Kỳ 2: Hương sắc Hà Thành qua hội họa

Hà Nội bận rộn và hối hả. Hà Nội ồn ã những thanh âm náo nhiệt. Hà Nội san sát nhà, xe. Thế nhưng, bên cạnh những nét ồn ã đó còn có một Hà Nội khác, bình yên, thong thả và đẹp đến mức mỗi khoảnh khắc khi nhìn vào cũng khiến không ít người ngẩn ngơ, thêm yêu mảnh đất này.

Hà Nội qua nét bút, mảng màu

Vài năm trở lại đây, Hà Nội ngày một phát triển với nhịp đô thị rõ nét, đổi thay từng ngày. Thế nhưng, với riêng tôi Hà Nội lại có điểm nhấn khác, nó bình dị, lặng thầm và truyền thống. Tựa như một cô gái quê ra phố thị, dù cuộc sống có đổi thay nhưng vẫn giữ được nét nền nã chân quê truyền thống. Ấy là những con phố, ngõ xóm bích họa. Phố bích họa mục đích là làm đẹp bộ mặt phố phường đô thị. Trước nay, trên khắp các phố to ngõ nhỏ của Hà Nội, mọi người thường nghĩ đến những bức tường cũ kỹ, ẩm mốc, chằng chịt dán những tờ quảng cáo, khoan cắt bê tông… Thế nên việc “lột xác” không gian này khiến người dân vô cùng hào hứng, phấn khởi.

Khởi đầu từ con đường gốm sứ ven sông Hồng năm 2010, phong trào trang trí đường phố bằng hội họa ngày càng rầm rộ. Từ sau con đường gốm sứ, hàng loạt con phố, đường bích họa mọc lên như một trào lưu. Trong đó có thể kể đến những công trình được nhiều người biết đến như: Khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa) vốn cũ kỹ được khoác lên mình những màu sắc rực rỡ.

Những tuyến phố ở Thủ đô cảnh quan đã trở nên sạch đẹp hơn nhờ những bức bích họa.

Những tuyến phố ở Thủ đô cảnh quan đã trở nên sạch đẹp hơn nhờ những bức bích họa.

Hay tại ngõ 23 phố Giang Văn Minh (quận Ba Ðình) bức tường của Trường THCS Nguyễn Trãi cũng được trang trí bích họa, ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hay ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã được người dân tự bỏ tiền gắn những tấm gốm thô mộc thành các bức tranh phong cảnh, làng quê... Xa hơn một chút như ngõ Ao Dài (Bắc Từ Liêm) cũng là một con phố thu hút được sự chú ý của nhiều người dân. Con ngõ này nổi tiếng, được biết tới với hàng chục bức họa cùng những thông điệp cổ động, mang đặc trưng của thời bao cấp với nội dung về môi trường, trẻ em, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội.

Đận tìm đến ngõ Ao Dài, tôi tình cờ biết tác giả của con ngõ hội họa là ông Cao Trí Thịnh, một “nghệ sỹ làng” thực hiện những nét vẽ khi đã ngoài 90 tuổi. Theo chia sẻ của người dân trong ngõ, ông Thịnh khi thấy các tường trong ngõ nơi mình đang sống ngập chi chít quảng cáo rao vặt, mất mỹ quan, ông đã tự mình mua sơn về vẽ những bức tranh để phủ lên lớp tường cũ kỹ. Các thông điệp thể hiện lòng yêu nước, ngưỡng mộ Bác Hồ kính yêu hay nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường, thực hiện kế hoạch hóa gia đình đều được thể hiện bằng hình vẽ, bút tích bay bổng, ấn tượng.

Ngoài những bức vẽ rực rỡ sắc màu, ngõ Ao Dài còn trông rất thơ mộng nhờ những chậu cây trang trí khắp trục đường chính. Giữa những ngày đầu hè nóng rực, đi vào ngõ Ao Dài hẳn bất kỳ ai cũng sẽ có lại cảm giác thanh bình và thư thái lạ thường. Con ngõ nhỏ vừa lung linh sắc màu hoa lá, vừa rực sáng nhờ những bức vẽ ngộ nghĩnh. Từ Ao Dài, nếu nhìn rộng ra, ở Hà Nội, đâu đó trong thành phố này vẫn còn có nhiều người có trẻ tuổi, có trung niên, cũng có người khi tuổi dù đã xế chiều vẫn ngày đêm miệt mài sống với đam mê của mình. Họ không mưu cầu tiền bạc hay chờ đợi được ai đó ngợi khen, họ làm những công việc “vác tù và hàng tổng”, làm đẹp cho phố phường đơn giản vì thực tâm muốn cống hiến điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội.

Lắng nghe hơi thở phố phường

Có một điểm đặc biệt là, dường như họa sĩ nào từng sinh sống hay một thời gian đến thăm Hà Nội cũng từng vẽ tranh về thành phố. Họ vẽ từ những bóng dáng thiếu nữ mặc áo dài đứng thướt tha sau giờ tan học, những gánh hàng hoa bình dị, cụ già bán nước góc phố, hàng cây xào xạc, hồ Gươm xanh trong tới những con phố liêu xiêu, những gương mặt mưu sinh, hay bầu trời ngoại thành xanh mướt bóng cây và những tòa nhà cao ốc chọc trời.

Trong đận thăm quan triển lãm mỹ thuật Việt – Hàn “Vision in Harmony” của hai họa sĩ Văn Dương Thành và Julia Oh tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đận đầu năm, tôi không nhớ bản thân đã mê mẩn bao lâu trước các bức tranh về phố cổ Hà Nội như: Phố Hồng, Ánh trăng trên phố Hàng Da, Trăng trên chợ hoa ngày Tết, Phố Yên Phụ… Ở những tranh vẽ của mình, họa sĩ Văn Dương Thành chỉ dùng 2 màu, đó là các tông màu hồng và màu đen để tả cảnh phố phường ngược sáng dưới ánh trăng.

Nhìn kĩ sẽ thấy rất nhiều mái nhà trăm năm cũ, những cây cột điện nghiêng nghiêng, những mạng lưới điện giăng giăng chằng chịt, cả những ban công có con tiện nhỏ bé, mái hiên trĩu nặng lụp xụp, những cầu thang lộ thiên nhỏ hẹp chạy giữa những bể nước, ống máng nước mưa bằng sành nung, cả quần thể đó nhưng kể câu chuyện của bao mảnh đời, của nhiều thế hệ đã sống qua trong những ngôi nhà cũ kĩ này, chính màu thời gian đã làm nên sự quyến rũ và cái đẹp rất độc đáo, rất thương nhớ, hoài niệm. Nhắc chuyện này, nữ họa sĩ tâm sự, bản thân đã vẽ rất nhiều phố cũ Hà Nội do khi còn thơ bé, đã được gặp danh họa Bùi Xuân Phái, được ông dẫn đi vẽ Văn Miếu và những khu phố nhỏ. Ông đã giúp cho Thành hiểu và yêu Hà Nội.

Văn Dương Thành không phải họa sĩ duy nhất tìm cảm hứng, tìm chất riêng của mình bằng tình yêu Hà Nội. Vì sao ư? Bởi chỉ có gặp, tiếp xúc và trải nghiệm mới thấy, mỗi họa sĩ yêu Thủ đô lại có cách tiếp cận khác nhau, nhìn nhận khác nhau nhưng đều cảm nhận được hơi thở, tâm hồn phố. Chẳng hạn, nếu ai đó xem tranh của Hoàng Hưng, có thể thấy từ họa sỹ này nét say đắm vẻ đẹp thiếu nữ Hà Thành. Hoàng Hưng yêu và đưa vào tranh của mình những dáng điệu thanh tú, yêu kiều.

Ông không vẽ những gương mặt, mà vẽ dáng đứng, bước đi và cử chỉ thanh lịch của thiếu nữ với tà áo dài bay. Còn với họa sĩ Phạm Bình Chương lại khác. Qua tranh của anh, người ta thấy những nét sinh hoạt quen thuộc, xoáy sâu vào đề tài ngõ phố đầy chất hiện thực mà giản dị. Hay họa sĩ Trần Văn Thành, đắm đuối với mảng tranh về các vùng ngoại thành, tạo ấn tượng bởi những vẻ đẹp giản dị, với màu sắc trầm và lắng sâu.

Nhìn lại những nét bút, mảng màu trên phố, tôi tình cờ nhận ra rằng, những kiến thức, sự am hiểu hội họa của những người dân Hà thành bất đồng. Song tất thảy họ đều có điểm chung rằng, việc vẽ tranh nghệ thuật đường phố một cách hợp lý sẽ góp phần hạn chế nạn bôi bẩn bằng quảng cáo, rao vặt bừa bãi. Nhiều tuyến phố ở Thủ đô cảnh quan đã trở nên sạch đẹp hơn. tranh ảnh và những bức họa đã góp phần tích cực giúp tạo nên điểm nhấn cho Hà Nội.

Trầm ngâm ngắm những bốt điện trong những ngày thảnh thơi cuối năm, ông Nguyễn Văn Tùng (phường Phan Chu Trinh) bộc bạch: Tôi rất ủng hộ việc vẽ tranh lên bốt điện trên các tuyến phố Hà Nội. Những bức tranh không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan, mà còn để lại hình ảnh Hà Nội đẹp trong mắt du khách nước ngoài. Bên cạnh đó thấy các bốt điện được làm đẹp như vậy, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con nhân dân xung quanh cũng được nâng lên, tình trạng vứt, đổ rác hoặc phóng uế bừa bãi tại các bốt điện đã không còn.

Lê Thắm – Đinh Luyện

Còn nữa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-huong-sac-ha-thanh-qua-hoi-hoa-93862.html