Kỳ 2: Lòng nhân ái không có biên giới

Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2007 đến cuối 2019, 6 phòng khám của The Lake Clinic đã khám và điều trị cho hơn 240.000 người sống trên Biển Hồ. Phần lớn những người đến khám là phụ nữ và trẻ em. Với nam giới trong độ tuổi lao động, trừ khi bệnh nặng hoặc bị thương do tai nạn, còn thì họ ít khi đi khám bệnh bởi lẽ một ngày nghỉ làm là một ngày đói…

***

Lập hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân ở phòng khám Peam Bang.

Lập hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân ở phòng khám Peam Bang.

Thăm khám xong cho các bệnh nhân ở Phòng khám Peam Bang, bác sĩ Hun Thourida lên ca nô đến nhà một phụ nữ tên Pott, 28 tuổi, bị bệnh lao cột sống, không đi lại được. Đó là một cái chòi mái lợp lá dừa nước, vách làm bằng những tấm giấy dầu, dựng trên một cái bè tre nứa. Ở chung với Pott là đứa con gái 8 tuổi cùng bà mẹ già mắc bệnh liệt rung (Parkinson). Cha Pott, cụt chân vì hoại thư cũng mắc bệnh lao còn chồng cô đã bỏ đi khi cô phải nằm liệt giường. Nguồn sống của cả gia đình chỉ trông cậy vào người đàn ông duy nhất là Danh Thith, chồng chị gái Pott. Thith nói: “Tôi làm nghề đánh cá nhưng càng lúc càng khó khăn. Cá bắt được bằng 1/5 so với vài năm trước…” mà nguyên nhân là do khai thác quá mức, do ô nhiễm nguồn nước và xa hơn là do việc xây dựng các con đập thủy điện ở thượng nguồn.

Trong khi bác sĩ Hun Thourida cấp thuốc cho gia đình Pott, máy bộ đàm gọi từ Phòng khám Kampong Khleang cho biết bác sĩ Chhuom Sary, nữ hộ sinh Ky Kolyan và y sĩ Chan Soda vừa thực hiện xong một ca mổ bắt con. Bác sĩ Hun Thourida nói: “Phương tiện di chuyển chính của người dân Biển Hồ là ghe xuồng, hầu hết chèo bằng tay bởi lẽ thu nhập trung bình chỉ khoảng 2,5USD/người/ngày. Vài gia đình mua được máy nổ nhưng nếu cần đi lại trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tốn 200.000 Riel tiền xăng dầu (khoảng 1.200.000 tiền Việt) nên nhiều trường hợp, vì đưa người bệnh đến phòng khám bằng xuồng chèo tay, bệnh nhân đã vô tình đánh mất khoảng “thời gian vàng” để giữ được mạng sống”.

Không chỉ thăm khám những bệnh ngoại khoa, nội khoa, sản khoa, nhi khoa, cơ xương khớp, TLC còn khám và điều trị các bệnh về mắt, tai mũi họng. Y sĩ Suon Piseth nói: “Mùa mưa, mực nước hồ dâng cao nên ca nô dễ dàng cập sát phòng khám nhưng đến mùa khô, nước hồ cạn, trong số 6 phòng khám thì có 4 phòng chúng tôi phải lội bùn vào, có nơi phải lội vào gần 500m”. Vẫn theo Suon Piseth, năm 2019 TLC đã thực hiện hơn 2.000 ca nhổ răng, tặng 3.000 bộ bàn chải, kem đánh răng cho trẻ em trên hồ. Cũng thời điểm cuối năm 2019, TLC đón nhận thêm 5 tình nguyện viên đến từ Palestine, Na Uy và Mỹ. Họ là những chuyên gia về cơ xương khớp, vật lý trị liệu và các bệnh truyền nhiễm do nước sinh hoạt.

Bệnh nhân cuối cùng mà các y, bác sĩ TLC ghé thăm trước khi quay lại phòng khám Peam Bang là bà Yely Sarun, 68 tuổi. 4 năm trước, bà đến với một vết loét trên mũi nhưng sau vài lần điều trị, bà bỏ ngang. Hỏi ra mới biết những lần trước, bà đi nhờ chiếc xuồng của một người hàng xóm, cũng đến Peam Bang để điều trị chứng thoái hóa cột sống. Khi thuyên giảm, người này không đi nữa nên bà Yely Sarun cũng không đi vì không có tiền thuê xuồng.

Mất hơn 1 năm rưỡi tìm kiếm, bác sĩ Hun Thourida mới xác định được nơi ở của bà Yely Sarun. Khi đến thăm bà lần đầu tiên cách đây 6 tháng trước, bác sĩ Hun Thourida nhận thấy vết loét đã lan rộng cả khuôn mặt, cổ, vai và lưng. Theo bác sĩ Hun Thourida, bà Yely Sarun bị viêm da tiếp xúc và vì ngứa nên bà thường hay gãi, dẫn đến nhiễm trùng: “Mỗi tuần 3 lần, chúng tôi rửa các vết loét bằng thuốc sát khuẩn rồi điều trị kháng sinh cùng các vitamin nhằm nâng cao thể trạng. Bây giờ nó đã khô, hết ngứa”.

Và không chỉ có các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, bộ máy của TLC hoạt động trơn tru còn nhờ vào sự đóng góp của nhiều người. Đó là ông Sakhem, cựu chiến binh Quân đội Hoàng gia Campuchia, gia nhập TLC từ năm 2008, hiện là giám đốc kỹ thuật các dự án đặc biệt. Đó là Madeline Njos, người Mỹ. Cô cùng chồng từ thành phố Seatlle, bang Washington, Mỹ, đến thăm Campuchia năm 2016. Khi chứng kiến cuộc sống của người dân Biển Hồ và những công việc của TLC, năm 2019 vợ chồng cô chính thức tham gia với vai trò giám đốc phát triển, phụ trách gây quỹ từ thiện. Đó là dược sĩ Phil Pihrom, dược sĩ Sery Odom và đó là điều phối viên lâm sàng Savann, quản lý tài chính Khim Chantha…. Savann cho biết: “Việc chăm sóc sức khỏe được chúng tôi thực hiện dưới các hình thức như xét nghiệm, làm các phẫu thuật nhỏ, khám và cấp thuốc ngoại trú. Nếu tình trạng bệnh nhân cần đến sự điều trị cao hơn, chúng tôi chuyển họ lên bệnh viện tỉnh. Trong trường hợp này, nhân viên của TLC sẽ đánh giá điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được xác định là nghèo, chúng tôi sẽ cung cấp phương tiện chuyển viện miễn phí đồng thời tạo điều kiện cho họ được hưởng bảo hiểm từ Quỹ công bằng y tế…”. Bác sĩ Korng Sombun cho biết thêm: “Bên cạnh việc giúp đỡ người dân Biển Hồ tiếp cận với y học hiện đại, TLC còn tổ chức các nhóm hỗ trợ y tế ở từng khu vực trên hồ. Họ được đào tạo về phòng chống dịch bệnh, nhận biết các triệu chứng cơ bản và các dấu hiệu nguy hiểm…”.

Đại dịch COVID-19 khiến tôi không có dịp quay lại TLC như đã hứa. Cuối tháng 6-2020, tôi điện thoại cho bác sĩ Bunrieng, anh nói thời gian vừa qua ngoài việc thăm khám, điều trị, anh cùng các đồng nghiệp còn tổ chức những buổi tư vấn về cách phòng ngừa COVID-19 đồng thời cấp phát xà bông rửa tay, khẩu trang cho bà con: “Điều đáng mừng là cộng đồng cư dân Biển Hồ chưa phát hiện sự lây nhiễm”, rồi anh than: “Mọi năm, thời điểm này nước đã bắt đầu đổ về nhưng năm nay, đến giờ mà vẫn cạn…”.

VŨ CAO

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202007/phong-kham-benh-tren-bien-ho-campuchia-ky-2-long-nhan-ai-khong-co-bien-gioi-904298/