Kỳ 2: Gieo ước mơ

Về huyện Đơn Dương – huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay nơi vùng đất này. Cái khó khăn, chật vật của thời xa xưa đã được người dân cất vào miền ký ức mà thay vào đó là sự hăng say, niềm tin yêu trong lao động, sản xuất và những khát khao cho sự cống hiến, sáng tạo.

Trong niềm vui của sự đổi thay của người dân Đơn Dương, trong cái hiện hữu, đủ đầy của điện, đường, trường, trạm, khi tôi hỏi về nhà sáng chế nông dân Nguyễn Kim Long họ đã dành cho chàng trai này một ngân hàng tình cảm mà không hề có sự tính toán cân đo.

 Nhà sáng chế Nguyễn Kim Long đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019

Nhà sáng chế Nguyễn Kim Long đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019

Giải phóng sức lao động

Chiều rơi nhẹ, những giọt nắng lấp đầy phố huyện Đơn Dương. Bên kia sông, dòng Đa Nhim vẫn chảy mang theo bao dư âm và hoài niệm. Gia đình anh Lê Anh Thịnh, xã Pró, huyện Đơn Dương gắn bó với nghề nông cách đây khá lâu. Là người chuyên trồng các mặt hàng nông sản, trong đó có cà chua, ớt ngọt. Việc lựa chọn nông sản là khâu quan trọng trước khi xuất ra thị trường, vì vậy, chiếc máy lựa chọn, phân loại cà chua đã trở thành công cụ cứu cánh cho gia đình anh:

“Trước đây, lựa chọn cà chua vất vả lắm, không như bây giờ đâu. Vất vả như thế nào? Tôi hỏi.

Ngày xưa chưa có máy toàn phải lựa bằng tay. Phải thuê 5 đến 6 người để làm nhưng hiệu quả không cao, cà chua về đến vựa thường bị dập, mềm. Anh Thịnh đáp.

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của loại máy này tôi gặng hỏi: Anh đã yên tâm khi sử dụng loại máy này chưa? Yên tâm chứ. Bây giờ chỉ cần 2 người đứng máy là không có hàng để làm, máy lựa chọn nên cà chua đều, bóng đẹp, mưa gió cũng không ảnh hưởng gì, cà chua bán ra thị trường cao hơn ngày xưa một đến hai giá. Anh Thịnh trải lòng với nụ cười tỏa nắng.

Tạo việc làm cho người dân

Cuộc đời thật lạ lùng, có những mối quan hệ chỉ thoáng qua nhưng có những người gặp rồi, họ cứ làm ta nhớ mãi. Với tôi, Nguyễn Kim Long là trường hợp như thế. Những câu chuyện về công việc chế tạo máy phân loại nông sản được Long kể một cách say sưa làm cho người đối diện cảm nhận rằng người đàn ông này chưa bao giờ cạn kiệt niềm tin vào ước mơ và khát vọng của mình. Sau những thử nghiệm thành công, nhiều bà con đã tìm đến và đặt hàng Nguyễn Kim Long chế tạo máy phân loại nông sản. Đây cũng chính là động lực để Long mở xưởng cơ khí chế tạo của riêng mình. Sau khi hoàn thiện các quy trình sản xuất, năm 2018, Long tập hợp nhân công, tiến hành đào tạo chuyên môn, tay nghề cho họ để đầu tư vào việc chế tạo máy một cách bài bản và chuyên nghiệp. Khắc phục được những hạn chế của những loại máy phân loại nông sản trên thị trường, xưởng cơ khí của Long tập trung chế tạo các loại máy nông sản nhỏ, tiện ích và giá thành hợp lý cho người nông dân. Từ 75 đến 150 triệu đồng cho một chiếc máy, việc phân loại nông sản đạt độ chính xác trên 90%, năng suất của máy đạt 2 tấn/1 giờ, điều này góp phần tăng giá trị nông sản cho người nông dân.

Trên diện tích 150m, xưởng cơ khí của Kim Long lúc nào cũng tất bật, ngổn ngang những nguyên vật liệu phục vụ cho việc sản xuất máy móc. Tính đến thời điểm này, xưởng cơ khí của Kim Long đã chế tạo thành công và xuất ra thị trường 70 máy phân loại nông sản. Lúc cao điểm, xưởng cơ khí của Long có đến 10 lao động làm việc với mức lương từ 6 đến triệu đồng/người/tháng.

Dù không phải là người đàn ông lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa nhưng thông qua cách nói chuyện của mình, chúng tôi cảm nhận được sự chân thành và cởi mở từ nhà sáng chế chân đất Nguyễn Kim Long. Ở người đàn ông kiệm lời này, khát vọng và ước mơ, hoài bão trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ bị tàn lụi mà lúc nào nó cũng được thắp lên, lúc vẫn âm ỉ, lúc nồng đượm khiến người nghe chuyện của anh dễ đạt đến những xúc cảm miên man. Có lẽ, Nguyễn Kim Long dành cho nghề nông, dành cho người nông dân những tình cảm sâu nặng lắm, đó là thứ tình cảm nồng nàn chưa bao giờ bị biến dạng:

“...Nếu thị trường máy phân loại nông sản bị bão hòa thì Long phải làm thế nào? Tôi thắc mắc.

Em đang ấp ủ dự định chế tạo loại máy gieo hạt bằng độ chính xác cao hơn các loại máy trên thị trường. Sau đó là máy phân loại thanh long. Nếu thành công thì người nông dân sẽ bớt đi sự vất vả.

Hình như, Long chưa bao giờ thôi mơ ước và những dự định tương lai?

Nếu không có ước mơ thì thời gian trôi đi thật buồn và lãng phí anh ạ. Ngoài những dự định trên, ước mơ, khát vọng của em là xây dựng được một mô hình trồng rau trong nhà kính được thiết kế tự động hoaàn toàn từ gieo trồng, chăm sóc cho đến đóng gói sản phẩm sau thu hoạch.”. Chàng trai trẻ Nguyễn Kim Long trả lời tôi với chất giọng đầy tự tin.

Là người ấp ủ nhiều khát vọng, Kim Long sinh ra từ làng và trở về làng - về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để lập thân, lập nghiệp. Những dự định, ý tưởng, khát vọng và ước mơ cứ thế được chàng trai trẻ Kim Long ngày đêm chuyên cần gieo xuống cánh đồng quê hương và chờ ngày thu hoạch.Cụ thể cho hoạt động này, năm 2020, Long thành lập được tổ hợp tác POA. Trên diện tích 3 hecta, đây là tổ hợp tác chuyên trồng, cung cấp nông sản cho các siêu thị tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Với mô hình này, mỗi vụ, tổ hợp tác của nhà nông Nguyễn Kim Long xuất ra thị trường khoảng 30 tấn cà chua, ớt các loại. Vậy là Long đã chạm đến giấc mơ của mình.

Ngày đã cạn, chiều đã nhạt dần, tôi chia tay vùng đất Đơn Dương, chia tay nhà sáng chế Nguyễn Kim Long để trở về phố núi. Dù chỉ đến đây trong 2 ngày ít ỏi nhưng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa về chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, chuyện xúc động của một lão nông hiến cả trăm mét đất để làm đường cho dân đi và nghe những lời bộc bạch của nhà sáng chế đậm chất nông dân Nguyễn Kim Long. Những hoài bão, thành quả mà Kim Long đạt được trong quá trình lao động sản xuất đã làm tôi dấy lên cảm xúc miên man. Trong miền hân hoan về đất và người của huyện nông thôn mới này, tôi lại nhớ đến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 tổ chức tại Hà Nội: “Nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Phải là nông thôn của một thế hệ trí thức giàu khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo và có tinh thần doanh nghiệp”.

Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Kim Long là một trong bảy thanh niên của tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, năm 2020 tổ chức tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đề tài: Máy phân loại nông sản tự động theo kích thước, cân nặng, màu sắc của Nguyễn Kim Long đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, năm 2019.

Thành Nam

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-2-gieo-uoc-mo-n22964.html