Kỳ 3: Chân dung Bible John

(PL&XH) - Không giống như hai vụ án mạng trước đó, lần này kẻ sát nhân đã để lại manh mối nhận dạng quan trọng. Trước tiên, đó là một vết cắn trên cơ thể nạn nhân Helen cùng với vết tinh dịch trên quần áo cô.

Ngoài ra, cảnh sát cũng cung cấp cho giới truyền thông một lượng thông tin khổng lồ về nghi can tên John nhằm mục đích nhận được sự trợ giúp từ công chúng. Với khả năng có thể trích dẫn từ Kinh thánh, báo chí đã gọi hung thủ là “Bible John”, một cái tên đã ám ảnh thành phố Glasgow nhiều năm sau đó.

Phác thảo chân dung nghi can Bible John của cảnh sát Scotland

Một chân dung màu về kẻ sát nhân dựa trên lời khai của các nhân chứng đã được cảnh sát thực hiện và phổ biến rộng rãi ở thành phố Glasgow. Chân dung đã giúp cảnh sát nhận được hơn 4.000 thông tin từ những công dân tuyên bố đã nhìn thấy hoặc quen biết người đàn ông trong tranh. Một số người không may có hình dáng bên ngoài khá giống với mô tả trong tranh đã phải mang theo thẻ của cảnh sát khẳng định rằng họ đã trải qua thẩm vấn và vô tội. Chồng của Helen cũng xuất hiện trên truyền hình kêu gọi kẻ giết người ra đầu thú.Trong khi phải xử lí những phản hồi của công chúng về vụ án này (có thời điểm hơn 100 cảnh sát được huy động và hơn 50.000 thông tin được thu thập), cảnh sát cũng tiến hành thẩm vấn nhiều lái xe bus và tài xế taxi. Nhiều nữ cảnh sát trẻ cũng khoác lên mình những bộ váy nhảy để tới sàn Barrowland hàng đêm nhằm tìm kiếm thủ phạm phù hợp với nhận dạng mà chị gái của Helen cung cấp. Ngoài ra, cảnh sát cũng tập trung điều tra các thành viên lực lượng vũ trang (và có thể là cả trong lực lượng cảnh sát), bởi mái tóc cắt ngắn của Bible John cho thấy nhiều khả năng hắn từng tại ngũ.

Cho đến giữa thập niên 1970, một nhà tâm lý học người Đức đã công bố nghiên cứu sơ bộ của mình tính cách của hung thủ. Theo đó, Bible John có vẻ ngoài thân thiện, dù cũng khá nhút nhát. Nhà tâm lý này cho rằng hung thủ thích đi xem phim một mình và hay đọc về những chủ đề từ Đức Quốc xã cho tới ma thuật. Trong khi đó, Jean, chị gái của nạn nhân Helen, được cảnh sát gọi tới hơn 250 lần để nhận dạng nghi can, song không hề có vụ bắt giữ nào được thực hiện. Cho đến lúc này, Bible John và ba người phụ nữ trẻ bị giết dường như đã phai nhạt dần trong tâm trí người dân Glasgow khi thập kỉ mới bắt đầu.

Mặc dù chỉ có Patricia, Jemima và Helen được chính thức coi là nạn nhân của một kẻ giết người có tên Bible John, song nhiều vụ án mạng tương tự khác cũng được cho là do cùng một kẻ giết người thực hiện. Chẳng hạn như vào năm 1977, bóng ma về Bible John đã xuất hiện trở lại trong mắt dư luận khi một nạn nhân cũng dành buổi tối cuối cùng của mình tại một sàn nhảy ở Glasgow và thi thể phát hiện cho thấy cô gái cũng bị xiết cổ và túi xách của nạn nhân thì biến mất.

Trong khi đó, một người đàn ông có tên John M. nằm trong số những nghi can hàng đầu của các vụ án mạng này. Tuy nhiên, John M. đã vượt qua cửa ải nhận dạng của Jean, dù rất giống với bức chân dung Bible John mà cảnh sát công bố trước đó. Nhiều năm đã trôi qua, song cái tên John M. tiếp tục được coi là nghi can chính cho đến khi người này tự sát vào năm 1980. Chỉ đến cuối những năm 1990, khi công nghệ điều tra tội phạm học đã phát triển mạnh mẽ, cảnh sát mới bắt đầu lật lại những bằng chứng cũ là vết cắn trên người nạn nhân Helen (cùng với đó là vết tinh dịch trên quần áo của cô).

(còn nữa)
Đào Diệu (tổng hợp)

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120406095010719p1003c1034/ky-3-chan-dung-bible-ohn.htm