Kỳ 2: Làm từ thiện để nối tiếp những phép màu

Thành viên sớm nhất đến với nhóm Những chuyến xe yêu thương đó là anh Trần Doãn Hưng… Vốn 'lê la' trên mạng xã hội nhiều, cũng hoạt động trong hội nhóm Civic miền Bắc và Bắc Trung Bộ, công việc của anh Minh khiến Hưng khâm phục, anh không nghĩ mình là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm xe ý nghĩa này.

“Cho đi là còn lại” Hưng cho biết, anh rất thấm thía câu nói này. Câu chuyện của anh bắt đầu từ những ngày cậu con trai mới sinh ra đã phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh. Những ngày hai vợ chồng lay lắt cùng đứa con mới sinh đỏ hỏn ở BV Bạch Mai khiến anh thấu hiểu vô cùng những khó khăn của những bệnh nhân nghèo.

“Có những gia đình gắn liền với cái BV, cả gia đình luân phiên nhau vào chăm sóc người bệnh, những giấc ngủ ngắn để lấy sức thường diễn ra dưới những tán cây, dưới nền gạch lạnh giá hoặc dưới cái nắng chói chang ở khuôn viên BV. Khổ lắm, nhưng dù vắt kiệt sức, ném hết tiền vào để chạy chữa người ta vẫn sẽ cố gắng… Người bệnh khổ đã đành, người nhà cũng vất vả không kém”, anh nói.

Ngày ấy, Hưng còn nhớ, nằm cùng phòng với con mình đó là một bà mẹ người Cao Bằng. Ban đầu không để ý, chỉ thấy cô ấy hay ăn bánh mỳ, nhưng rồi sau một hai hôm thì Hưng phát hiện, thức ăn chống đói và giữ sức chăm bệnh nhân chỉ có bánh mỳ.

Có những lúc cô mua đến 12 cái bánh mỳ để ăn các bữa… Những đêm thức trắng trông bệnh nhân, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, da dẻ sạm đen vì mệt mỏi, những chiếc bánh mỳ khô khốc không đủ cung cấp dinh dưỡng cho người phụ nữ ấy.

Anh Hưng (bên phải) cùng các thành viên trong Những chuyến xe yêu thương trong một chuyến đi. Ảnh: NVCC

Anh Hưng (bên phải) cùng các thành viên trong Những chuyến xe yêu thương trong một chuyến đi. Ảnh: NVCC

Và Hưng đã nói với bà mẹ ấy không ăn bánh mỳ nữa, ngay sau đó mỗi lần về nấu cơm, anh đều nấu dư ra một suất cho họ. Cho dù người mẹ ấy không nói tròn chữ một câu cảm ơn, nhưng anh cũng thanh thản hơn khi thấy họ ăn ngon lành cơm anh mang đến.

Có lẽ việc làm của anh đã khiến nhân viên y tế trong khoa để ý, một buổi sáng, có một bác sỹ mà anh cũng chẳng biết tên đã gọi anh lên, nói sẽ giới thiệu anh sang gặp PGS, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu với một lá thư viết tay. Cảm ơn người bác sỹ ấy, anh vội ôm con sang gặp bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, hồi anh còn làm tại Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam.

“Bác sỹ Hiếu khám cho con tôi, anh có nói con tôi phải đến 1 tuổi mới có thể phẫu thuật được. Bây giờ việc cần làm đó là tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sỹ. Bất ngờ là bỗng nhiên bác sỹ còn hỏi tôi một câu: “Anh có hay làm từ thiện không?”. Tôi đáp cũng có, nhưng cũng không mấy lưu ý. Anh nhắc tôi: “Về nhà chịu khó làm từ thiện, sẻ chia… mọi việc làm sẽ được phúc đáp,” anh Hưng kể.

Từ lần thăm khám ấy, ngoài việc tích cực thuốc thang cho con, anh Hưng và vợ rất quan tâm và năng nổ thực hiện các hoạt động thiện nguyện. “Như một phép màu, khi con được 1 tuổi, chúng tôi đem con đến thăm khám để chờ chỉ định thì bệnh của con đã ổn, đến thuốc cũng không còn phải duy trì chứ đừng nói là mổ xẻ”, Hưng hồ hởi.

Việc tham gia nhóm với anh Nguyễn Bình Minh nó tự nhiên như vốn nó sẽ phải như vậy. Công việc này với Hưng khiến anh thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn rất nhiều và nó là tiếp nối cái phép màu 4 năm trước xảy ra trên cơ thể cậu con trai lớn của mình.

“Cho đi là còn lại… Tôi thấy mình được rất nhiều. Đó là những lần đi ngoài phố, người ta nhận ra mình rồi gọi vào rồi nói đôi ba lời động viên. Đó là những lần đi tỉnh xa, mỗi lần có khó khăn, tạt vào hỏi các đồng chí cảnh sát được “nhận diện” với những vỗ vai thân mật. Đó là khi xuất hiện ở BV Nhi được gia đình bệnh nhi chào đón, là những cuộc điện thoại, tin nhắn của người nhà bệnh nhân mỗi lần về nhà bình yên”, anh Hưng nói.

Theo anh Hưng, ở các chuyến chở bệnh nhân nghèo về quê, mỗi chuyến có những câu chuyện vui, những xúc động, những nỗi niềm ý nghĩa riêng. Dân quê người ta hồn hậu lắm, có những lần đưa bệnh nhân về đến nhà, anh cũng “choáng” khi mà thấy trong nhà họ đầy những người… Nào là hàng xóm láng giềng, nào là họ hàng gần xa. Họ đến để chia vui với gia đình bệnh nhân, họ đến để… tận mắt chứng thực có người đem cả xe sang chở người nghèo về miễn phí..

Cũng có những người không tin, họ hỏi dò sau mỗi chuyến xe, Hưng được bao nhiêu, nhưng anh chỉ cười. Với anh, có nhiều những chuyện chỉ cần có sự lan tỏa chứ không cần chứng minh…

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-2-lam-tu-thien-de-noi-tiep-nhung-phep-mau-211618.html