Kỳ 2: Đời sống người dân từng bước đổi thay

HÀNH TRÌNH BỀN BỈ ĐƯA NGƯỜI DÂN THOÁT NGHÈO - Kỳ 1: Huy động hệ thống chính trị vào cuộc Phong trào thi đua tạo động lực xây dựng và phát triển tỉnh Nâng cao chất lượng nền hành chính hiện đại

Qua nhiều năm thực hiện, BR-VT đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công tác giảm nghèo. Hiện BR-VT vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh còn dưới 1,5%.

Gia đình chị Lê Thị Hạnh, thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức với sự hỗ trợ từ các chính sách dành cho hộ nghèo đã vươn lên trở thành điển hình thoát nghèo của huyện Châu Đức.

Gia đình chị Lê Thị Hạnh, thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức với sự hỗ trợ từ các chính sách dành cho hộ nghèo đã vươn lên trở thành điển hình thoát nghèo của huyện Châu Đức.

Vươn lên thoát nghèo

Gia đình chị Lê Thị Hạnh (42 tuổi), thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức cũng là một trong những tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo. Trước đây, vợ chồng chị Hạnh làm thuê mướn với đồng thu nhập ít ỏi nên phải rất chật vật xoay sở để nuôi 5 người con. Từ năm 2013, gia đình chị được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, các con được giảm tiền học phí, hưởng BHYT và nhiều sự hỗ trợ khác. Năm 2016, gia đình chị Hạnh còn được hỗ trợ bò giống và hỗ trợ vay ưu đãi 40 triệu đồng để chăn nuôi dê. Cùng với đó, năm 2017, vợ chồng chị được hỗ trợ cất Nhà tình thương. “Nhờ được hưởng các chính sách ưu đãi hộ nghèo mà cuộc sống gia đình tôi đã đỡ cực hơn nhiều. Vợ chồng tôi biết ơn sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước”, chị Hạnh xúc động nói.

Với chính sách ưu tiên dành cho hộ nghèo được triển khai nhanh chóng không chỉ gia đình chị Lê Thị Hạnh mà hàng chục ngàn lượt hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo nhờ tính cần cù lao động, sự hỗ trợ thiết thực từ các chính sách dành cho hộ nghèo.

Trong hành trình nỗ lực đưa người dân thoát khỏi hộ nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, mỗi địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tế từng vùng. TP.Bà Rịa là địa phương đầu tiên trong tỉnh không còn hộ nghèo. Cụ thể, đầu năm 2016, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia và chuẩn tỉnh trên địa bàn TP. Bà Rịa là 2.386 hộ, chiếm tỷ lệ 9,43% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn là 57 hộ (chiếm tỷ lệ 0,22% và đều là đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo).

Theo Lãnh đạo UBND TP.Bà Rịa thì để đạt kết quả đó, TP. Bà Rịa đã triển khai nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình là hỗ trợ vốn vay kịp thời cho hộ nghèo đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Nhờ đó, hàng chục ngàn lượt hộ nghèo trên địa bàn TP. Bà Rịa đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách thiết thực, trợ giúp về nhiều mặt để vươn lên, đưa Bà Rịa trở thành một trong nhiều địa phương đạt kết quả nổi bật về công tác giảm nghèo. Các chính sách và giải pháp thúc đẩy giảm nghèo của thành phố được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống… TP. Bà Rịa phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh giảm còn 0,4%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Các địa phương khác như: huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu... đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo và đã đạt thành quả ấn tượng.

Nhiều chính sách giảm nghèo bền vững

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám Đốc Sở LĐTBXH, từ năm 2006 đến nay trong từng giai đoạn, BR-VT ban hành chuẩn nghèo riêng của tỉnh qua đó diện thụ hưởng chính sách giảm nghèo ngày càng được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo được ưu tiên bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác. Chính sách giảm nghèo về vay vốn, y tế, giáo dục, hỗ trợ mô hình giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số... được các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản một cách thuận lợi và đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể của tỉnh cùng chung tay xây dựng triển khai nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, hội viên đã góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện. Theo tiêu chí nghèo đa chiều, cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh chỉ còn 0,73% so với tổng số hộ dân và không có hộ nghèo thuộc chính sách người có công, trong đó hộ nghèo chuẩn quốc gia còn 0,09% tương đương 257 hộ. Đây là kết quả giảm nghèo đáng ghi nhận, với kết quả ấy năm 2020, BR-VT được tặng Huân chương lao động hạng III về thành tích giảm nghèo.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

BR-VT phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân; 100% hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập; 100% lao động nghèo có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề… Để triển khai thực hiện đề án, BR-VT sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, điện, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và trợ giúp pháp lý…

Dự kiến tổng nguồn vốn bố trí triển khai các chính sách cho cả giai đoạn là hơn 1.255 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương chiếm hơn 29%, nguồn vốn địa phương hơn 69%, còn lại là nguồn vốn huy động.

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202112/hanh-trinh-ben-bi-dua-nguoi-dan-thoat-ngheo-ky-2-doi-song-nguoi-dan-tung-buoc-doi-thay-940015/