Kỳ 2: Hàng loạt sai phạm 'khủng' tại Công ty Cảng Bến Nghé

Rất nhiều sai phạm tại công ty thành viên của Samco là Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé đã được cơ quan thanh tra 'bóc mẽ' như cho thuê cảng sai quy định, chỉ định thầu trái phép, xác định giá trị doanh nghiệp sai quy định…

Cho thuê Cảng Phú Hữu sai quy định

Thanh tra TPHCM đã có kết luận thanh tra đối với Tổng công ty Cơ khí, Giao thông, Vận tải Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Samco). Trong đó, Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, công ty thành viên của Samco đã có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Theo kết luận thanh tra, Công ty Cảng Bến Nghé đang quản lý sử dụng 2 mặt bằng nhà đất gồm: khu đất tại số 9 đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 diện tích 230.500m2 (Cảng Bến Nghé) và khu đất tại khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9 có diện tích hơn 240.000m2 (Cảng Phú Hữu).

Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, công ty con của Tổng công ty Samco mắc hàng loạt sai phạm khi bị thanh tra.

Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, công ty con của Tổng công ty Samco mắc hàng loạt sai phạm khi bị thanh tra.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu với hình thức cho Công ty Cổ phần Tân Cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu. Việc này thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới và Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là không đúng ý kiến của UBND TPHCM.

Bởi, UBND thành phố chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng.

Căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức thuê đất, ký hợp đồng trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền cho thuê tài sản trên đất. Chính vì vậy, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của Cảng Phú Hữu là không đúng quy định.

Theo Thanh tra TPHCM, việc Công ty Cảng Bến Nghé có nhu cầu cho thuê cơ sở hạ tầng cảng Phú Hữu thì cần báo cáo với Tổng công ty Samco để xin ý kiến chấp thuận của UBND thành phố.

Chỉ định thầu trái phép

Tháng 4/2016, Công ty Cảng Bến Nghé và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 3 ký hợp đồng đo vẽ hiện trạng và xác định giá trị phần trăm còn lại của công trình tại Công ty Cảng Bến Nghé gồm Cảng Bến Nghé và Cảng Phú Hữu. Giá trị hợp đồng là 591 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu đối với gói thầu trên là vượt hạn mức chỉ định thầu, không đúng quy định. Bởi, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ công… có hạn mức dưới 500 triệu đồng mới được áp dụng hình thức chỉ định thầu, còn với những gói thầu có hạn mức hơn 500 triệu đồng thì không được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Trong công tác xác định giá trị doanh nghiệp thì Công ty Cảng Bến Nghé đề xuất chọn Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY ACA (gọi tắt UHY) là đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp.

Cảng Phú Hữu được cho thuê trái phép khi chưa có ý kiến của UBND TPHCM.

Thế nhưng, theo kết luận thanh tra thì nhiều hạng mục được kiểm kê và đánh giá sai khi xác định giá trị doanh nghiệp. Cụ thể, diện tích sàn sử dụng tại Bảng kiểm kê, đánh giá lại tài sản công trình, vật kiến trúc “chênh lệch” với diện tích Bản vẽ hiện trạng công trình hơn 130m2. Một công trình có diện tích hơn 2.300m2 thể hiện trên bản vẽ công trình nhưng chưa được định giá để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị định giá cũng chưa xác định giá trị hòn non bộ, cây xanh tại vườn hoa của Cảng Bến Nghé để tính vào giá trị doanh nghiệp. Diện tích cổng và tường rào giữa Bản vẽ hiện trạng công trình và Bảng kiểm kê đánh giá lại tài sản cũng “chênh lệch” tới hơn 905m2.

Việc xác định chất lượng còn lại của một số tài sản cố định như cần cẩu, xe nâng, xe cầu, phao neo, hệ thống điện cũng mắc phải nhiều sai phạm.

Cụ thể, việc xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản cố định phải đảm bảo 6 tiêu chí về ngoại quan tổng thể như thân, vỏ, nội thất…Phải có đánh giá chung về hoạt động, động cơ, hệ thống truyền dẫn, hệ thống phanh, hệ thống lái…

Tuy nhiên, Công ty Cảng Bến Nghé và Công ty UHY không xác định tỉ lệ phần trăm cụ thể đối với mỗi mức đánh giá để làm căn cứ xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản.

Đơn cử như xe cẩu, xe nâng đang hoạt động nhưng được đánh giá tỉ lệ chất lượng còn lại chỉ 20%, đây là tỉ lệ thấp nhất khi đánh giá chất lượng còn lại. Do vậy, việc xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản cố định của Công ty Cảng Bến Nghé là không hợp lý, không có căn cứ. Việc xác định giá trị phao neo tại Công ty Cảng Bến Nghé của Công ty UHY cũng không đúng quy định.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện đại diện Công ty UHY tham gia xác định tỉ lệ chất lượng không có thẻ thẩm định viên về giá.

Như vậy, việc thanh tra tại Tổng công ty Samco đã “lòi” ra rất nhiều sai phạm tại Công ty Cảng Bến Nghé. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan và những lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp.

Được biết, hiện nay, ông Nguyễn Hồng Anh đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Samco, ông Trần Quốc Toản đang là Tổng giám đốc Samco.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung thanh tra Tổng công ty Samco.

P.V

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/ky-2-hang-loat-sai-pham-khung-tai-cong-ty-cang-ben-nghe-45435