Kỳ 3: Giulio Andreotti – Quý ngài nước Ý

GD&TĐ - Sau những tác động kín đáo đằng sau vụ scandal có liên quan đến Piccionni, Andreotti ra tay vô hiệu hóa những người thân cận còn lại của de Gasperi – từng là người đỡ đầu của Andreotti trong những bước chập chững vào con đường chính trị.

Vụ thất thoát hồ sơ SIFAR

Andreotti tham gia thành lập một liên minh chính trị mới với cái tên Dorotei, nhằm hất cẳng Amintore Fanfani, thuộc phái cánh hữu trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, khi đó đang là Thủ tướng Ý và là Bí thư của đảng này.

Ngày 20/11/1958, Andreotti, đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng tổ chức Thế vận hội mùa Hè năm 1960 tại Rome.

Đầu những năm 1960, Andreotti lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó cũng là giai đoạn xảy ra vụ scandal hồ sơ SIFAR (cơ quan tình báo Ý).

Năm 1967, Admiral Eugenio Henke - Giám đốc mới lên của SIFAR – phát hiện ra hàng loạt hồ sơ về các nhà chính trị đối lập đã biến mất khỏi tủ an toàn của cơ quan này.

Tin tức này, cùng nhiều thông tin trong số hồ sơ bị mất, được tung ra mặt báo, khiến dư luận xôn xao. Với tư cách là Bộ trưởng, Andreotti chịu trách nhiệm phải giải quyết êm xuôi vụ việc này. Hai hội đồng quốc gia đã được thành lập (do các tướng Lombardi và Beolchini chỉ huy) để điều tra về vụ việc này.

Tuy nhiên, kết quả điều tra đã bị chính phủ Ý kiểm duyệt kỹ lưỡng, và chỉ cho phép công khai một vài phần nhỏ (chẳng hạn như 34 trang trong tổng số 64 trang trong bản báo cáo của Beolchini, cùng toàn bộ phần tham khảo, đã được giữ kín đến tận năm 1991; toàn bộ danh sách những người bị điều tra hoàn toàn bí mật).

Nhiều nguồn tin cho rằng số hồ sơ này đã được nhân bản trước khi bị hủy, và chuyển cho Licio Gelli, thủ lĩnh của Hội Tam điểm Progranda 2 – người dính líu đến hàng loạt vụ scandal những năm 1980.

Aldo Moro, khi đó là người đứng đầu đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, yêu cầu đưa vụ việc ra trước nghị viện, bởi việc ai đó chiếm giữ những thông tin này đều có thể sử dụng như những vũ khí hiệu quả chống lại các nhà chính trị cầm quyền.

Dưới sức ép này, năm 1968, vụ việc được đưa ra trước nghị viện Ý, tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi nảy lửa, người đứng sau vụ việc vẫn “bình chân như vại”.

Sau này, SIFAR đổi tên thành SID (Hệ thống thông tin phòng thủ), nhưng “bình mới rượu cũ”, cơ cấu và nhân sự của SID vẫn gần như không có gì thay đổi so với SIFAR trước kia.

Vụ việc cho thấy chính phủ Ý không có khả năng, hoặc không muốn đưa ra những biện pháp thích hợp để xử lý những quan chức cao cấp của cơ quan tình báo Ý, và quyền lực của Andreotti chẳng mảy may suy chuyển.

Năm 1968, Andreotti được chỉ định là người phát ngôn của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo trong nghị viện, và ông tiếp tục giữ chức này đến năm 1972, khi ông đặt chân vào vị trí Thủ tướng, cùng một số chức vụ quan trọng khác trong chính phủ.

Chỉ làm Thủ tướng trong hai năm, năm 1974 – 1975 Andreotti được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông thiết lập mối quan hệ giữa Ý với các nước Ả Rập vùng Địa Trung Hải; đồng thời ủng hộ các thương vụ kinh doanh giữa Ý và Liên Xô (cũ). Cứ như vậy, Adreotti chuyển qua chuyển lại nhiều vị trí quan trọng trong chính trường nước Ý.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ky-3-giulio-andreotti-quy-ngai-nuoc-y-2511341-b.html