Kỳ 2: Xóa đói, giảm nghèo từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Điều dễ nhận thấy trong bức tranh kinh tế của Thủ đô là tỷ trọng công nghiệp tăng, nông nghiệp đã giảm nhưng với mỗi địa bàn, sự chuyển đổi này vô cùng linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với tập quán canh tác cũng như điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy, nhiều nơi kinh tế tăng trưởng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên…

Chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế

Theo báo cáo về tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, năm 2017, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008; thu ngân sách năm 2017 đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008; chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008; tổng vốn đầu tư xã hội cũng gấp 2,85 lần so với thời điểm mới hợp nhất…

Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ và chất lượng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, du lịch… tiếp tục phát triển. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần so với năm 2008; khách du lịch quốc tế đến Thủ đô tăng từ 1,3 triệu lượt (năm 2008) lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (gấp 3,8 lần), Hà Nội nằm trong top 10 TP có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp giai đoạn 2008-2017 là 8,61%/năm; có 8 khu công nghiệp, 43 cụm công nghiệp được lấp đầy, hoạt động ổn định. Công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, công nghệ cao tiếp tục phát triển, chiếm 83,56% tổng giá trị sản xuất trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhiều DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực ở top 500 DN lớn nhất nước; sản xuất tiểu thủ công nghiệp của làng nghề được khuyến khích phát triển. Năm 2017, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tăng 70 làng so với năm 2010.

Minh chứng cho những nhận định này là sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của một số huyện ngoại thành. Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay trên quê hương, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai dẫn chứng: Trước khi hợp nhất, huyện Quốc Oai có điều kiện kinh tế còn khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Sau khi sáp nhập, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất ngày càng cao, bình quân 11% năm; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế trước năm 2008 chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp xây dựng chiếm 40% thì đến nay đã tăng lên 57%; nông nghiệp giảm còn 16,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ từ 72% lên 86%; giá trị gia tăng 249% và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 28% xuống còn 14% đến hết năm 2017 (trong khi giá trị vẫn gia tăng 48%). Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2017 đạt 10.088,4 tỷ đồng (năm 2008 là 3.460,5 tỷ đồng) tăng 191,5%.

“Nếu năm 2008 thu nhập bình quân chỉ trên dưới 20 triệu đồng/người/năm đến nay đã tăng lên 39 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trước năm 2008 Quốc Oai là 1 trong những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, có năm 4%-5%, đến nay còn 258 hộ nghèo, chiếm 0,48%-nhất khối huyện”, ông Nguyễn Đức Phương nhấn mạnh.

Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu của các địa phương khi mới thay đổi địa giới hành chính đã dần được tháo gỡ và tạo sự phát triển đồng bộ. Để có được điều đó cũng phải kể đến sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt của chính quyền các cấp: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để phát triển kinh tế với tỷ trọng phù hợp…

Chia sẻ về quan điểm chỉ đạo của huyện Thạch Thất khi mới tiếp quản thêm 3 xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Doãn Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất cho biết: Sau 10 năm, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm dần nông nghiệp. Chỉ tiêu lớn nhất ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng thì quan trọng nhất là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và hộ nghèo.

Trước khi hợp nhất 2 xã này trên 20% hộ nghèo, Thạch Thất 9,3%. Thu nhập bình quân đầu người từ huyện chỉ 10-12 triệu đồng/người/năm nay là 52 triệu đồng/người/năm. Chỉ tiêu người dân trong tuổi lao động có việc làm 98%; lao động chưa đến tuổi nhưng có thu nhập từ lao động.

Còn tại huyện Mê Linh, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện: Kinh tế huyện duy trì phát triển với tốc độ tương đối cao; cơ câụ́ kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế trong 10 năm của huyện đạt mức tăng bình quân khá cao (10,2%/năm): Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, năm 2017 đạt 35,4 triệu đồng/người, gấp 3,2 lần so với năm 2008 (11,04 triệu đồng/người)….

Các cụm công nghiệp hoạt động đã tăng ngân sách cho địa phương, tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: T.A

Bức tranh nông thôn Hà Nội tươi sáng, khang trang

Điều dễ nhận thấy khi về nông thôn của các huyện ngoại thành Hà Nội là bộ mặt làng quê đã thực sự chuyển mình đổi thay: Không còn hình ảnh những con đường đất lầy lội khi mưa, bụi mịt mù khi nắng; không còn những mái nhà tranh xơ xác… Đường về xã Yên Bình của huyện Thạch Thất 10 năm trước vô cùng gian nan bởi những con đường đất thì nay đường trong làng, xóm đều được bê tông hóa; nhà cửa kiên cố, khang trang.

Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, ngay sau khi tiếp quản 3 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thì việc làm quan trọng nhất là làm sao để có sự hòa nhập cho bà con. Vì thế, điều quan trọng nhất là tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm cho 3 xã này trước, đầu tư hơn cả các xã của huyện Thạch Thất.

“Ngày 1-8 khi công bố hợp nhất thì 3 xã này đã có đài tiếng nói ngay từ giờ phút đầu để tạo niềm tin cho các tầng lớp nhân dân; chỉ sau 30 ngày thôn Hương của xã Yên Trung đã có điện; Do được ưu tiên đầu tư điện đường trường trạm nên kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong số 21/23 xã trên địa bàn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới thì 3 xã Yên Trung, Yên Bình… đã về đích trước cả những xã ngoài”, ông Nguyễn Doãn Hoàn thông tin.

Chị Đinh Thị Xuân, ở xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất vui mừng bày tỏ: “Kể từ khi bản em về với Thủ đô đến nay, em được tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định. Ở nhà em cũng chỉ làm ruộng nay em vẫn làm công việc thường ngày là trồng rau, làm cỏ nhưng khác là có thu nhập ổn định. Mỗi tháng em được trả 6 triệu đồng, được đóng bảo hiểm. Em làm cho trang trại trồng rau sạch nên không dùng thuốc bảo vệ thực vật, em thấy đảm bảo sức khỏe”.

“Bản thân em có đời sống vật chất ổn định và ở bản đường sá dễ đi lại thuận tiện; các công trình điện, đường, trường, trạm đầy đủ, trẻ con được đi học, chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước kia…”, chị Xuân phấn khởi nói.

Đối với huyện Mê Linh, công tác xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở việc triển khai có hiệu quả chính sách dồn ghép ruộng đất mà còn đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nhờ vậy, đến nay huyện Mê Linh đã có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã đạt và cơ bản đạt 16-18 tiêu chí.

Sau 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đường làng ngõ xóm bê tông hóa sạch sẽ; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; xây dựng nhà văn hóa đến từng thôn phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư nông thôn; giao thông thủy lợi nội đồng được cứng hóa, phục vụ sản xuất nông nghiệp....

Còn tại huyện Quốc Oai, thực hiện xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra, đã có 100% số xã về đích (20/20 xã)-chỉ tiêu là năm 2020. Huyện cũng phấn đấu là huyện về đích nông thôn mới năm 2018. Phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện nông thôn mới của các xã có 16 xã dồn điền đổi thửa đến nay thực hiện từ 12 thửa còn 1-2 thửa, thuận lợi trong sản xuất, nâng cao giá trị/ha canh tác… Đồng thời, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cũng tăng đạt 67%, trước năm 2008 tỷ lệ này chỉ khoảng 30%-40%, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Không chỉ ổn định về kinh tế, bức tranh nông thôn mới của Hà Nội dần hé mở với những gam màu tươi sáng đầy khởi sắc về đời sống văn hóa, tinh thần phong phú trong mỗi làng quê…

(Còn nữa)

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-2-xoa-doi-giam-ngheo-tu-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-119295.html