Kỳ 2: Tạo lập các giá trị mới

Phố cổ là một nét đặc trưng của Hà Nội, nơi đây chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể, sống động. Xuất phát từ tình yêu khu phố cổ, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước chọn phố cổ Hà Nội làm đối tượng nghiên cứu về bảo tồn cũng như cảnh quan đô thị lịch sử… Và thời gian qua, Hà Nội cũng đã tận dụng tối đa các công trình nghiên cứu, các ý tưởng khả thi... để áp dụng vào thực tế.

Nỗ lực giữ hồn phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Trải qua các biến động lịch sử và sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, diện mạo của khu phố cổ đã biến dạng ít nhiều. Song bóng dáng của người xưa vẫn còn lưu lại, đặc biệt trong không gian văn hóa. Trong đó, để bảo tồn kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nghiên cứu về các giá trị lịch sử, các giá trị di sản khu phố cổ, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển. Đơn vị cũng đã tiến hành bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể như ngôi nhà cổ như 87 Mã Mây và một số điểm di tích như 38 Hàng Đào, 28 Hàng Buồm, 42 Hàng Bạc...

Theo bà Trần Thúy Lan – Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, xác định rõ mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc phố cổ Hà Nội, trong đó có việc huy động cộng đồng cùng tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Phố Hàng Mành có 46 số nhà nhưng có đến gần chục khách sạn và cửa hàng lưu niệm.

Phố Hàng Mành có 46 số nhà nhưng có đến gần chục khách sạn và cửa hàng lưu niệm.

Để phát huy các giá trị văn hóa di sản cũng như làm sống động thêm các loại hình văn hóa phi vật thể, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với các phòng ban chuyên môn tổ chức thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm, trưng bày giới thiệu về văn hóa phi vật thể như lễ hội ngày kim hoàn tại đình Kim Ngân, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên phố đi bộ, triển lãm, trưng bày giới thiệu về văn hóa phi vật thể, giới thiệu âm nhạc truyền thống như: Ca trù, hát xẩm, hát trống quân, hát văn tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây...

Thực tế, qua nhiều năm triển khai đến nay các giá trị phi vật thể đã trở nên gần gũi với người dân hơn, từ đó khiến cộng động thêm hiểu, thêm yêu khu phố cổ, cùng chung tay giữ gìn một không gian văn hóa giàu bản sắc chung. Đơn cử như không gian bích họa phố Phùng Hưng là dự án rất thành công và gây được dư luận xã hội tốt thời gian qua. Có thể nói, giá trị đầu tư không lớn, nhưng đã khiến cho góc phố Phùng Hưng “nhếch nhác” trở thành một góc phố văn hóa, nghệ thuật.

Được biết, bên cạnh việc đầu tư các giá trị văn hóa, công tác cải tạo đồng bộ hạ tầng khu phố cổ cũng hết sức được coi trọng. UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều dự án mang lợi ích cho cộng đồng như: Cải tạo hệ thống chiếu sáng đô thị; đầu tư lát hè đá và hạ ngầm thoát nước mặt phố trên 72 tuyến phố trong khu phố cổ; xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp với thương mại Hàng Đào – Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân; tiến hành chỉnh trang kiến trúc mặt đứng một đoạn tuyến phố Tạ Hiện, cải tạo mặt đứng phố Đông Nam dược Lãn Ông; xây dựng tuyến phố ẩm thực Hàng Buồm; xây dựng và triển khai thành công đề án không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận… Khơi nguồn lực

Khu phố cổ hiện nay được khoanh vùng lại trên diện tích khoảng 105ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường nằm trên 79 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Toàn khu có 112 di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến và tín ngưỡng tôn giáo, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đặc biệt trong số các di tích có 14 di tích thờ các vị tổ nghề thủ công truyền thống của Thăng Long Hà Nội. Những đặc trưng về một phố thị dân gian đã mang lại sự “độc tôn” cho phố cổ Hà Nội mà nhiều khu phố cổ của các nước trên thế giới không có được.

Dạo một vòng qua 36 phố phường sẽ thấy những sự thay đổi rõ rệt, đó là tại phố cổ các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Theo khảo sát của PV, phố Hàng Mành sầm uất khi xưa giờ chỉ còn 2, 3 cửa hiệu khiêm tốn vẫn giữ gìn nghề cũ, cả phố chỉ có 46 số nhà nhưng có tới gần chục khách sạn, cửa hàng lưu niệm.

Thực tế, không chỉ riêng phố Hàng Mành đổi thay, con phố xưa vốn nổi tiếng với nghề làm quạt nay trở thành một trung tâm chuyên doanh các loại bàn thờ lớn nhỏ, các loại đối trướng kiểu cũ và các loại cờ trướng khen thưởng thi đua hiện đại … Dưới tác động của cơ chế thị trường, phong tục tập quán trong khu phố cổ đã có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng dần bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập, khách sạn…

Bên cạnh đó, dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán.

Thực tế cho thấy, rất khó để hài hòa giữa công tác gìn giữ và bảo tồn cảnh quan di sản và cuộc sống sinh hoạt đô thị. Cần phải có một cách nhìn một cách tổng thể, toàn diện, phù hợp với nhịp phát triển đương đại. Tuy nhiên cũng không thể bỏ mặc phát triển một cách tự phát, hoặc cái gì cũng giữ, bất chấp guồng xoay của xã hội.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, giữ gìn khu phố cổ là giữ gìn một dấu ấn bản sắc cho đô thị Hà Nội, làm cho Hà Nội trong tương lai có được những không gian truyền thống trong không gian hiện đại. Điều quan trọng nhất hiện nay là phát huy các giá trị cộng đồng, phải làm sao để người dân hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ. “Với khu phố cổ Hà Nội nên kết hợp chùm ba ý tưởng “Văn hóa - Du lịch - Kinh tế”.

Xác định rõ điểm này, các nhà quản lý sẽ cùng với người dân cân nhắc các địa chỉ nào nên bảo tồn, tôn tạo, hoặc xây dựng ở phạm vi nào, diện tích bao nhiêu thì đạt hiệu quả cao nhất. Nếu làm được điều này, hơn ai hết người được hưởng lợi, không ai khác chính là người dân đang sinh sống tại đó” – TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Tuấn Dũng

Kỳ cuối: Phát huy các lợi thế

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-tao-lap-cac-gia-tri-moi-88404.html