Kỳ 2: Lâm tặc mở đường cho xe ô tô vào đại ngàn chở gỗ

Khi lâm tặc những nơi khác phá rừng, vận chuyển gỗ còn dùng đủ chiêu trò để đối phó, như: vận chuyển bằng xe trâu, xe bò, kết bè thả trôi chìm theo sông, suối… Thì ở Đắkrông (Quảng Trị), lâm tặc chủ động mở đường, đưa xe tải vào rừng chở gỗ như chốn không người. Đường mở đến đâu, 'máu rừng' tuôn đến đấy!

Như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh ở kỳ trước, mặc dầu Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có "công lệnh" chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đại ngàn Đắkrông (Quảng Trị) vẫn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.

PV báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều ngày thâm nhập vào hiện trường phá rừng ở xã Hướng Hiệp, huyện Đắkrông. PV đã ghi nhận được thực trạng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn sót lại nơi đây đang bị tàn phá nặng nề. Rất nhiều gốc cây lớn mới bị cưa còn ứa "máu xanh"; hàng chục súc gỗ lớn mới được xẻ thành phẩm nằm ngổn ngang cạnh các con đường và ven bờ suối. Có nơi, gỗ đã xẻ thành phẩm tập kết một dãy dài như "suối gỗ".

Những súc gỗ lớn nằm nối đuôi nhau dưới lòng suối tạo thành "suối gỗ" giữa đại ngàn Đắkrông.

Đưa cả xe, máy vào mở đường

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất sau nhiều ngày thâm nhập ghi nhận tình trạng phá rừng ở Đắkrông, đấy là có những con đường được lâm tặc mở rộng hơn 3m đủ cho xe tải hạng nặng đi vào rừng, kéo dài hàng chục km đường rừng để vận chuyển gỗ từ rừng sâu ra. Đường mở đến đâu, rừng “chảy máu” đến đó. Những con đường mới mở rất mới, còn tươi màu đất, còn hằn dấu bánh xe!

Người dẫn đường buông gọn một câu trước sự ngạc nhiên quá đỗi của chúng tôi: “Ngạc nhiên làm gì. Xe ô tô vào rừng này chở gỗ hàng năm nay rồi. Bọn họ (ám chỉ lâm tặc – PV) còn cho xe máy đào, máy múc vào rừng để làm đường, rồi hàng mấy xe tải nối đuôi nhau vào chở gỗ ra ngày đêm. Ở đâu còn có gỗ, ở đó bọn họ làm đường đến tận…gốc cây!”.

Hàng chục súc gỗ lớn được tập kết bên con đường rộng, chờ xe ô tô vào chở ra khỏi rừng.

Đau xót thay! Khi những nơi khác phá rừng, lâm tặc còn dùng đủ chiêu trò để đối phó, như: vận chuyển bằng xe trâu, xe bò, kết bè thả trôi chìm theo dòng suối… Thì ở đây, lâm tặc đưa xe máy vào làm đường, đưa xe tải vào chở gỗ như chốn không người.

Lúc đầu, khi đi từ Đập Tràn thuộc thôn Kreng vào rừng, men theo vệt bánh xe tải hằn sâu xuống đường rộng hơn 3m, chúng tôi cứ nghĩ đây là đường dân sinh, đường bảo vệ rừng, những vệt bánh xe đó là xe chở cây keo, cây tràm của người dân… Nhưng khi nghe người dẫn đường nói, đây là đường chính vận chuyển gỗ của lâm tặc thì chúng tôi như không tin vào tai mình. Bất ngờ hơn, ngoài những con đường có cả chục năm nay, còn có những nhánh đường mới mở còn tươi màu đất mới xúc, mới đào.

Những con đường rộng mới được mở cho xe ô tô vào rừng chở gỗ, vẫn còn tươi màu đất mới...

Đó là những con đường rộng chừng 3m, tương đối bằng phẳng và gần như là đi men theo con Khe Luôi. Đường cứ men theo khe suối tầm vài km lại băng qua suối 1 lần, những hòn đá dưới suối mòn vệt bánh xe. Trên nền đường, vệt bánh xe hằn sâu xuống hơn 30cm. Người dẫn đường nói: “Hôm qua trời mưa, vệt bánh xe này còn rất mới, chứng tỏ hôm qua đã có mấy xe tải chở gỗ tuồn ra khỏi rừng”.

Đường rộng dẫn tới Bãi Tranh, là điểm tập kết gỗ chính của lâm tặc bao lâu nay trong rừng Đắkrông. Tới đây, con đường được chia làm 2 nhánh, 1 nhánh cũ và 1 nhánh mới. Chúng tôi quyết định rẽ trái đi theo con đường mới mở này.

Đường mở đến đâu, "máu rừng" tuôn đến đó

Theo những vệt bánh xe đi sâu vào rừng. Chúng tôi nhận thấy đây là con đường mới mở hoàn toàn, tương đối rộng và thừa đủ cho xe tải ra vào chở gỗ. Những dấu vết của việc mở đường còn nguyên mới, hàng loạt cây lớn nhỏ bị hạ san sát, có những cây 1 người ôm không xuể thẳng tắp cũng bị hạ không thương tiếc để làm đường. Đất đá bị xới tung, những hòn đá to như cái bàn ăn được múc lên bỏ ra thành đống 2 bên đường. Có những cây bị đào lên cả rễ rồi vứt ngay giữa suối... Đường vào tới đâu cây rừng bị hạ tới đó!

Đáng sợ hơn, từ con đường mới này đi chừng 3km thì lại tiếp tục được rẽ đôi, chia ra 2 nhánh mà nhánh nào cũng rộng lớn và in hằn vệt bánh xe tải. Quyết định rẽ phải, chúng tôi đi tiếp chừng 7-8km nhưng vẫn chưa thấy điểm cuối của con đường này là đâu.

Những con đường mới được mở đã in vệt bánh xe ô tô chở gỗ, mà chưa biết điểm cuối con đường là đâu trong rừng sâu

Chúng tôi đi cứ khoảng vài cây số lại bắt gặp 1 lán trại được lâm tặc dựng lên ven đường. Giả vờ vào xin nước 1 tốp thợ người địa phương, lân la hỏi chuyện chúng tôi được biết: Mỗi tốp thợ cưa vào rừng thường có 3 đến 4 người. Mỗi ngày không mưa gió thì mỗi tốp thợ cưa được 2 đến 3 khối gỗ. Sau đó vận chuyển ra gần các bãi tập kết dọc đường là hết nhiệm vụ. Việc còn lại là của các đầu nậu, họ sẽ cho người và xe vào mua tận nơi. Giá bán tại gốc giao động từ 1 đến 2 triệu 1 khối gỗ.

Như vậy, nhẩm tính sơ sơ mỗi ngày có 6, 7 tốp thợ vào rừng, chia nhau từng khoảnh rừng để đốn cây, xẻ gỗ, thì mỗi ngày đại ngàn Đắkrông mất hơn 20 khối gỗ. Điều đáng nói, bất kỳ cây gỗ nào to cũng bị đốn hạ, xẻ ra lấy gỗ.

"Nay thì gỗ gì họ cũng làm. Đường vào tới nơi, xe chạy tới tận gốc như vậy thì cứ có gỗ là họ cưa, không phân biệt gỗ quý gỗ tạp, cưa không chừa thứ gì. Hết gỗ quý thì họ cưa gỗ tạp để làm cốt pha phục vụ xây dựng" - anh bạn dẫn đường nói và cho biết làm gỗ này thường "dễ ăn" hơn vì nó nằm gần đường và trong rừng đang còn lại nhiều.

Những bìa gỗ còn tươi màu gỗ bị vứt lại chỏng chơ trong rừng.

"Người mình chỉ việc vào cưa xẻ ra đó là có được 1 khối 1 triệu rồi. Việc còn lại là của đầu nậu, của người xuôi họ lên. Họ trả tiền rồi đưa xe vào chở ra thôi, nghe đâu về dưới họ bán khối 3,5 triệu gì đó..."- anh bạn dẫn đường cho biết thêm.

Vừa quan sát, vừa nghe chuyện, chúng tôi đi mãi vẫn không hết con đường mới mở. Chiều muộn, một cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống, người dẫn đường đưa chúng tôi quay lại nghỉ tạm trong lán của người dân bỏ lại bên đường. Đêm ấy, nằm chen vai nhau trên tấm ván nhỏ bắc tạm trong lán, trong đầu chúng tôi hiện lên rất nhiều câu hỏi khó trả lời. Ai đã mở đường? Ai người chống lưng? Và liệu những con đường hút máu rừng xanh này có điểm cuối hay không?

Nguyễn Cường - Bùi Tiến

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/ky-2-lam-tac-mo-duong-cho-xe-o-to-vao-dai-ngan-cho-go-53128.html