Kỳ 2: Những chiến sĩ không mặc áo lính

Trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ngoài các cán bộ, chiến sĩ khoác trên mình bộ quân phục còn có những người chiến sĩ không mặc áo lính. Đó là những người thầy giáo, y, bác sĩ và các hộ dân, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã tình nguyện ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sinh sống, công tác để góp sức mình xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Khát vọng gieo con chữ nơi đầu sóng ngọn gió

Những ngày đầu Xuân, thời tiết trên đảo Trường Sa lớn như chiều lòng người hơn, bầu trời trở nên trong xanh dịu nhẹ, từng cơn gió thoảng qua làm cho những tán cây rung rinh như đang nhảy múa theo điệu nhạc của thiên nhiên, tất cả đã tạo nên một không gian rất đỗi yên bình.

Giữa không gian yên bình ấy, hòa chung với tiếng sóng biển rì rào là tiếng giảng bài của thầy giáo Bành Hữu Tình tại một lớp học của Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa.

Lớp học của thầy Tình rất đặc biệt, chỉ có 5 học sinh nhưng lại ở các độ tuổi khác nhau gồm mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn và lớp ba nên thầy không chỉ là người gieo con chữ, truyền đạt kiến thức cho học sinh mà đôi khi còn đóng vai trò là người “bảo mẫu”.

Thầy Bành Hữu Tình đang miệt mài giảng bài cho các em học sinh

Thầy Bành Hữu Tình đang miệt mài giảng bài cho các em học sinh

Khi mới ra Trường Sa công tác, thầy Tình đã gặp không ít khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề và hơn hết là tình yêu đối với Trường Sa, thầy đã vượt qua mọi gian khó để công tác tốt. Đến nay, thầy Tình đã có hai năm sinh sống và dạy học cho các em học sinh trên đảo Trường Sa lớn.

Trò chuyện với chúng tôi dưới tán cây bàng vuông xanh mướt, thầy Tình nói: “Trước khi ra đảo Trường Sa lớn dạy học, tôi đã có 13 năm công tác tại các trường tiểu học của tỉnh Khánh Hòa.

Từ khi là sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tôi đã có mong muốn được gieo con chữ cho những học sinh ở Trường Sa và được góp sức mình để tiếp bước cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vì vậy, khi biết Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tuyển giáo viên ra Trường Sa công tác, tôi đã tình nguyện viết đơn đăng ký và được lựa chọn”.

“Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng và anh hùng, thật xúc động và tự hào biết bao.

Đón chào tôi là những cái bắt tay ấm áp, những nụ cười rạng rỡ của các cán bộ, chiến sĩ và người dân, cùng với đó là tiếng chào hỏi lễ phép của các em nhỏ đang sinh sống trên đảo.

Thời khắc đó tôi biết rằng mình sẽ trải qua những tháng ngày đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, của đời dạy học ở chính nơi đây” – thầy Tình chia sẻ.

Lớp học đặc biệt của thầy Tình chỉ có 5 học sinh nhưng lại ở nhiều độ tuổi khác nhau

Ở trên đảo, ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động chung như tăng gia sản xuất, hoạt động văn nghệ thể thao…

Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của Thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên.

Khi được hỏi về chuyện tình cảm, thầy Tình nở nụ cười hiền hậu và nói: “Năm nay tôi cũng đã 37 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình bởi tôi muốn sống với niềm khát khao được cống hiến sức trẻ, được gieo con chữ cho những em học sinh ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Hết thời gian công tác ở đảo Trường Sa lớn, tôi sẽ tiếp tục đăng ký công tác tại các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Còn khi nào duyên lành đến tôi sẽ mở lòng đón nhận”.

Điểm tựa sức khỏe của quân, dân trên đảo

Trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cùng với những thầy, cô giáo đang tận tâm gieo con chữ cho các em học sinh còn có những y, bác sĩ tình nguyện ra các đảo làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo và chữa trị cho những ngư dân đang vươn khơi bám biển khi họ gặp vấn đề về sức khỏe.

Là một trong những y, bác sĩ tình nguyện ra Trường Sa công tác, bác sĩ Bùi Vĩnh Phúc, Bệnh xá trưởng Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được cống hiến sức trẻ và kinh nghiệm, năng lực chuyên môn của mình để chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo.

Đồng thời, trở thành điểm tựa về sức khỏe giúp cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”.

Các y, bác sĩ trên đảo được ví là điểm tựa về sức khỏe giúp cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển

Nói về đặc thù công việc khám, chữa bệnh ở ngoài đảo, bác sĩ Phúc chia sẻ, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với đó là cơ cấu bệnh tật có những đặc thù riêng nên đội ngũ y, bác sĩ của bệnh xá luôn chủ động các phương án đảm bảo sức khỏe cho quân, dân trên đảo.

Bệnh xá cũng được trang bị thiết bị chẩn đoán bệnh từ xa nên dễ dàng kết nối từ đảo với bệnh viện trong đất liền để kịp thời xử lý mọi tình huống nguy cấp liên quan đến sức khỏe của quân, dân trên đảo và ngư dân.

Trên các đảo như: Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây… còn có những chiến sĩ không mặc áo lính là các hộ dân đã tình nguyện đăng ký ra đảo sinh sống.

Cuộc sống của các hộ dân ngoài đảo cũng giống như trong đất liền, họ ở trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi, đủ sức chống chọi với bão giông và con em của các hộ dân cũng được đi học, được quan tâm, chăm lo về mọi mặt.

Anh Nguyễn Minh Vinh, một trong những người dân sinh sống trên đảo Trường Sa lớn chia sẻ: “Xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gia đình tôi đã tình nguyện đăng ký ra Trường Sa sinh sống.

Ở ngoài đảo, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân và chính quyền địa phương, cuộc sống của chúng tôi cũng được đảm bảo như ở trong đất liền”.

Với mong muốn được góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều hộ dân đã tình nguyện đăng ký ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sinh sống

Hằng ngày, khi mặt trời còn chưa ló rạng, anh Vinh đã cùng các ngư dân ra biển đánh bắt hải sản, ngoài ra, anh cũng tham gia đội Dân quân tự vệ của Thị trấn Trường Sa.

Còn vợ anh là chị Võ Thị Sông ở nhà lo cơm nước, dạy dỗ các con, làm những công việc nội chợ, tăng gia sản xuất. Những chiếc vỏ ốc, vỏ sò đủ màu sắc qua bàn tay khéo léo của chị Sông trở lên đẹp lung linh trong hình hài của cành hoa, cây cảnh hay bức tranh làng quê Việt.

Mỗi một tác phẩm nghệ thuật làm từ những chiếc vỏ ốc, vỏ sò đó đều được chị Sông cất giữ cẩn thận để làm quà cho người thân và những vị khách từ đất liền ra thăm đảo.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Vinh cũng giống như bao ngôi nhà khác trên đảo, được xây dựng kiên cố, khang trang và đầy đủ tiện nghi.

Tại vị trí trang trọng nhất trong nhà, vợ chồng anh chị đặt bàn thờ Bác Hồ để thể hiện sự tôn kính và khắc ghi công lao của những thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đồng thời, cũng là để giáo dục cho các con của anh chị về truyền thống vẻ vang của dân tộc và nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho những mầm non tương lai của đất nước.

Diện mạo của quần đảo Trường Sa đang ngày càng đổi mới và khang trang hơn. Góp phần tạo nên những đổi thay tích cực đó có một phần công sức của những người chiến sĩ không mặc áo lính đang từng ngày cống hiến sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết để xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(Kỳ 3: Nhân lên những “cánh tay nối dài” của Đảng)

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-nhung-chien-si-khong-mac-ao-linh-104197.html