Kỳ 2: Mấu chốt nằm ở khâu thực thi pháp luật

Gần đây, vấn nạn bạo lực học đường đã có nhiều biến tướng tiêu cực. Đó không còn đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà còn diễn ra ở dưới góc độ khác với sự cố ý lạm dụng những tính năng của mạng xã hội để làm nhục nhân phẩm người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, hiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường đã có song khâu thực thi vẫn chưa được chú trọng.

Diễn biến phức tạp

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Như vậy, cứ hơn 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có học sinh của một trường đánh nhau...

Thống kê của ngành Công an cũng cho thấy, chỉ trong quý I/2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa học sinh với nhau xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như: Hưng Yên, Nghệ An và mới nhất là Quảng Ninh.

Đáng nói, quanh vấn nạn bạo lực học đường đang có sự biến tướng nguy hại. Cụ thể, bên cạnh sử dụng vũ lực gây thương tích cho đối phương, không ít vụ khi sự việc khi xảy ra còn có khá đông học sinh đứng xem, nhưng không ai can ngăn, mặt khác còn dùng điện thoại để ghi lại và đưa lên mạng xã hội. Hệ lụy là, nhiều vụ bạo lực được quay clip rồi tung lên mạng gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và nhà trường, gây xôn xao và bất bình trong dư luận.

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: HNM)

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: HNM)

Lấy ví dụ từ vụ việc một học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị lột quần áo, đánh hội đồng ngay tại lớp học rồi đưa lên mạng xã hội, chuyên gia tâm lý - pháp lý TS. Nguyễn Hà An (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội) chia sẻ, vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng với những hậu quả khó có thể nhìn thấy trước được. Đặc biệt hiện nhận thức của một bộ phận học sinh ngày càng có xu hướng lệch lạc, đặc biệt là nhận thức về giá trị giữa người và người. Một phần là do mạng xã hội ngày càng phát triển. Ngoài ra còn do xã hội, chính quyền chưa nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến nhận thức, giáo dục phù hợp cho các em.

Qua theo dõi và phân tích, ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, những thông tin, video về bạo lực học đường sẽ được đăng tải nhiều hơn bởi một số lý do, trong đó xuất phát một phần vì mạng xã hội phát triển giúp video, thông tin nhanh chóng được lan truyền đến cộng đồng.

Theo TS. Hoàng Trung Học (Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục), bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Tại các nước có nền giáo dục phát triển, bạo lực học đường vẫn luôn tồn tại và là vấn đề khó giải quyết. Đơn cử như tại nước Mỹ, mỗi ngày có khoảng 160.000 học sinh không đến trường vì bị bạo lực hoặc sợ bị bạo lực. 83% các bé gái và 79% các bé trai cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Điều đáng nói, có tới 64% trong số các em này dù bị bạo lực nhưng lại không dám chia sẻ với ai.

TS. Hoàng Trung Học cho rằng, bạo lực học đường là hệ quả của quá trình tác động đa chiều, gồm nhiều vòng khác nhau, từ điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, đến gia đình, nhà trường, bạn bè và cả đặc điểm tâm sinh lý của chính các em. Do đó, đẩy lùi bạo lực học đường không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường, thầy cô, mà cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội và hơn hết là sự quan tâm, chăm sóc của chính gia đình học sinh.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đều cho rằng, trước hết là do giáo dục trong gia đình đang bị thả nổi. Nói cách khác, trẻ em đang bị “đói” giáo dục từ gia đình. Do khó khăn về kinh tế, nhiều phụ huynh mải bươn chải cuộc sống, nên với con cái có sinh mà không có dưỡng, “khoán trắng” việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường.

Số khác quan tâm con cái nhưng không biết cách giáo dục, dẫn đến hậu quả con cái tự sống, tự hành xử. Có gia đình chuyên áp chế, bạo lực với con cái, khiến con cái dễ đổ bức xúc ở gia đình sang bạn bè...

Ở góc độ các cơ sở quản lý giáo dục, hiện nguồn lực con người và cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh còn yếu và thiếu. Ở trường lớp, nếu trong sinh hoạt hàng ngày, học sinh có nhỡ va chạm nhau, thầy cô tìm mọi hình thức kỷ luật thật nặng để răn đe, thay vì tìm hiểu ngọn ngành từ cá tính, tính nết hoàn cảnh của từng em mà có biện pháp giáo dục cho phù hợp.

Luật đã có, thực thi thế nào?

Theo tìm hiểu, hiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, nếu nhìn trên góc độ tổng thể hiện đã tương đối đầy đủ với những chế tài nghiêm khắc cả về phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm. Chẳng hạn, cao nhất là Điều 37, Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Ngoài Hiến pháp 2013 còn có các quy định trong Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật… cùng với hàng loạt nghị định, chỉ thị, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vấn đề này.

Quy định, khung hành lang pháp lý đã có, song “điểm yếu” khiến bạo lực học đường vẫn tái diễn lại nằm ngay trong các chính sách, pháp luật. Nói dễ hiểu hơn, các quy định đã có song lại nằm tản mát nằm ở nhiều văn bản, đánh giá tính chất, mức độ hành vi không tương thích, và đặc biệt là năng lực thực thi pháp luật chưa tốt. Dẫn chứng vấn đề này, chuyên gia tâm lý - pháp lý TS. Nguyễn Hà An cho biết, pháp luật đã có những chế tài xử lý những hành vi bạo lực học đường.

Cụ thể tùy từng mức độ, tính chất, hành vi mà hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm này cần phải căn cứ vào độ tuổi của các em. Ví như, tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý với hình thức xử phạt là: Cảnh cáo. Hay như Khoản 3 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141… của Bộ luật này.

Để ngăn chặn bạo lực học đường cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Dễ nhất là bản thân gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như: Phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; quản lý việc sử dụng mạng xã hội của con cái; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên (đặc biệt là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh, sinh viên. Thêm vào đó, cần sớm đưa vào giảng dạy pháp luật tại nhà trường để các em sớm ý thức được hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích… Chỉ khi đồng bộ như vậy, tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.

Phạm Thảo – Giang Nam

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-mau-chot-nam-o-khau-thuc-thi-phap-luat-93857.html