Kỳ 3: Nan giải việc hồi sinh các dòng sông

Hà Nội có hệ thống sông ngòi dày đặc, ngoài một số sông lớn bao quanh thì các sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Lừ, sông Sét... cũng từng là những tuyến cảnh quan mặt nước hấp dẫn trong quá trình phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là hiện nay những dòng sông này chủ yếu chỉ tồn tại với chức năng… thoát nước thải. Trong khi câu chuyện khắc phục ô nhiễm còn nan giải thì công tác phân cấp quản lý hiện vẫn còn những bất cập.

Nhiều nguồn đầu độc

Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) nằm bên dòng sông Nhuệ. Nơi đây ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 đã là một trong những vùng đất giàu có, đi lên nhờ sự phát triển thương nghiệp.

Cải tạo và “giải cứu” các dòng sông trên địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ hết sức cấp bách

Cải tạo và “giải cứu” các dòng sông trên địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ hết sức cấp bách

Dòng sông Nhuệ ven làng được ví như “con đường tơ lụa” biến Cự Đà trở thành cảng trung chuyển tấp nập, góp phần tập kết hàng hóa từ Tây Bắc xuống, hoặc phía Nam lên. Đáng buồn là hiện nay dòng sông từng được ví như một thương cảng quan trọng và bức tranh đẹp ấy lại chuyển màu đen ngòm bốc mùi xú uế.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từng có thời điểm quan trắc, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có nhiều chỉ số vượt chuẩn cho phép. Cụ thể, BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước...) vào mùa mưa tại sông Nhuệ vượt từ 1,09 đến 2,28 lần; Riêng sông Đáy thì hàm lượng này vượt 1,1-2,18 lần. Lượng COD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng) tại sông Nhuệ vượt từ 1,09 đến 1,89 lần; sông Đáy vượt 1,09-1,71 lần. Ngoài ra, hàm lượng coliform (một loại vi khuẩn sống trong đất, nước...) của cả 2 sông đều cao hơn quy chuẩn cho phép...

Đề xuất giải pháp để “cứu” sông Nhuệ

Trao đổi với PV Báo Lao động Thủ đô, ông Hồ Anh Cương – Giám đốc Công ty CP Xử lý ùn tắc Giao thông và Môi trường cho biết: Sông Nhuệ là một trong những sông bị ô nhiễm nặng nhất của Thành phố.

Và để cứu dòng sông này, đơn vị cũng đã cùng các chuyên gia quy hoạch, nông nghiệp, kinh tế, tài chính, xã hội học nghiên cứu kỹ các giải pháp để “Phục hồi sông Nhuệ hết ô nhiễm” và có đề xuất quy trình thực hiện Dự án “Phục hồi sông Nhuệ hết ô nhiễm và tiêu thoát nước vào mùa mưa” gửi tới lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường. Dự án bao gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là xây dựng trạm bơm nước - Trạm nổi trên sông Hồng có công suất khoảng 4.800m3/ngày đêm để cấp nước sông Hồng vào sông Nhuệ trong những tháng nước sông Hồng xuống thấp hơn sông Nhuệ vào mùa khô từ tháng 10 đến hết tháng 4, dự kiến khoảng 10 – 15 tỷ đồng; Xây cầu mới trước cống Liên Mạc cũ; Xây lại cống Liên Mạc 1 và cống Liên Mạc 2 với cốt sâu hơn trước 3m và bằng với mực đáy sông Nhuệ sau khi nạo vét 3m bùn đi; Xây dựng trạm bơm tiêu thoát nước vào mùa mưa: Lắp 2 máy bơm với công suất 25m3/s x 2 máy bơm = 50m3/s tại vị trí cạnh cống Liên Mạc mới.Kè bê tông tại 2 bờ sông Nhuệ khoảng 1,2km (2 bên x 1,2km = 2,4km) từ đoạn đầu tiếp giáp với sông Hồng đến cửa cống Liên Mạc 1.

Giai đoạn 2 sẽ kè bê tông2 bên bờ từcửa sông Nhuệ đến cuối sông Nhuệ (giao với sông Đáy),khoảng 76km và cả 24km sông Châu Giang tiếp nối tại tỉnh Hà Nam ra tới sông Hồng và nạo vét khoảng 2 - 3m bùn đáy sông trên toàn sông;Xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông Nhuệ và khoảng 16trạm xử lý nước thải;Làm đường rộng từ 7,5m đến 11m và vỉa hè ở 2 bên bờ sông Nhuệ;Xây 10 trạm bơm tiêu thoát nước từ các khu đô thị vàosông Nhuệ; Xây cống và trạm bơm tiêu thoát nước(tiêu úng) 192.000m3/1h(tương đương 50m3/s) ở cuối cùng sông Châu Giang đoạn chảy ra sông Hồng tại tỉnh Hà Nam.

Thu Trang

Không riêng gì dòng sông Nhuệ, sông Đáy nhiều đoạn của những con sông khác trên địa bàn Hà Nội cũng không khác nào sông chết. Sông Kim Ngưu là một ví dụ. Theo ghi nhận thực tế, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông. Qua tìm hiểu, sông Kim Ngưu hiện cũng đang phải gánh đồng thời một lượng nước thải lớn.

Do nước thải được xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường như Lò Đúc, Trần Khát Chân... nên gây ô nhiễm nặng, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Dễ thấy nhất là vào mùa hè, không khí oi nóng hòa lẫn với mùi hôi thối bốc lên từ lòng sông khiến hàng nghìn hộ dân sống dọc hai bên bờ cảm thấy ngột ngạt.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2018, bình quân mỗi ngày đêm người dân Hà Nội đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 650.000 - 700.000 m3 nước thải và hơn 1.000 m3 rác. Do năng lực của hệ thống xử lý nước thải có hạn nên đến nay vẫn có khoảng 1/3 số nước thải nói trên không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi…

Thống kê sơ bộ của công ty thoát nước cho thấy, trong khu vực nội thành hiện có khoảng 360 nhà hàng, quán ăn lớn xả thẳng nước thải có chứa nhiều dầu mỡ ra môi trường, trong đó nước thải tại 240 cơ sở có hiện tượng dầu mỡ đóng váng, kết tảng hoặc đặc quánh làm tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước. Hàng trăm cửa hàng sửa chữa, rửa ô tô, xe máy không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không đạt yêu cầu đang xả thải ra môi trường.

Những dòng sông bị ô nhiễm ngoài nguyên nhân chủ quan từ hạ tầng xử lý nước thải không đảm bảo thì còn nguyên do khác xuất phát từ ý thức người dân. Một bộ phận người dân thường “xả” rác bừa bãi xuống cống, mương… gây tắc nghẽn ở hầu hết các tuyến thoát nước tại Hà Nội. Hệ lụy là hệ thống không thể tiêu thoát nước mỗi khi có mưa lớn kéo dài, dẫn đến đường phố bị ngập úng cục bộ. Thực trạng này thường thấy tại các khu vực Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), cầu Tó - Tả Thanh Oai (Thanh Trì)…

Làm sao gỡ khó?

Khách quan nhìn nhận, ý tưởng phục hồi các dòng sông cũng đã được thể hiện trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Cụ thể, quy hoạch định hướng hình thành ba lưu vực chính gồm hai bên sông Đáy, khu vực phía Bắc Hà Nội và khu vực Hà Nội cũ tạo ra hệ thống tiêu thoát liên hoàn, đặc biệt là khu đô thị trung tâm có hệ thống thoát nước đạt 90%, tiến tới 100%.

Cũng trong thời gian gần đây, nhiều đơn vị chức năng đã tích cực xử lý vấn đề này. Công ty Thoát nước Hà Nội là ví dụ. Theo tìm hiểu, thời gian qua đơn vị đã thực hiện hàng loạt các giải pháp như lắp đặt bè thủy sinh trên 39 hồ; máy sục khí trên 22 hồ để tăng cường khả năng tự làm sạch.

Bên cạnh đó, để xử lý ô nhiễm hồ Hà Nội, công ty thoát nước còn ứng dụng công nghệ Redoxy-3C làm sạch nước hồ trên địa bàn. Sau xử lý, bước đầu cho thấy nước các hồ đã hết hẳn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng phú dưỡng.

Công nghệ được áp dụng vào xử lý hồ về cơ bản không ảnh hưởng đến những thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du...Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây mới giải quyết được phần “ngọn” bởi nguồn nước ở Hà Nội ô nhiễm trầm trọng do nhiều nguyên nhân. Và một trong số bất cập đó là sự phân cấp quản lý.

Cụ thể, hiện việc quản lý, xả nước thải được quy định tại Luật Tài nguyên Nước và Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Những văn bản này có nêu rõ các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước và hệ thống công trình thủy lợi cần phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Như vậy, trên cùng một hệ thống lại có hai loại giấy phép khác nhau được cấp bởi hai cơ quan khác nhau để quản lý cùng một vấn đề.

Ngoài ra, các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi nhưng lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không có giấy phép.

Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng chỉ có thể theo dõi, phát hiện vi phạm và báo cáo lại các cơ quan chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát môi trường để xử lý. Cùng liên quan đến chính sách quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường nhưng lại có qua nhiều cơ quan cùng chung trách nghiệm dễ dẫn tới cảnh “cha chung không ai khóc”, khó quy trách nhiệm cụ thể.

Trở lại với những nỗ lực của Hà Nội. Thời gian qua, Thành phố đã và đang từng bước kiểm soát được các nguồn xả thải, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trước khi đổ ra sông đạt quy chuẩn môi trường.

Đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, những năm gần đây, thành phố đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tại Kim Liên, Trúc Bạch, Yên Sở...; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà để xử lý nước thải làng nghề và nước thải sinh hoạt cho 3 xã: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (huyện Hoài Đức); trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)...

Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các xã Sơn Đồng, Vân Canh (huyện Hoài Đức); Thanh Thùy (huyện Thanh Oai); Phùng Xá (huyện Mỹ Đức).

Tuy nhiên, để hạn chế và từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm sông như hiện nay, Thành phố cần tích cực triển khai xây dựng cống gom nước thải dọc tuyến sông để chuyển về điểm xử lý tập trung, kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông, thường xuyên tiến hành các hoạt động vớt rác và nạo vét lòng sông.

Còn nữa…

Luyện Đinh – Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-3-nan-giai-viec-hoi-sinh-cac-dong-song-84308.html