Kỳ 2: Tranh giành kiểm soát nguồn lực kinh tế

Ngày 8-2-2018, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu âm mưu chiếm giữ các nguồn lực kinh tế của Syria, thay vì tập trung tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều này cho thấy mục tiêu kinh tế của các cường quốc tham chiến ở Syria ngày càng rõ ràng hơn.

Nhắm đến vàng đen
Như hầu hết các nước Trung Đông khác, ngành công nghiệp dầu khí ở Syria đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), doanh số bán dầu trong năm 2010 của Syria ở mức 3,2 tỷ USD, chiếm 25,1% GDP. Dù vẫn là nước sản xuất dầu tương đối nhỏ, chỉ chiếm 0,5% sản lượng toàn cầu trong năm 2010, nhưng Syria là quốc gia sản xuất dầu thô quan trọng duy nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải bao gồm Jordan, Lebanon, Israel và Palestine.

Việc liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu tiếp tục cuộc không kích nhằm vào lực lượng dân quân Syria, cho thấy sự hiện diện bất hợp pháp của Hoa Kỳ tại Syria thực chất là nhằm kiểm soát các nguồn lực kinh tế tại quốc gia Trung Đông này, không phải là chiến đấu chống lại IS.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga

Trữ lượng dầu nổi tiếng của Syria chủ yếu ở phần phía Đông đất nước, tại tỉnh Deir ez-Zor gần biên giới với Iraq và dọc theo sông Euphrates; một số mỏ dầu nhỏ hơn nằm ở miền Trung. Dù Syria sản xuất số lượng dầu và khí đốt tương đối khiêm tốn, nhưng nó có vị trí chiến lược về an ninh khu vực và các tuyến vận chuyển năng lượng tương lai. Phần đầu tiên của đường ống dẫn khí Ả Rập phải đi qua Syria với chiều dài tổng cộng 600km, bắt đầu ở biên giới phía Nam với Jordan, kết nối với các nhà máy điện Tishreen và Deir Ali. Sau đó, nó được mở rộng để nối với trạm điện Deir Ammar ở Lebanon và Baniyas ở Syria. Phần tiếp theo của đường ống được lên kế hoạch nối đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc nội chiến đang diễn ra đã làm chậm dự án này.

Cùng với cuộc nội chiến, ngành dầu khí của Syria đang phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm sự suy giảm sản lượng và sản xuất do các vấn đề công nghệ và sự suy giảm trữ lượng dầu mỏ. Tỷ lệ sản xuất dầu của Syria đã giảm từ đỉnh cao gần 97.000m3/ngày vào năm 1995 xuống còn khoảng 61.200m3/ngày vào năm 2010.

Trong khi đó, tiêu dùng đang tăng lên, có nghĩa Syria có thể trở thành nhà nhập khẩu dầu ròng trong vòng 1 thập niên. Để chống lại vấn đề này, Syria đã tăng cường nỗ lực thăm dò dầu. Trước khi nội chiến diễn ra, việc sản xuất và phát triển dầu ở thượng nguồn của Syria là nhiệm vụ của Công ty Xăng dầu Syria (SPC), thuộc Bộ Dầu mỏ và Khoáng sản.

SPC đã nỗ lực để đảo ngược xu hướng giảm sản xuất và xuất khẩu dầu bằng cách tăng cường thăm dò và khai thác dầu khí cùng với các công ty dầu lửa nước ngoài. SPC trực tiếp quản lý khoảng một nửa sản lượng dầu của nước này và chiếm 50% cổ phần trong các hoạt động phát triển với các đối tác nước ngoài.

Một người lính Nga trên trực thăng tại khu vực giàu dầu mỏ Deir ez-Zor.

Một người lính Nga trên trực thăng tại khu vực giàu dầu mỏ Deir ez-Zor.

Đẩy lùi các tập đoàn hiện có tại Syria

Đầu tư nước ngoài là điều quan trọng để cải thiện mức sản xuất. Tuy nhiên do nội chiến, các công ty phương Tây bị cấm hoạt động tại Syria. Cụ thể, Tập đoàn sản xuất nước ngoài Al-Furat Petroleum Company, một liên doanh được thành lập năm 1985, hiện sở hữu 50% SPC, phần còn lại gồm Anglo-Dutch Shell 32% và Himalaya Energy Syria 18% - một liên doanh giữa Công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ. Tháng 12-2011 các công ty này đã đình chỉ hoạt động tại Syria do lệnh trừng phạt của EU.

Một tập đoàn quan trọng khác là Công ty Dầu khí Deir Ez Zor, thuộc sở hữu của SPC và Total của Pháp. Total đã thiết lập hoạt động ở Syria vào năm 1988 và năm 2008 đã ký lại thỏa thuận chia sẻ quan hệ với Syria trong chuyến thăm Syria của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, khẳng định sự quan tâm của Pháp đối với các hoạt động của công ty trong nước. Trước chiến tranh, Total có sản lượng trung bình 4.300m3/ngày ở các mỏ xung quanh Deir ez Zour. Sau khi chiến tranh bùng nổ và các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp dụng cho Syria, hoạt động của công ty này cũng bị đình chỉ.

Một tay chơi mới tham gia ngành dầu khí của Syria là Gulfsands Petroleum của Vương quốc Anh. Vào đầu năm 2011, Gulfsands Petroleum đã sản xuất 3.290m3/ngày. Nhưng đến tháng 2-2012, Gulfsands đã đình chỉ hoạt động ở Syria do lệnh trừng phạt của EU cấm Syria buôn bán dầu mỏ. Các đối tác quốc tế khác bao gồm Suncor của Canada, Kulczyk của Ba Lan, IPR của Hoa Kỳ-Ai Cập, INA của Croatia, Stroytransgas và Soyuzneftegaz của Nga, Triton của Singapore… cũng bị đình chỉ.

Tranh giành các mỏ dầu tại Deir ez-Zor
Cáo buộc của Nga được đưa ra sau khi các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết và làm bị thương hàng chục nhà thầu quân sự Nga ở Syria đêm 7-2. Khi đó, một lực lượng 500 người, phần lớn là nhà thầu Nga và một lực lượng dân quân Kitô giáo trung thành với chế độ Syria, đã vượt qua sông Euphrates gần Deir Ezzor, một thành phố do IS kiểm soát cho đến cuối năm ngoái. Những người Nga đã làm việc cho một công ty bán quân sự tên là Wagner, nơi có hàng trăm nhà thầu tại Syria, giúp quân đội Nga và các lực lượng ủng hộ chế độ.

Các lực lượng này đang tiến tới mỏ dầu khí Coneco của các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu và được Hoa Kỳ hậu thuẫn chống lại IS. Khi các lực lượng ủng hộ chế độ bắt đầu bắn phá một căn cứ do SDF giữ, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng các cuộc không kích và pháo binh hạng nặng, kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Các chỉ huy Hoa Kỳ đã cố gắng tiếp cận đối tác Nga thông qua những gì được gọi là các kênh phân cấp, để cảnh báo về phản ứng của họ. Nhưng đến khi các thông tin liên lạc được thiết lập, cuộc phản công đã được tiến hành.Và kết quả khá thảm khốc cho phía Wagner.

Ruslan Leviev, một nhà hoạt động với Nhóm Tình báo Xung đột tại Moscow, tin rằng vụ tấn công vào căn cứ của tổ chức SDF là sự tính toán sai lầm, do quá tin rằng sự chú ý của các lực lượng chống chế độ, đa số là người Kurd, sẽ tập trung vào một chiến dịch đang diễn ra của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd xung quanh Afrin ở Tây Bắc Syria. "Các lực lượng ủng hộ Assad nghĩ rằng người Kurd bị phân tâm bởi những gì đang xảy ra ở Afrin, do đó sử dụng cơ hội và cố gắng kiểm soát nhà máy dầu khí Coneco" - Leviev nói.

Nhưng tại sao Wagner lại chấp nhận nguy cơ này để kiểm soát mỏ dầu? Wagner được dẫn dắt bởi Dmitry Utkin, cựu Đại tá của các lực lượng đặc biệt Nga, người đang bị trừng phạt của Hoa Kỳ vì giúp các nhà hoạt động ly khai thân Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Utkin từng là lãnh đạo an ninh cho một đầu sỏ chính trị Nga tên Yevgeny Prigozhin, người có quan hệ mật thiết với Kremlin.

Prigozhin điều khiển một mạng lưới các công ty Nga, bao gồm Concord Management and Consulting. Các hồ sơ của công ty cho thấy một người có tên Dmitry Utkin, cùng tên với ông chủ Wagner, là Tổng giám đốc của Concord. CNN cũng cho biết đã thấy một bản hợp đồng giữa Evro Polis và chế độ Syria.

Theo đó Evro Polis nhận được 25% thu nhập dầu mỏ của quân nổi dậy. Coneco, mỏ dầu gần Deir Ezzor, là một trong những khu vực có giá trị nhất trong tay phiến quân. Theo một số hãng tin, hầu hết khu vực Deir ez-Zor đã nằm dưới sự kiếm soát của SDF do người Kurd đứng đầu từ tháng 10-2017. Tại đó, lực lượng người Kurd hiện nay đang chiếm giữ 2 mỏ dầu al-Omar and al-Tanak, được coi là lớn nhất tại Syria, cung cấp 27.000 thùng dầu/ngày.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/ky-2-tranh-gianh-kiem-soat-nguon-luc-kinh-te-55001.html