Kỳ 2: Một buổi tuần tra cùng quan sát viên quân sự

Cuộc sống của người dân Nam Sudan hiện nay ra sao? Công việc của những sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) ở đất nước này như thế nào? Hai câu hỏi ấy luôn là băn khoăn lớn nhất cho tới khi tôi được theo chân một đoàn tuần tra của lực lượng GGHB Liên hợp quốc (LHQ) đến Nhialdiu, địa phương cách căn cứ Bentiu hơn 40km.

Đúng 8 giờ 15 phút sáng, lực lượng tuần tra có mặt tại trung tâm căn cứ Bentiu. 18 binh sĩ Ghana với trọng trách bảo vệ an toàn cho đoàn tuần tra được bố trí trên 4 chiếc xe, trong đó có xe bọc thép đi đầu. Tôi ngồi trên chiếc xe đi chính giữa đội hình cùng hai quan sát viên quân sự của Việt Nam và Rwanda, một sĩ quan tham mưu của Kenya và phiên dịch viên người Nam Sudan. “Đây là đội 915. Chúng tôi bắt đầu rời căn cứ. Hết!”, Thiếu tá Trịnh Văn Cường, Quan sát viên Quân sự của Việt Nam báo về trung tâm chỉ huy qua điện đàm sau khi kiểm tra quân số.

 Lực lượng GGHB LHQ tuần tra trên một tuyến đường ở Bentiu. Ảnh: Châu Anh.

Lực lượng GGHB LHQ tuần tra trên một tuyến đường ở Bentiu. Ảnh: Châu Anh.

Đoàn tuần tra rời khỏi cổng căn cứ vài trăm mét đã thấy xe bọc thép của lực lượng bảo vệ Mông Cổ với 3 người lính đứng gác bên trên, vẻ mặt rất tập trung theo dõi mọi chuyển động xung quanh. Nhận ra đoàn xe của LHQ, các binh sĩ này lập tức giơ tay chào. Felix Zirunguye, Quan sát viên quân sự người Rwanda, vừa điều khiển tay lái vừa giới thiệu: Lực lượng bảo vệ của Mông Cổ và Ghana chiếm một nửa trong tổng số hơn 1.600 binh sĩ GGHB LHQ ở căn cứ Bentiu, đồng thời cũng là hai đơn vị thiện chiến nhất.

Dọc đường ra trung tâm Bentiu, tôi có cảm giác như đang ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi một thước phim tài liệu sống động về cuộc sống ở châu Phi. Lướt qua đoàn tuần tra là một vài chiếc xe bán tải nhỏ chở hàng chục hành khách, kẻ đứng người ngồi nêm cứng thùng xe. Nhưng số lượng những chiếc xe như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi người dân ở đây chủ yếu đi bộ. Hai bên đường, từng tốp, từng tốp người quần áo sặc sỡ, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đen bóng nối đuôi nhau rảo bước. Thỉnh thoảng lại thấy vài phụ nữ và bé gái đội những can nước, bó củi trên đầu. Trời nắng gắt, nhưng dường như không ai cho thấy sự mệt mỏi.

Ngồi cùng hàng ghế phía sau với tôi là Roberto, nam thanh niên người bản địa, 25 tuổi nhưng nói tiếng Anh rất lưu loát. Sau ít phút làm quen, biết tôi lần đầu tới Nam Sudan, Roberto vui vẻ chia sẻ về tập tục mà bất cứ ai đến đất nước này đều không khỏi tò mò, đó là đổi bò lấy vợ. Anh cho biết, đàn ông Nam Sudan nhiều người có năm, bảy vợ, thậm chí gần hai chục vợ. Và thường thì để cưới một người vợ, chú rể phải mất cho nhà gái ít nhất 25 con bò, có khi lên tới 100 con, tùy thuộc vào nhan sắc và gia thế của cô dâu. Chàng trai làm việc cho một tổ chức về nhân quyền này cũng nói thêm rằng, anh không nằm trong nhóm đàn ông thích lấy nhiều vợ và hiện tại chỉ có một vợ, một con.

- Vì sao anh không cưới nhiều vợ như họ?-Tôi thắc mắc?

- Lấy thêm vài vợ chẳng khó, nhưng làm sao để lo đủ đồ ăn, thức uống hằng ngày cho họ và các con mới là vấn đề-Roberto trả lời.

Tôi chợt nhớ lại buổi tối dạo bộ quanh BVDCC2 của Việt Nam và trò chuyện với một thanh niên Nam Sudan khác đang đứng gác, trên mình mang bộ đồng phục của tổ chức bảo vệ Warriors. Cũng như Roberto, anh này vẫn “chung thân” với quan điểm một vợ, một chồng và quả quyết rằng, chừng nào chưa lo ổn thỏa chuyện cơm áo gạo tiền, nhất định sẽ không đèo bòng.

Phương tiện và các binh sĩ GGHB LHQ trong chuyến tuần tra tới Nhialdiu: Ảnh: Châu Anh.

Câu chuyện bị ngắt quãng đôi chút vì sĩ quan người Rwanda phải tập trung lái xe. Phải thừa nhận Felix Zirunguye là một tay lái cứng, nếu không khó có thể giúp chúng tôi chinh phục con đường “bất kham” từ Bentiu đến Nhialdiu. Đường sá trên khắp Nam Sudan là vậy, chủ yếu vẫn là đường đất, mùa khô thì bề mặt khô cứng, gồ ghề, mùa mưa lại biến thành những thửa ruộng sình lầy. Lúc này đã qua mùa mưa, song cứ đi vài cây số lại gặp một vũng lầy còn sót lại, nước ngập quá nửa bánh xe. Mỗi lần như vậy là những chiếc xe hai cầu của LHQ phải rú ga hết cỡ, bánh xe quay tít, nhào lên lộn xuống hệt như đang tham gia một cuộc đua xe địa hình. Phải mất hơn 3 giờ, đoàn tuần tra mới có mặt ở Nhialdiu, nhưng lực lượng cũng không còn đầy đủ vì xe bọc thép dẫn đầu phải bỏ cuộc giữa chừng.

Điểm đến đầu tiên của đoàn tuần tra là một đơn vị thuộc quân đội Chính phủ-Lực lượng quốc phòng nhân dân Nam Sudan (SSPDF). Đại úy Gatchang Kuon-chỉ huy đại đội, trạc ngoài 30 tuổi, dáng cao lênh khênh, cùng một vài binh sĩ đón đoàn vào doanh trại. Đại úy Gatchang Kuon nhanh chóng cung cấp thông tin theo đề nghị của các quan sát viên quân sự: Địa bàn đóng quân cơ bản yên bình, người dân đi lại tự do, việc cung cấp đồ ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cũng tạm đủ. Duy chỉ có bình cấp nước gần đó bị hỏng đã lâu, cần sớm sửa chữa để người dân có nước sinh hoạt. Cuối buổi làm việc, chúng tôi ngỏ ý muốn chụp một tấm ảnh lưu niệm cùng binh sĩ trong đơn vị, nhưng vị chỉ huy này lắc đầu ái ngại với lý do cần phải xin phép cấp trên.

Chia tay binh sĩ của SSPDF, đoàn tuần tra hướng về trụ sở chính quyền Nhialdiu cách đó không xa. Đi được một đoạn, Thiếu tá Trịnh Văn Cường chỉ tay về phía dãy nhà bạt màu trắng khá lớn nằm ngay sát vệ đường và cho biết: Đây là kho lương thực của Chương trình Lương thực thế giới (WFP). Trước đây, người dân Nhialdiu mưu sinh bằng trồng ngô, các loại rau củ và chăn nuôi gia súc. Sau này an ninh bất ổn cộng với thời tiết cực đoan, hầu hết các gia đình phải bỏ ruộng vườn và chủ yếu sống nhờ trợ cấp lương thực của LHQ. Riêng việc chăn nuôi vẫn được duy trì, song cũng phải chuyển sang mô hình chăn nuôi theo cụm gia đình, tức là nhiều hộ cùng chăn nuôi chung, luân phiên cắt cử canh gác để đề phòng trộm cướp. Vì thế nên đến vùng nào của Nam Sudan cũng có thể dễ dàng bắt gặp những đàn bò lên tới cả nghìn con.

Đến trụ sở chính quyền Nhialdiu, cả đoàn tranh thủ vào lót dạ bằng bánh ngọt, hoa quả vì các quan chức địa phương đang bận tiếp khách. Họ ngồi quây tròn bên bộ bàn ghế nhựa đặt dưới một gốc cây và bàn bạc gì đó, mặc cho vài thanh niên hiếu kỳ đứng quanh lắng nghe có vẻ rất chăm chú. Chừng 10 phút sau, hai bên tươi cười bắt tay trước khi các vị khách hối hả rời đi trên hai chiếc xe 7 chỗ mang dòng chữ: Danish Refugee Council (DRC)-Tổ chức tị nạn Danish.

Vẫn tại gốc cây đó, ông Dak Manyguek, cấp phó của chính quyền Nhialdiu thay mặt cấp trưởng đang đi vắng cho biết tình hình tại khu vực này nhìn chung ổn định, dù vẫn còn một vài vụ tội phạm nhỏ lẻ khiến những người có trách nhiệm phải lo lắng. Rồi chẳng cần sổ sách, ông liệt kê rất cụ thể về các vụ việc xảy ra trong những tháng gần đây: Một người đàn ông bị mất 23 con bò, một người khác bị cướp 15 con bò và 15.000 SSP (khoảng 50 USD)… Thiếu tá Trịnh Văn Cường cùng hai sĩ quan nước ngoài vừa chăm chú ghi chép vừa đặt câu hỏi với vị quan chức địa phương cho tới khi thông tin dày đặc vài trang giấy. Buổi tuần tra kết thúc lúc hơn 2 giờ chiều.

Suốt đường về căn cứ Bentiu, qua tấm kính xe lấm lem bùn đất, tôi chợt để ý tới những căn nhà Tukun bằng lá của người Nam Sudan, những chiếc xe bán tải han gỉ nằm bất động bên vệ đường, những nhà máy bị bỏ hoang giữa đống cỏ dại cao quá đầu người… Có lẽ, đó là chứng tích của một vùng đất từng trải qua những biến cố lớn.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn muốn cảm ơn những người đã giúp tôi có cơ hội tham gia buổi tuần tra hôm đó. Vì nhờ vậy, tôi đã hiểu hơn về đất nước Nam Sudan, về nhiệm vụ của những người lính GGHB LHQ và giá trị đích thực của hòa bình, no đủ.

Theo Trung tá Lương Trường Vinh, một trong những quan sát viên quân sự của Việt Nam từng công tác tại Phái bộ GGHB Nam Sudan, tuần tra là một phần nhiệm vụ của các quan sát viên quân sự ở Nam Sudan nhằm thu thập, đánh giá tình hình an ninh để báo cáo về Phái bộ. Thường thì mỗi tuần, họ thực hiện từ 2 đến 5 chuyến tuần tra ngắn gói gọn trong ngày, thỉnh thoảng cũng có chuyến đi dài trên dưới 10 ngày, thậm chí cả tháng. Ngoài ra, các quan sát viên quân sự còn thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: Liên hệ với lực lượng Chính phủ và các phe nhóm vũ trang để sắp xếp các cuộc họp; đến các điểm nóng để giám sát lệnh ngừng bắn hay đàm phán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự do đi lại của tất cả lực lượng cũng như người dân địa phương…

(còn nữa)

Theo VŨ HÙNG (Báo Quân đội Nhân dân)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ky-2-mot-buoi-tuan-tra-cung-quan-sat-vien-quan-su-a121886.html