Kỳ 2: Thực trạng đáng báo động

Hiện nay, phần lớn các công nhân xây dựng phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thậm chí độc hại bởi ô nhiễm không khí, khói bụi nhưng chưa được trang bị bảo hộ bảo đảm an toàn. Nhiều công trình, lao động vẫn đang làm việc trong tình trạng không đảm bảo về an toàn lao động.

Còn chủ quan, lơ là

Cùng với sự phát triện mạnh mẽ của nền kinh tế, những năm gần đây, số lượng dự án, công trình xây dựng tại Hà Nội tăng lên nhanh chóng.

Cuối tháng 9, đi qua một công trường xây dựng thuộc địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), phóng viên bắt gặp cảnh một tốp công nhân không mặc đồ bảo hộ đang đứng chênh vênh trên tấm gỗ bắc ngang giàn giáo để trát vữa. Bàn tay người công nhân chuyển động liên tục, bàn chân cũng nhích dần dọc những tấm ván mỏng, chiều rộng chỉ non 2 gang tay.

Hình ảnh người lao động làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động đã trở nên quen thuộc. (Ảnh: S.H)

Hình ảnh người lao động làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn lao động đã trở nên quen thuộc. (Ảnh: S.H)

Khi được hỏi về sự nguy hiểm khi làm việc trong điều kiện không mũ, không dây bảo hộ, một công nhân quê ở Nghệ An nói: “Mang thêm mũ với dây bảo hộ làm việc vướng víu lắm. Những công việc như phụ hồ, trát vữa, đổ trần từ tầng 10 trở xuống hầu như không mấy ai dùng tới đồ bảo hộ”.

Khảo sát thêm một số công trình xây dựng tại các con phố lớn nhỏ tại nhiều khu vực thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, dễ dàng nhận thấy, lời người thợ phụ hồ nói là có căn cứ. Dường như, chỉ khi đu người treo trên lưng chừng tòa cao ốc, mới thấy công nhân dùng đồ bảo hộ, còn với các công trình thấp tầng, dù giàn giáo dựng rất chênh vênh, nhiều người lao động vẫn thản nhiên làm việc.

Dễ dàng nhận thấy, các công nhân xây dựng treo mình làm việc trên cao trong điều kiện đồ bảo hộ thô sơ đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều địa phương, phổ biến ở các công trình dân sinh, và cũng không hiếm gặp ở nhiều công trình xây dựng.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn Thành phố xảy ra 694 vụ tai nạn lao động, trong đó có 190 vụ làm chết người, tăng 74,3% số vụ việc, tăng 200% số vụ có người chết và tăng 77% số người thương vong so với giai đoạn trước đó.

Năm 2019, số vụ tai nạn lao động vẫn trên đà tăng khi toàn thành phố xảy ra 452 vụ (bằng 65% số vụ so với cả giai đoạn 2016-2018), làm 464 người bị nạn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn đau lòng ở lĩnh vực xây dựng. Điển hình là sự cố mất an toàn lao động tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) làm 4 người tử vong.

Đáng lo hơn, hơn 40% số vụ tai nạn lao động trên địa bàn Hà Nội xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, trong các công trình nhỏ, lẻ, nhà dân do ngã từ trên cao, vật rơi từ trên cao, sập giàn giáo… Đa số nạn nhân của các vụ tai nạn lao động là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên khi không may gặp tai nạn, họ không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội, gây thiệt thòi về nhiều mặt.

Thiếu hiểu biết pháp luật, người lao động chịu thiệt

Trên thực tế, những số liệu về tai nạn lao động chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bởi có những vụ tại nạn lao động khi xảy ra, nhiều đơn vị thi công đã cố tình bưng bít thông tin, thỏa thuận bồi thường với người nhà nạn nhân không làm đơn bãi nại. Những vụ việc như vậy thường sẽ không được đưa vào số liệu thống kê vì dường như không được mấy ai biết tới.

Làm việc trên cao mà không dùng dây bảo hiểm trở thành chuyện thường ngày với các công nhân. (Ảnh: S.H)

Anh N.Q.V, một kỹ sư xây dựng chia sẻ, thời gian đầu mới bắt đầu làm việc tại các công trường anh không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy một người công nhân (không đồ bảo hộ) rơi xuống khu vực đang tiến hành đổ trụ và tử vong. Ngay sau đó đơn vị thi công liền gọi cho người nhà nạn nhân thỏa thuận bồi thường. Sự việc sau đó chỉ có những người làm trong công trường và người nhà nạn nhân được biết, còn phía cơ quan chức năng có lẽ chưa thể phát hiện.

“Càng ít người biết tới tai nạn càng dễ sắp xếp. Việc giấu nhẹm thông tin, không muốn báo chí và người dân biết về các sự cố tai nạn lao động đang diễn ra ở không ít công trình”- anh V chia sẻ.

Tại Hà Nội, liên quan những vụ việc tương tự, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội), cho biết: Khi tai nạn lao động xảy ra, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng gây hậu quả chết người, thì người sử dụng lao động đã tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân, hỗ trợ một khoản tiền để gia đình đưa nạn nhân về quê mai táng, không báo cho cơ quan chức năng theo quy định. Vấn đề này xảy ra chủ yếu ở các công trình xây dựng, nơi có đông lao động từ các tỉnh lên Hà Nội làm việc thời vụ, ngắn hạn.

Khi thông tin về tai nạn lao động bị bưng bít sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, trong đó bao gồm cả quyền lợi trước mắt và quyền lợi lâu dài cho gia đình nạn nhân.

Cụ thể, đối với những người lao động thuộc đối tượng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (hợp đồng lao động dưới một tháng) khi bị tử vong vì tai nạn lao động, người sử dụng lao động chỉ hỗ trợ cho gia đình nạn nhân một khoản tiền theo thỏa thuận, phần lớn không bằng mức quy định của pháp luật (ít nhất là 30 tháng tiền lương của người lao động, trong trường hợp không hoàn toàn do lỗi của người lao động).

Tuy nhiên, do không hiểu biết pháp luật nên gia đình nạn nhân thường chấp thuận khoản tiền này, đôi khi còn nghĩ rằng người sử dụng lao động đã ưu ái, tạo điều kiện, chứ không biết rằng họ chưa được chi trả khoản bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Với những trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người sử dụng lao động không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, khi bị tai nạn tử vong thì lẽ ra ngoài khoản bồi thường giống như trường hợp trên, người sử dụng lao động còn phải thay thế cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các khoản trợ cấp của cơ quan bảo hiểm xã hội (ví dụ trợ cấp nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi; nuôi bố, mẹ già ...). Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng chỉ thỏa thuận với gia đình nạn nhân, hỗ trợ một khoản tiền không theo mức quy định của pháp luật.

Lê Thắm

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-2-thuc-trang-dang-bao-dong-113955.html