Kỳ 3: Cái gốc của những mâu thuẫn là từ giáo dục trong gia đình

Sau những vụ vợ chồng mâu thuẫn, chồng bắn vợ, vợ bạo lực với chồng, đã có nhiều góc nhìn để phân tích, đánh giá nguyên nhân và tìm ra giải pháp khắc phục. Vậy, ảnh hưởng của vấn đề giáo dục hiện nay đến hành vi của mỗi người? Giáo dục từ nhà trường, gia đình, xã hội sẽ tác động ra sao đến xử của các thành viên trong gia đình, nhất là giữa vợ và chồng, PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội).

Giáo dục gia đình rất quan trọng

Thưa ông, những mâu thuẫn của vợ chồng không thể giải quyết được dẫn đến xô xát và hành động vi phạm pháp luật. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào dưới góc nhìn của một nhà giáo dục?

Quan hệ vợ chồng hiện nay có những mặt lỏng lẻo, không chặt chẽ. Nguyên nhân là quan hệ trong gia đình, bản thân gia đình truyền thống hay còn gọi là gia phong của mỗi gia đình cũng bị lỏng lẻo. Hiện nay, có nhà thì có truyền thống chặt chẽ, anh em đùm bọc yêu thương lẫn nhau, bố mẹ che chở cho con, hết lòng hết sức vì con, dạy con cái đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, với một số gia đình thì gia phong đó đã bị phá vỡ, bị lỏng lẻo và có những gia đình đã không thể gìn giữ một cách trọn vẹn. Khi đó, chúng ta có thể hình dung gia phong bị mất đi, tức là cái gốc đã mất đi.

Từ xưa đến nay, giáo dục trong gia đình là rất quan trọng. Ngoài giáo dục từ nhà trường, từ xã hội thì giáo dục của gia đình là hết sức quan trọng để mỗi người không chỉ lớn lên một cách thuần túy mà còn trưởng thành, bản lĩnh sống vững vàng theo thời gian.

Có nghĩa là, giáo dục trong mỗi gia đình đang có dấu hiệu bị buông lỏng?

Hiện nay, tôi thấy chúng ta mới xóa đói, giảm nghèo về mặt vật chất, thiếu thốn, còn cái đói về giáo dục trong mỗi gia đình lớn hơn rất nhiều. Nhiều người đang coi thường việc xây dựng nền nếp trong mỗi gia đình.

Khi giáo dục trong gia đình bị lỏng léo kéo theo hệ lụy như bố mẹ không giáo dục được con, con cái không nghe lời bố mẹ, cãi lại bố mẹ, thậm chí xung đột trong quan hệ cha mẹ và con cái dẫn đến nhiều hệ lụy.

Tôi cho rằng, chính từ giáo dục gia đình đã ảnh hưởng đến con người ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc ứng xử với người khác khi lớn lên, ra ngoài xã hội và xa hơn nữa là ứng xử trong quan hệ vợ chồng mà chúng ta đang bàn đến ở đây. Giáo dục trong gia đình cũng chính là cái gốc của mọi vấn đề.

Mâu thuẫn vợ chồng, gia đình có được giải quyết một cách êm thấm hay không, có tạo ra những xung đột hay không, có gây ra hành vi đau lòng dẫn đến hai bên xô xát hay không… cũng chính là từ việc người đó đã được giáo dục trong hoàn cảnh gia đình như thế nào. Phần lớn việc giáo dục trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời còn lại của họ. Con cái có thể học theo cha mẹ trong cách giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống sau này.

Nếu chúng học được từ cha mẹ những điều tốt đẹp, bình tĩnh giải quyết mọi vẫn đề thì sẽ không bao giờ có những xung đột đáng tiếc xảy ra. Còn nếu cái gốc là gia đình, là gia phong nền nếp của gia đình đã bị phá vỡ thì con cái sẽ khó lòng được uốn nắn một cách tròn trịa, sau này, những ứng xử của chúng cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng nếu như đã sinh sống trong một gia đình có quá nhiều vấn đề.

TS. Nguyễn Tùng Lâm: “Những gia đình mà tình yêu không được xây dựng trên nền tảng nhất định, giá trị, tôn trọng hay tình yêu đích thực thì rất khó có hạnh phúc”. Ảnh: Khánh Phong

Xung đột vì sự gắn kết trong gia đình không trọn vẹn

Như vậy, xung đột hay chính cách ứng xử của các cặp vợ chồng cũng chịu sự ảnh hưởng lớn từ giáo dục gia đình?

Bản thân những gia đình đổ vỡ, không cứu chữa được, dẫn đến những xung đột là thuộc cách ứng xử và tính cách của những người đó đối với nhau. Bởi vì, thông thường nếu thực sự thấy yêu thương nhau, tôn trọng nhau thì tất cả những mâu thuẫn đó sẽ được lắng xuống, được giải quyết một cách êm ấm, tốt đẹp.

Nhưng những gia đình mà tình yêu không được xây dựng trên nền tảng nhất định, giá trị, tôn trọng hay tình yêu đích thực thì rất khó có hạnh phúc. Đấy là trường hợp họ gặp nhau, gắn kết với nhau, sinh con đẻ cái… họ cứ nghĩ như thế là thành vợ chồng. Đó là nền tảng không dựa trên tình yêu, giá trị nhân văn nhất định, mỗi người đi theo một cá tính riêng, chỉ vì quyền lợi, cá tính riêng mà không vì người khác. Họ buông thả theo bản năng của mỗi người, đi theo quyền lợi riêng của mỗi người, không có gì gắn kết hay sống vì nhau.

Dường như với họ, quan điểm hôn nhân đã khác, gia đình ngoài tình yêu thương còn có trách nhiệm, nhưng họ không thấy được điều đó. Như thế để thấy rằng, gia đình là rất quan trọng, giáo dục trong gia đình cũng rất quan trọng. Đã gọi là gia đình thì phải tự kiểm soát chính mình. Nếu không thì sẽ gây ra những đổ vỡ.

Tôi cho rằng, sự hiểu biết về pháp luật của các cá nhân hiện nay chưa đủ, còn hạn chế. Cho nên, họ thường hành động theo bản năng mà không kiểm soát hành vi của mình theo pháp luật. Ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm, yêu thương nhau thì phải hiểu biết về đời sống, về pháp luật.

Tuy nhiên, nền tảng cốt yếu vẫn là giáo dục và tình yêu thương trong gia đình. Thích nhau là lấy nhau, không quan tâm nhiều đến cuộc sống về sau gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ của vợ chồng sẽ như thế nào.

Giáo dục rất quan trọng trong định hướng cho con người có những tư tưởng, hành động đúng đắn. Hiện nay, những hoạt động của các tổ chức xã hội dường như chưa có nhiều tác động đến vấn đề giáo dục con người. Vậy, giải pháp cho vấn đề giáo dục con người nhằm hạn chế xung đột, mâu thuẫn dẫn đến hành động mất kiểm soát là gì?

Theo tôi hiện nay giáo dục giới tính trong nhà trường thì có nhưng chưa đặt vấn đề đến mức xa hơn là định hướng về gia đình sau này sẽ thế nào, cuộc sống gia đình sẽ ra sao.

Nhưng cái gì cũng bắt nhà trường giáo dục thì khó. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức xã hội hiện vẫn chưa đủ để gắn kết tạo ra sức mạnh cộng đồng. Trước sống bằng khuôn khổ nhiều hơn, bây giờ cuộc sống tự do hơn, có khi nhà nào biết nhà đấy nên họ cũng không nhìn ra xung quanh.

Tôi nghĩ các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền về vấn đề này, làm sao để các gia đình có thể giải quyết xung đột, mâu thuẫn một cách sớm nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất, tránh mâu thuẫn dồn nén đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Là người làm công tác giáo dục, ông có lời khuyên thế nào với các cặp vợ chồng?

Tôi nghĩ cần đưa thành quy tắc xã hội đối với chuẩn mực gia đình. Khi kết hôn họ phải có những cam kết về trách nhiệm, về ứng xử với nhau trong quan hệ gia đình. Gia đình không phải là tổ chức riêng không ai động đến mà sẽ có những mối quan hệ ràng buộc để mỗi người tự có trách nhiệm với nhau hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-3-cai-goc-cua-nhung-mau-thuan-la-tu-giao-duc-trong-gia-dinh-126264.html