Kỳ 2: Thu tiền tác quyền ra sao?

Xung quanh việc 'tinh giản' thủ tục xin cấp phép biểu diễn âm nhạc và bỏ cấp phép những tác phẩm âm nhạc quen thuộc, phổ biến, nhiều ý kiến cho rằng, muốn bỏ giấy phép đó mà vẫn thu được tiền bản quyền thì phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, để không gây ảnh hưởng lớn tới việc thu tác quyền.

Đơn vị tổ chức chương trình “dễ thở”…

Với dự thảo bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chương trình biểu diễn ca nhạc, nhiều “ông bầu” tỏ ý kiến đồng tình. Bởi với họ, việc thực hiện thủ tục này từ trước đến nay khá tốn kém và rườm rà.

Trong ý kiến đóng góp gửi Bộ VHTT&DL, đại diện của Trung tâm băng nhạc Rạng Đông cho rằng, thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là thỏa thuận dân dự, việc quy định này làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó cho đơn vị xin cấp phép. Vì vậy, Trung tâm băng nhạc Rạng đông cũng đã kiến nghị gửi lên Bộ VHTT&DL bỏ quy định này trong thành phần hồ sơ xin cấp phép.

Nhiều ca khúc biểu diễn trong các buổi ca nhạc còn vi phạm tác quyền.

Nhiều ca khúc biểu diễn trong các buổi ca nhạc còn vi phạm tác quyền.

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô, Nhà sản xuất, đạo diễn chương trình Vạn Nguyễn cho biết, hiện nay, để được cấp phép một chương trình biểu diễn, nhà sản xuất hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn phải sang Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nộp hợp đồng chi trả tác quyền, danh mục bài hát, văn bản nhạc và giấy thỏa thuận của nhà sản xuất với nhạc sĩ. Sau đó chờ được cấp giấy xác nhận của Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc để tiếp tục làm thủ tục cấp phép biểu diễn với Sở văn hóa Thể thao địa phương và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Hiện nay thông thường các chương trình muốn được cấp phép biểu diễn phải có xác nhận đã hoàn thành thủ tục tác quyền với Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc, trong trường hợp cần thay đổi bài hát sau cấp phép thì thao tác sẽ vẫn lặp lại đầy đủ qui trình như vậy. Việc thay đổi bài trong quá trình làm việc từ cả phía đạo diễn và ca sĩ là không hiếm nếu không muốn nói là nhiều do các yếu tố khách quan tác động khiến chương trình cần điều chỉnh. Do vậy các thủ tục và cả chi phí tác quyền cũng là một vấn đề đối với các nhà tổ chức nói chung.

Hiện nay các công ty biểu diễn âm nhạc nói chung đều thực hiện khá đầy đủ do ý thức nghiêm túc về vai trò sáng tác của các nhạc sĩ, và cho đó là quyền lợi hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu Bộ VHTT&DL định bãi bỏ thủ tục này thì nên có chế tài đảm bảo quyền lợi cho người sáng tác, bởi đối với những nhạc sỹ lớn thì đã có một ê kíp làm nhiệm vụ bảo vệ tác quyền, nhưng đối với một số nhạc sỹ khác, nhất là các nhạc sĩ có tuổi khó khăn về mặt thông tin liên lạc rất dễ bị “phớt lờ”, gây thiệt hại cho họ.

Theo đạo diễn Vạn Nguyễn, việc tuân thủ nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho nhạc sĩ sáng tác là nhiệm vụ hàng đầu vì nhờ nhạc sĩ mới có ca khúc và đêm nhạc, nhưng cũng cần xem xét mức thu sao cho hợp lí và thủ tục được linh động phù hợp cho tính động trong công tác tổ chức các liveshow. Còn đối với những ca khúc quen thuộc, phổ biến như những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 thì việc bỏ cấp phép là cần thiết, sẽ khiến các nhà sản xuất chương trình “dễ thở” hơn Tuy nhiên cũng nên công khai danh mục bài hát hoặc lập danh sách bài hát bị cấm để các đơn vị biểu diễn không bị nhầm lẫn trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi biểu diễn.

… nhạc sĩ lo khó thu tác quyền

Trái ngược với sự “dễ thở” của các đơn vị xin cấp phép, giới sáng tác tại tỏ ra băn khoăn với việc liệu có thu được tiền bản quyền khi bãi bỏ thủ tục văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép biểu diễn âm nhạc.

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô, nhạc sĩ Huy Hùng cho biết, bản thân muốn làm việc, thỏa thuận trực tiếp với tổ chức cá nhân sử dụng ca khúc, khi đó mức chi phí bản quyền sẽ đến tận tay nhạc sỹ và đáp ứng được với công sức, sản phẩm trí tuệ mà mình sáng tạo. Tuy nhiên, nếu bỏ thủ tục thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn thì có thể gây bất lợi cho nhạc sĩ nếu những đơn vị tổ chức biểu diễn hay một người nghệ sĩ nào đó sử dụng tác phẩm mà không tự giác trả tiền tác quyền cho tác giả.

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô, nhạc sĩ Huy Hùng cho biết, bản thân muốn làm việc, thỏa thuận trực tiếp với tổ chức cá nhân sử dụng ca khúc, khi đó mức chi phí bản quyền sẽ đến tận tay nhạc sỹ và đáp ứng được với công sức, sản phẩm trí tuệ mà mình sáng tạo. Tuy nhiên, nếu bỏ thủ tục thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn thì có thể gây bất lợi cho nhạc sĩ nếu những đơn vị tổ chức biểu diễn hay một người nghệ sĩ nào đó sử dụng tác phẩm mà không tự giác trả tiền tác quyền cho tác giả.

“Nếu họ tự ý sử dụng mà không xin phép thì tác phẩm đó bị xâm phạm bản quyền mà người sáng tạo ra không biết làm cách nào để ngăn chặn. Ví dụ vừa qua, một thí sinh của chương trình âm nhạc trực tiếp trên VTV3 có sử dụng ca khúc nhưng không xin phép, chỉ đến khi tác giả đó lên tiếng cũng như nhờ trung tâm bảo vệ quyền tác giả can thiệp thì họ mới xin lỗi và chấp nhận trả tiền bản quyền. Nếu bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép, vậy một nhà sản xuất chương trình hoặc một nghệ sĩ, ca sĩ nào đó tự ý sử dụng ca khúc mà không xin phép, thì cơ quan nào hay ai là người đứng lên đòi chi phí bản quyền cho tác giả của ca khúc đó?”, nhạc sĩ Huy Hùng băn khoăn.

Nhà sản xuất âm nhạc, ca sỹ Trần Vũ từng sáng tác nhiều ca khúc và thể hiện trên sân khấu Sao mai điểm hẹn, bài hát Việt.. cho biết, việc bảo vệ quyền tác giả là việc mà Bộ VHTT&DL nên đồng hành và vào cuộc cùng với nhạc sĩ và những người sáng tác âm nhạc. Vì khi một ca khúc, một tác phẩm âm nhạc ra đời đó là cả một sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ, là tư duy trí tuệ chứ không chỉ là một sản phẩm giải trí.

Đối với những nhạc sỹ gạo cội, nhạc sĩ nổi tiếng có cả một tổ chức đứng ra bảo vệ tác quyền thì việc xin phép là đương nhiên, nhưng đối với những ca, nhạc sỹ hoặc ca sỹ kiêm sáng tác nhỏ lẻ thì thường hay bị các đơn vị tổ chức chương trình “tiền trảm hậu tấu” khi sử dụng tác phẩm. Bởi thế, theo ca, nhạc sĩ Trần Vũ, nếu bỏ thủ tục xin cấp phép tác quyền âm nhạc trong hồ sơ xin xin cấp phép biểu diễn, thì cần có chế tài để những người sản xuất âm nhạc không bị tình trạng “thả gà ra đuổi”.

Cần cân nhắc để phù hợp với thực tiễn

Trong ý kiến đóng góp đối với chính sách trong dự thảo xây dựng nghị định nghệ thuật biểu diễn của Bộ VHTT&DL, nhiều đơn vị đồng ý với việc ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn thay thế cho các văn bản hiện hành. Theo ý kiến của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, hiện nay nhiều tác phẩm nghệ thuật mới sáng tác được phổ biến, phát hành bản ghi âm, ghi hình tràn lan trên mạng internet mà không thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Về bản quyền tác giả, việc thực hiện thu tiền bản quyền theo quy định là rất khó vì áp dụng nhiều cách thức thu, đề nghị cân nhắc để phù hợp với thực tiễn.

Cùng ý kiến với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đại diện Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cũng đưa ra ý kiến: Về công tác quản lý hoạt động sáng tác, biểu diễn và lưu hành các sản phẩm âm nhạc trên thị trường hiện nay, bên cạnh nhiều tác phẩm có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật, thì cũng có những tác phẩm được sáng tác, phổ biến “kém chất lượng, nội dung không phù hợp với giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc” cân nhắc nghiên cứu, đưa ra biện pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp trong thời gian tới.

Đại diện Nhà xuất bản Âm nhạc cho rằng, cơ quan quản lý cần chú trọng hơn về công tác hậu kiểm để đảm bảo các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt. Nên có hệ thống nội bộ danh sách tác phẩm hạn chế lưu hành, chỉ cần tra cứu và không nên đưa vào thủ tục phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình. Một số đơn vị khác nêu ý kiến các bài hát sáng tác trước năm 1975 cần lập danh sách các bài hát bị cấm phổ biến, lưu hành, tiện cho các cá nhân, tổ chức tra cứu.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-thu-tien-tac-quyen-ra-sao-71462.html