Kỳ 2: Loạn sắc màu trên các con phố Thủ đô

Quảng cáo được xem là một phần quan trọng đối với đời sống đô thị, là một trong những yếu tố tạo lập kiến trúc cảnh quan, phản ánh thẩm mỹ, biểu hiện văn hóa tiêu dùng của cộng đồng dân cư ở quy mô rộng lớn.Thế nhưng tại Hà Nội, không ít những con phố bị trở nên nhem nhuốc vì quảng cáo bừa bãi làm mất mỹ quan. Điều này còn thể hiện sự ích kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng của một bộ phận làm quảng cáo.

Rác của đô thị

Quảng cáo bủa vây trên khắp các con ngõ, đường phố là thực trạng chung của nhiều thành phố cũng như thị trấn. Tại những thành phố lớn như Hà Nội quảng cáo xuất hiện dày đặc trên các mặt tiền của các ngôi nhà dọc mọi tuyến phố, ngóc ngách. Bất kì lúc nào bước ra khỏi nhà là chúng ta đã có thể bắt gặp vô vàn ấn phẩm của các cửa hàng từ quy mô lớn đến cửa hàng có quy mô manh mún trên vỉa hè.

Trên một số tuyến phố, biển quảng cáo xuất hiện dày đặc với đủ loại màu sắc khiến cho Thủ đô trở nên phản cảm, lòe loẹt và vô cùng lộn xộn. Trong đó có thể kể đến một số tuyến đường như Cầu Giấy, Tôn Đức Thắng, Giải Phóng, Tây Sơn, Phố Huế,…chằng chịt biển quảng cáo với đủ các màu sắc của các cửa hàng kinh doanh.

Tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi các chủ cơ sở không tuân thủ các tiêu chuẩn trong vấn đề thiết kế quảng cáo khiến đường phố trở nên rối ren từ dưới mặt đất, thậm chí cả ở trên không. Hầu hết các biển quảng cáo đều là của các công ty lớn và các thương hiệu thời trang, chính bởi vậy nên những dòng chữ nửa tây nửa ta cũng trở nên phổ biến, nhiều biển quảng cáo chỉ có một từ khiến khách hàng không định hình được sản phẩm.

Biển quảng cáo đủ kích cỡ vây kín các căn nhà.

Biển quảng cáo đủ kích cỡ vây kín các căn nhà.

Đã có nhiều năm công tác và sinh sống tại Thủ đô, thế nhưng bạn Nguyễn Thúy Tâm (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) chia sẻ vẫn luôn cảm thấy khó chịu trước màu sắc của những tấm biển quảng cáo mỗi khi ra đường.

“Thực sự mình cảm thấy khá hoa mắt trước những tấm biển quảng cáo trên các tuyến phố của Hà Nội. Các biển quảng cáo với các tông màu đỏ và trắng khá nhiều khiến mình khá khó khăn trong vấn đề tìm địa chỉ của các cửa hàng, cùng đó các cửa hàng dù có thể sử dụng tên tiếng Việt để quảng cáo cho sản phẩm nhưng thay vào đó họ lại sử dụng xen lẫn các từ tiếng Anh nên mình thấy khá phản cảm”, bạn Tâm cho hay.

Ghi nhận tại một số tuyến đường cho thấy rất nhiều vi phạm trong kích cỡ của quảng cáo. Trong các vi phạm này, có rất nhiều thương hiệu lớn. Đơn cử như biển quảng cáo tại các cửa hàng của Công ty Cổ phần Thế giới di động, ngoài màu sắc nổi bật với nền biển màu đen và dòng chữ “thegioididong.com” màu vàng nằm ở giữa, hầu hết các biển quảng cáo này đều có kích thước lớn hơn so với quy định.

Bên cạnh đó, tại các chuỗi cửa hàng lớn khác như: FPT shop, Điện máy xanh cũng đều vi phạm có hệ thống với những lỗi rất nghiêm trọng. Các biển hiệu, bảng quảng cáo đa phần đều có diện tích vượt gấp 5 – 6 lần so với quy định. Không chỉ vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, các biển, bảng này còn đặc biệt nguy hiểm khi cứu hộ, cứu nạn, cản trở công tác phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với vấn đề loạn màu sắc của những tấm lớn quảng cáo trên các tuyến phố, quảng cáo rao vặt cũng là “nỗi ám ánh” của thẩm mỹ đô thị. Thật đáng buồn cho những cột đèn chiếu sáng, tường nhà, tường rào được tạo dáng và sơn sửa đẹp mắt hài hòa với kiến trúc công trình và cảnh quan bỗng bị ai đó dán chằng, dán đụp từng tầng lớp tờ rơi bóc không xuể.

Ðáng buồn hơn khi những dòng chữ sơn đen kịt thông báo địa chỉ khoan cắt bê tông, chống thấm dột, thông tắc cống rãnh, hố vệ sinh án ngữ trên những công trình nghiêm trang, hay những tờ rơi bị thả vương vãi hoặc những thông tin sơn phét trên tường nhà, tường rào ngày càng nở rộ.

Ðó thực sự là những vết bẩn, bôi đen lên bộ mặt thẩm mỹ kiến trúc đô thị. Nó làm cho quảng cáo vốn là sản phẩm văn hóa lại trở thành phản văn hóa mà lợi ít, hại nhiều, làm ô nhiễm môi trường, cảnh quan của đô thị, gây bức xúc không nhỏ.

Cụ thể tại đường Võ Quý Huân các tấm biển quảng cáo cho thuê nhà, rao bán nhà in trên những khổ giấy A4 được dán tràn lan trên dọc bức tường Trường THPT Minh Khai khiến cho đoàn thanh niên và cán bộ quản lý nhà trường phải vất vả xử lý bằng việc ra quân bóc tờ rơi, thậm chí phải dùng sơn trắng để xóa đi vết giấy quảng cáo để lại. Còn tại đường Âu Cơ, các tờ rơi cho vay tín dụng đen, khoan cắt bê tông cũng tràn ngập các bốt điện, bờ tường khiến con đường trở nên nhếch nhác, phản cảm.

Trước tình trạng loạn màu sắc và kích cỡ quảng cáo đang tiếp tục “náo loạn” các tuyến phố của Thủ đô, họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Chúng ta đã làm biến dạng đô thị rất nhiều vì lý do chưa coi trọng thẩm mỹ đô thị. Những biển quảng cáo treo khắp mọi nơi, ai cũng có thể làm cho mình một chiếc biển quảng cáo mà không theo bất cứ quy chuẩn nào. Từ kích thước biển quảng cáo cho tới màu sơn của các tấm biển quảng cáo đã khiến bộ mặt đô thị rơi vào tình trạng báo động.”

Lợi ích chung bị bỏ ngỏ

Theo khảo sát của phóng viên, dọc trên các tuyến phố Hà Nội những tấm biển quảng cáo hiện nay đều có xu hướng thiết kế nổi bật hơn biển quảng cáo cũ. Nguyên nhân được kể đến là do người dân lấy ý kiến lợi ích kinh doanh của cá nhân đưa lên hàng đầu, chưa chú trọng đến lợi ích của toàn xã hội.

Một minh chứng để thấy rõ sự cạnh tranh của các chủ cửa hàng trong vấn đề biển, bảng quảng cáo đó chính là chất liệu của quảng cáo. Nếu như trước đây, quảng cáo chỉ được làm từ những chất liệu đơn giản như nhựa PVC thì hiện tại, quảng cáo còn được thực hiện trên nhiều chất liệu như inox, mica…

Thậm chí, tại nhiều góc phố nhỏ, các chủ cửa hàng còn lắp thêm những biển quảng cáo bằng đèn led nhấp nháy để thu hút sự chú ý của người đi đường. Thế nhưng, dù là quảng cáo trên chất liệu nào thì mục đích cuối cùng của các biển quảng cáo cũng chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Theo một số hộ kinh doanh trên phố Hai Bà Trưng, nếu cùng bán về một mặt hàng mà 2 cửa hàng lại nằm liền kề nhau thì biển quảng cáo có vai trò quyết định đến sự phát triển của quán.

“Khi mở tiệm thì mình đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề tạo sự khác biệt cho quảng cáo của mình với các cửa hàng khác. Nếu như cửa hàng họ sử dụng màu xanh làm tông nền chủ đạo thì mình sẽ lên ý tưởng thiết kế trên những gam màu như đỏ, hồng…làm chữ nổi và biển lớn hơn những nhà bên cạnh để cho mọi người chú ý đến cửa hàng của mình hơn” – chị Hường, một chủ tiệm tạp hóa chia sẻ.

Có lẽ do tâm lý thích sự nổi bật và chưa hiểu hết tầm quan trọng của quảng cáo với khiến trúc đô thị nên nhiều chủ cửa hàng đã sử dụng những gam màu nóng để tạo nên sự khác biệt mà không hay biết rằng những việc làm trên đang vô tình làm xấu đi bộ mặt của Thủ đô.

Nói về vai trò cũng như tác động của quảng cáo đến thẩm mỹ đô thị, Thạc sĩ, Kiến Trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: “Quảng cáo là một hợp phần tạo nên diện mạo đô thị nhưng đồng thời còn có tác động đến thẩm mỹ của cộng đồng dân cư và thể hiện sự nhận thức của người dân, của người kinh doanh và các doanh nghiệp với thể chế, sự kiện và các vấn đề chính trị.

Bên cạnh đó, nhiều tấm quảng cáo thiếu chất lượng nên gây ra phản cảm. Dù đã có nhiều cuộc thi về băng rôn, quảng cáo, các quảng cáo sự kiện, lễ hội, quảng cáo chiếu sáng, thế nhưng công tác quảng cáo vẫn còn nhiều tồn tại.

Chính vì chưa hiểu biết đầy đủ nên người dân vẫn chưa thấu đáo hết ý nghĩa và vai trò của quảng cáo đối với thẩm mỹ đô thị. Đa phần quảng cáo hiện tại vẫn là thích gì làm nấy, làm quảng cáo để thấy mình là trung tâm của sự chú ý và hấp dẫn người khác từ đó tăng lợi nhuận cho bản thân, chưa nghĩ đến lợi ích chung của xã hội”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Phương Ngân – Lương Hằng

Kỳ 3: Bài toàn nào cho thẩm mỹ đô thị?

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-loan-sac-mau-tren-cac-con-pho-thu-do-89813.html