chỉ thành công với những sứ mệnh cuộc đời mình như bạn nói mà còn có thể lan tỏa niềm cảm hứng và nguồn năng lượng tốt lành của mình cho nhiều người trẻ khác, để chúng ta cùng tạo nên những cộng đồng trẻ làm được nhiều điều có ích cho xã hội. Cảm ơn bạn vì những chia sẻ chân thành hôm nay!

Phan Đăng (thực hiện)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/ky-3-nguoi-tre-khoi-nghiep-pham-kim-hung-2-huy-chuong-toan-quoc-te-cac-nam-2004-2005-gia-tri-lon-nhat-ma-dai-hoc-stanford-day-toi-la-524101/